Thứ quả đen sì “lên đời” thành đặc sản đắt hơn thịt lợn, nông dân thu hàng trăm triệu/vụ
Loại quả này có hình thoi, khi chín có màu đen, cùi màu vàng, hạt nhọn 2 đầu, đang được bán với giá từ 120-180.000 đồng/kg. Thậm chí hạt của nó còn có giá lên đến 200.000 đồng/kg.
Là loại cây thân gỗ thích hợp với khí hậu vùng núi cao, được người dân trồng để lấy gỗ và lấy quả, cây trám đen đã trở nên khá quen thuộc với người dân các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, quả trám đen lại được coi là đặc sản, trở thành thứ quả được nhiều người ở thành phố lùng mua với giá cao để làm thực phẩm ăn hàng ngày hoặc làm quà biếu.
Quả trám đen.
Hạt trám cũng được thu mua với giá 200.000 đồng/kg.
Chị Hoàng Thị Hằng, trú tại Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm nào vào mùa trám chị cũng phải lấy xuống Hà Nội bán với giá 120-130.000 đồng/kg.
Riêng năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc vận chuyển từ quê xuống gặp nhiều khó khăn nên từ đầu vụ, chị mới lấy được 1 chuyến xuống bán với giá 140.000 đồng/kg cả hạt, tách hạt là 250.000 đồng/kg.
“Nhiều người ăn quen đặt hàng nhưng vận chuyển khó nên tôi phải đợi Hà Nội hết giãn cách xã hội mới mang trám xuống bán được. Ngày nào cũng hàng chục khách hỏi mà không có bán”, chị Hằng cho biết.
Mỗi kg trám đang được rao bán tại Hà Nội với giá từ 120-180.000 đồng/kg.
Theo chị Hằng, trước đây quê chị hầu như nhà nào cũng có vài cây trám ở góc vườn. Quả trám có thể làm thực phẩm, kho thịt, cá hoặc muối ăn dần cả năm. Nhựa trám có thể làm chất đốt, đề phòng mất điện. Thân trám có thể làm gỗ. Tuy nhiên, dần dần, người dân chặt trám đi để trồng các loại cây ăn quả khác nên quả trám ngày một hiếm, giá ngày càng cao.
Nhận thức được giá trị từ việc thu hoạch quả trám bán ra thị trường, một số địa phương tại miền Bắc đã chú trọng vào việc bảo tồn, trồng và phát triển cây trám đen.
Trám đen có lớp vỏ màu đen và lớp cùi màu vàng, ăn có vị béo, bùi đặc trưng.
Trong đó, tại xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), cây trám đen được coi là loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Quả trám được chế biến thành sản phẩm đóng hộp, dán tem, nhãn và đưa vào các hệ thống, siêu thị trên toàn quốc. Nhờ vậy, những hộ trồng trám nơi đây có thể thu về hàng trăm triệu đồng/vụ nhờ bán quả trám.
Trám đen tại xã Hoàng Vân thu hoạch đến đâu có người mua hết đến đó với giá cao.
Sở hữu 7 gốc trám cổ thụ khoảng trên 100 năm tuổi và hơn 10 gốc trám từ 20-30 năm, gia đình chị Ngô Phương Thủy, trú tại thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết, năm nay gia đình chị thu hoạch được khoảng 2 tấn quả.
Vì cây trám có tán rộng lại cao nên gia đình chị phải thuê người chuyên trèo trám để hái quả với giá 400.000 đồng/ngày. “Thợ hái trám trèo lên cây rồi dùng sào đập cho trám rụng xuống. Người nhà phía dưới lót bạt quanh gốc để làm sao trám rụng xuống không bị dập mà vẫn còn nguyên phấn”, chị Thủy nói.
Khi thu hoạch trám, người đân phải lót bạt rồi trèo lên cây cao, dùng sào đập trám xuống.
Trám đen hái đến đâu đều được thương lái thu mua hết đến đó với giá từ 120.000 đồng/kg. Vì vậy, dự kiến vụ trám năm nay, gia đình chị Thủy có thể thu về được khoảng trên 200 triệu đồng tiền bán trám.
Cũng sở hữu khoảng 20 cây trám đang cho thu hoạch trong vườn nhà, anh Chu Văn Bắc, trú tại thôn Vân Xuyên cho biết, cây trám gần như là loại cây bản địa được trồng hàng trăm năm tại một số làng ven sông Cầu thuộc xã Hoàng Vân.
Mỗi gia đình trồng trám đen tại xã Hoàng Vân có thể thu về hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/vụ.
Tại vườn nhà anh Bắc, mỗi cây trám cổ thụ có thể cho thu hoạch khoảng 100-200kg quả tươi. Những cây từ 20-30 năm tuổi thì cho thu hoạch vài chục kg/cây.
“Các cụ ngày xưa thấy cây trám hợp với thổ nhưỡng, cho quả dày cùi, ăn bùi và béo hơn nên nhân giống ra trồng vừa lấy gỗ vừa lấy quả. Tuy nhiên, gỗ trám không được bền nên chủ yếu trồng trám để lấy quả, chế biến thành các món ăn dân dã tại địa phương”, anh Bắc nói.
Theo anh Bắc, từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương và phục vụ khách từ nơi khác đến, trám đen đã được người tiêu dùng khắp nơi đặt mua, tiêu thụ tại nhiều vùng miền. Vì vậy, ngày càng nhiều người biết đến trám đen và giá ngày càng cao.
Trái ngược với cảnh mua bán tấp nập của hàng trăm thương lái đổ về thu mua nhãn như mọi năm, năm nay, nhiều hộ dân...
Nguồn: [Link nguồn]