Tiểu thương tiết lộ gì về loại cua lông Thượng Hải giá “siêu rẻ” bán đầy chợ mạng?
Nhiều người khá bất ngờ khi người bán quảng cáo là cua lông Thượng Hải nhưng giá lại “siêu rẻ”, chỉ từ 500-700.000 đồng/kg thay vì 2-3 triệu đồng/kg như trước đó.
Đến hẹn lại lên, cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm là dịp thị trường xôn xao vì sự xuất hiện của cua lông Thượng Hải. Đây được coi là loại cua ngon nhất thế giới và là món ăn thượng hạng của giới nhà giàu, mỗi năm chỉ có từ 2-3 tháng.
Tuy nhiên, trái ngược với “lời đồn thổi” là loại cua siêu hiếm và siêu đắt đỏ thì thời gian gần đây, cua lông được rao bán tràn lan khắp chợ Việt với giá chỉ từ 50.000 đồng/con hoặc từ 500-700.000 đồng/kg khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn và nghi ngờ.
Cua lông Thượng Hải được rao bán trên các chợ mạng với giá rẻ bất ngờ. (Ảnh chụp màn hình).
Rao bán cua lông Thượng Hải trên chợ mạng, chị Nguyễn Thị Nga, trú tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, cua lông được coi là món ăn cao lương mĩ vị của giới thượng lưu Trung Quốc. Kích thước không quá to nhưng đổi lại thịt cua lông nổi tiếng vì vị ngọt đậm đà, cặp càng ngậy mềm như kem bơ.
Theo chị Nga, đây là loại cua tự nhiên, mỗi năm chỉ có 1 lần từ tháng 9 đến tháng 11, các tháng khác muốn ăn cũng không có. Cua lông không có quá nhiều thịt nhưng rất nhiều gạch, giàu dinh dưỡng, ăn béo ngậy giống như vị lòng đỏ trứng vịt quyện với gan ngỗng béo. Vì vậy, ai cũng nên thưởng thức cua lông một lần trong đời để biết thêm hương vị siêu ngon của nó.
Lời quảng cáo “có cánh” nhưng giá cua lông chị Nga bán chỉ 80.000 đồng/con, size 9-10 con/kg. Nếu mua theo cân thì có giá 750.000 đồng. Chị Nga cho rằng, cua lông có giá rẻ như vậy là do đang vào mùa, số lượng bao nhiêu cũng có.
Những con cua với lớp lông ở chân, càng và mai đang thu hút sự quan tâm của đông đảo chị em.
Chị Trang Hà, trú tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, loại cua đang bán với giá vài trăm nghìn đồng/kg tại Hà Nội thực chất là cua da hay còn gọi là cua sông, được người dân dọc sông Cầu, thuộc huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đánh bắt và vận chuyển xuống Hà Nội bán. Nhiều thương lái mua về, quảng cáo là cua lông Thượng Hải để bán kiếm lời.
“Cua da quê tôi giống hệt cua lông Thượng Hải, chúng có một lớp lông trên chân, càng và yếm. Cua cái thì nhiều trứng và gạch, cua đực thì nhiều thịt. Chúng sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã thuộc huyện Yên Dũng và chỉ xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, khi có gió heo may trở lạnh”, chị Trang nói.
Cua da hay còn gọi là cua sông được chị Trang thu mua ở Bắc Giang và bán tại Hà Nội. (Ảnh: Trang Hà).
Chị Trang còn cho biết, việc đánh bắt cua da rất khó khăn, muốn bắt phải là những thuyền chài có kinh nghiệm, bắt vào ban đêm và dùng lưới bát quái với hình thù đặc biệt để bắt cua. Cua bắt được bao nhiêu có người đứng trên bờ thu mua hết đến đó. Khoảng 5 giờ sáng là không còn con nào để mua và không có bán ở các phiên chợ.
Những năm trước, chị Trang thường mua gom của người dân tại Yên Dũng rồi bỏ sỉ cho các mối ở Hà Nội nhưng năm nay chị mở cửa hàng và bán trực tiếp. Giá cua da chị bán dao động từ 420-570.000 đồng/kg tùy size.
Cua da với lớp gạch và trứng béo ngậy, thơm ngon. (Ảnh: Trang Hà).
“Tôi thấy cua da và cua lông giống hệt nhau. Người tiêu dùng mới ăn lần đầu không thể phát hiện ra được. Vì thế nhiều người dựa vào sự nổi tiếng của cua lông Thượng Hải để quảng cáo và bán hàng nhưng thực chất họ đang bán cua da Việt Nam mà thôi. Bởi vì cua lông Thượng Hải nghe nói rất đắt đỏ và hiếm, vận chuyển về Việt Nam cũng rất khó khăn nên giá không thể rẻ như cua da”, chị Trang khẳng định.
Cũng bán cua lông Thượng Hải nhưng anh Trịnh Đức Kiên, trú tại Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho biết, từ trước đến nay anh bán cua lông không dưới 2 triệu đồng/kg và chỉ bán theo con.
Theo anh Kiên, giá cua lông Thượng Hải bán tại Hồng Kông đã khoảng 100 USD/kg loại nhỏ và khoảng 90 USD/con loại trên 250gr. Ngoài ra, vì Thượng Hải cách Hà Nội khoảng 2.000 km nên chỉ có thể vận chuyển cua lông bằng đường hàng không. Nếu thêm giá cước vào, giá cua lông Thượng Hải bán tại Việt Nam không dưới 200.000 đồng/con và chỉ bán theo con.
Cua lông Thượng Hải chuẩn có giá không dưới 200.000 đồng/con. (Ảnh: Đức Kiên).
Khẳng định mình bán cua lông chuẩn, anh Kiên cho biết, mỗi con cua lông Thượng Hải đều có nẹp nhựa có mã QR code của cơ sở khai thác độc quyền cua lông tại hồ Dương Trừng. Người bán cũng có thể cho khách hàng xem phiếu gửi kèm hành lý chuyến bay từ Thượng Hải về Hà Nội khi khách hàng yêu cầu.
“Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc vận chuyển cua lông Thượng Hải về Việt Nam gặp không ít khó khăn. Đơn vị đối tác của tôi ở Hồng Kông vẫn đang setup cách vận chuyển về và sang tháng 10 mới có hàng để bán tại Hà Nội”, anh Kiên cho hay.
Khi mua cua lông Thượng Hải, khách hàng được tặng nước sốt của đơn vị khai thác. (Ảnh: Đức Kiên).
Là người đã từng thử cả cua lông Thượng Hải và cua da Việt Nam, anh Trịnh, trú tại Phù Lỗ, Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, cua lông Thượng Hải được người Trung Quốc thích ăn nên hàng nhập về Việt Nam rất ít. Ngoài buộc dây thì mỗi con cua đều gắn 1 chiếc thẻ chip, trên thẻ có mã QR để truy xuất nguồn gốc.
“Trung bình 1 con cua lông bán tại Việt Nam có giá khoảng 300.000 đồng đối với loại 5 con/kg, loại 300gr/con thì đắt hơn nhiều. Tôi ăn cả cua lông Thượng Hải và cua da Việt Nam thì thấy nhìn bên ngoài chúng khá giống nhau, chất lượng cũng không chênh nhau nhiều nhưng giá thì chênh nhau quá nhiều”, anh Trịnh nói.
Hình ảnh cua lông có dây buộc và gắn thẻ chíp chứa mã QR để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Đức Kiên).
Theo anh Trịnh, nếu ăn cho biết thì nên mua cua lông Thượng Hải về ăn thử, còn nếu muốn ăn cho đã thì mua cua da ở Việt Nam, dao động từ 300-500.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Cua lông có thể hấp bia, nấu lẩu hoặc nấu riêu cua, vị rất ngậy và thơm.
“Người mua thì khó phân biệt được cua có xuất xứ từ đâu nhưng người bán thì biết rất rõ. Đối với người sành ăn thì họ nhìn là biết cua lông Thượng Hải hay cua da Việt Nam nhưng người bán thì vẫn thích “sính ngoại” để nâng giá sản phẩm lên, “vợt” được nhiều khách hơn. Để tránh mất niềm tin và uy tín thì người bán nên nói rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mình đang bán chứ không nên lừa dối người tiêu dùng”, anh Trịnh cho hay.
Người dân Thủ đô đã bắt đầu mua sắm trong ngày đầu trung tâm thương mại mở cửa trở lại. Do là ngày thường nên lượng...
Nguồn: [Link nguồn]