Thực hư việc nuôi lợn lấy răng nanh, phục vụ thú chơi “đốt tiền” của giới nhà giàu
Những chiếc nanh heo ngày càng được nhiều người coi là “bùa hộ mệnh” và chi cả “đống tiền” để lùng mua bằng được. Vì vậy, không ít người đã bỏ tiền đầu tư để nuôi lợn rừng lấy nanh.
Nanh heo rừng là chiếc răng cửa của giống lợn rừng, được mài mòn sắc bén theo thời gian tỷ lệ với sự phát triển của cơ thể con lợn. Chúng dùng răng nanh để chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ lãnh thổ hoặc để kiếm ăn.
Từ xa xưa, việc săn bắt lợn rừng của con người ngoài việc để làm thức ăn thì chiếc răng nanh của chúng cũng được tận dụng để làm đồ trang sức thể hiện uy lực của người đứng đầu.
Xã hội ngày càng phát triển, số lượng lợn rừng ngày càng trở nên quý hiếm, việc buôn bán động vật hoang dã bị nghiêm cấm nhưng không khó để thấy việc mua bán nanh heo vẫn diễn ra hết sức sôi động. Nhiều người còn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để nuôi lợn rừng lấy nanh.
Giá của mỗi chiếc nanh dựa vào độ cong, dài, dày, đặc của nanh lợn rừng. (Ảnh: Hương Nguyên).
Từng bỏ số tiền lớn ra đầu tư nuôi heo rừng lấy nanh để bán nhưng anh Nguyễn Duy Trường (trú tại Tiền Giang) cho biết, việc này không khả thi khi heo rừng anh nuôi 4-5 năm mới nhú được nanh dài 2-3cm. Vì vậy, để có được 1 chiếc nanh heo dài, cong và có giá trị cao thì phải nuôi trên 10 năm.
“Bỏ thời gian, công sức, tiền bạc như vậy để nuôi nhưng chưa chắc đã hiệu quả vì heo rừng ngày xưa sống hoang dã, tự đi kiếm ăn trong rừng sâu. Chúng dùng răng nanh để hạ cây, đào đất, kiếm mồi khiến răng sắc nhọn và dài. Còn lại, heo mình thuần hóa và nuôi tại nhà sau nhiều năm chưa chắc có chiếc nanh đẹp và có giá trị”, anh Trường nói.
Vì thế, theo anh Trường, hiện tại anh chỉ nuôi heo rừng lấy thịt, được 20-30kg trở lên rồi bán heo thương phẩm với giá cao gấp 2-3 lần heo thông thường, cầm chắc phần thắng chứ không phải đợi hàng chục năm để lấy 1-2 chiếc răng nanh. Vốn nhiều mà tỉ lệ rủi ro lại cao hơn.
Lợn rừng được nuôi để lấy nanh phải mất thời gian rất dài mới thu hồi vốn.
Chị Hương Nguyên, trú tại Tuyên Quang, người bán nanh heo rừng nhiều năm cho biết, bản thân chị cũng không biết người ta lùng mua nanh heo rừng để làm gì nhưng thấy có người hỏi mua nên chị cũng lấy về để bán.
Trên thị trường, xuất hiện đủ các loại nanh heo rừng và giá tiền. Từ nanh heo giả có giá vài trăm nghìn cho đến những chiếc nanh heo nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Thái Lan có giá hàng chục triệu đồng được rao bán công khai trên các chợ online hoặc trong giới sưu tầm nanh heo rừng.
“Nanh heo càng cong càng có giá trị. Đó là những chiếc nanh cong thành hình tròn, có thể sử dụng làm nhẫn hoặc vòng tay có giá từ 15-20 triệu đồng. Tuy nhiên những chiếc nanh này cực hiếm, không có nhiều”, chị Nguyên nói.
Để tìm được những chiếc nanh heo đẹp, độc, lạ rất khó vì lợn rừng ngày càng quý hiếm.
Theo chị Nguyên, đã có một số người làm nanh heo rừng bằng nhựa trộn bột đá và dầu bóng rất tinh vi, y như thật để bán. Vì vậy, người mua nên tìm hiểu kỹ, quan sát rõ các vân nổi ở thân nanh, độ lớn và độ cong của nanh heo để phân biệt thật hay giả.
Không biết thực hư ra sao nhưng không ít người coi nanh heo là món trang sức có giá trị và lùng mua bằng được. Nhiều người sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để sở hữu một chiếc nanh heo độc đáo, đắt tiền làm “bùa hộ mệnh”.
Chiếc nanh heo trị giá hàng chục triệu đồng.
Anh Thuần, trú tại Pleiku (Gia Lai) cho biết, anh đã chi số tiền hơn 30 triệu đồng để mua 1 chiếc nanh heo rừng. Chiếc nanh heo này đã lên nước trong như ngọc, độ cong chuẩn và bên trong còn nguyên chân răng.
“Nanh heo rừng nhiều lắm, chỉ từ 500.000 đồng là có thể sở hữu 1 chiếc rồi. Giá trị của nó dựa vào độ cong, độ đặc, độ lớn và tuổi của chúng. Đối với những chiếc nanh đã hóa thạch hoặc quý hiếm sẽ được bọc vàng, bọc bạc hoặc chạm trổ hoa văn và các kí tự kỳ lạ lên nanh, thể hiện được uy lực của người sở hữu”, anh Thuần nói.
Nhiều người còn sưu tầm cả những chiếc nanh heo còn nguyên cả bộ hàm với giá đắt đỏ.
Theo anh Thuần, giới kinh doanh xem nanh heo rừng như một thứ bùa hộ mệnh dùng để thể hiện bản lĩnh, trừ tà, tránh được những điềm gở, giải trừ ma quái và ốm đau, bệnh tật. Ngoài ra, chúng còn mang lại may mắn, giúp họ nắm bắt được cơ hội, dễ dàng thăng tiến trong kinh doanh cho người sở hữu.
Tuy nhiên, theo anh Thuần, bản thân anh thấy đẹp thì mua và sưu tầm, còn sự thật có đúng như “lời đồn” không thì bản thân anh cũng không biết được.
Khi giá thịt lợn ở hầu hết các chợ quê đều giảm từ 40-50% thì giá thịt tại các siêu thị và chợ dân sinh tại Hà Nội...
Nguồn: [Link nguồn]