Thu hoạch “lộc trời” chỉ có trong rừng già, nhóm bạn trẻ “đút túi” hàng chục triệu đồng
“Kỷ lục một cây có hẳn 20 tổ, mỗi tổ nặng từ 15-30kg mà người dân quanh vùng không ai dám lấy. Chúng tôi lên lấy 8 tổ, được hơn 1 tạ mật”.
Đó là chia sẻ của anh Trịnh Hoài Nam, trú tại Phú Thọ về chuyến đi “ăn ong” đáng nhớ vừa qua của mình
Theo anh Nam, vào thời điểm sau Tết, các loài hoa bắt đầu nở rộ cũng là lúc từng đàn ong rừng kéo nhau về làm tổ, luyện mật. Trong đó, loại ong cho mật ngon nhất, nhiều nhất là mật ong khoái.
Thợ săn ong khai thác mật ong khoái làm tổ trên cây. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc khai thác mật ong khoái khắp từ Bắc vào Nam theo từng mùa ong làm mật, anh Nam cho biết, ong khoái thường làm tổ trong rừng già, ở vị trí rất cao. Khi thì cheo leo trên vách đá, khi lại lơ lửng ở ngọn cây và chỉ làm thành một tổ trông như cái yếm, treo lủng lẳng ở trên cao.
Mật ong khoái được cho là ngon nhất trong các loại mật ong rừng. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
“Có những ngày, để lấy được mật ong rừng, tôi phải vượt qua đồi núi, đến những con dốc chênh vênh, một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm để kiếm mật. Biết là công việc nguy hiểm nhưng được sống cuộc sống tự do, gần gũi với thiên nhiên cũng rất thú vị nên càng đi càng ham”, anh Nam nói.
Những tổ ong khổng lồ trên cây, nặng từ 15-30kg/tổ. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Trở về sau chuyến “ăn ong” vùng Tây Bắc, anh Nam cho biết, thông thường, nếu may mắn, mỗi chuyến đi có thể thu hoạch được từ 10-30 lít mật, không may thì đi cả tuần chỉ được 1-2 lít.
Tuy nhiên, năm nay, anh và 5 người bạn của mình đã có một chuyến bội thu khi tiếp cận được một cây đa trong rừng già với hơn 20 tổ ong khoái.
Cây đa cổ thụ trong rừng già với hàng chục tổ ong khoái. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
“Cây đa này anh em “ăn ong” ở khu vực Sơn La biết nhưng địa hình nguy hiểm nên họ không dám lấy. Tôi cùng 5 anh em khác trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lên, lấy 8 tổ đã được hơn 1 tạ mật mang về”, anh Nam kể.
Thợ săn ong được trang bị quần áo bảo hộ, thang dây, dây bảo hiểm đầy đủ. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Để lấy được mật, nhóm anh Nam phải dậy từ 5 giờ sáng, di chuyển bằng xe máy đến bìa rừng, sau đó lại đi bộ hơn một giờ đồng hồ mới đến địa điểm lấy mật. Vừa bắt vừa nghỉ suốt một ngày trời mới xong.
Để lấy được mật ong rừng, anh Nam cùng bạn mình phải đi bộ hàng giờ đồng hồ. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
“Chúng tôi đi từ 5 giờ sáng, 7 giờ sáng đến nơi. Sau khi nghiên cứu địa hình, bàn bạc kỹ thuật lấy sao cho an toàn nhất thì đúng 8 giờ, 2 trong số 6 anh em lên cây, người còn lại ở phía dưới tiếp nước và đồ dùng. Sau 8 tiếng liên tục trên cây, chúng tôi thu được 8 trong số 20 tổ, được hơn 1 tạ mật”, anh Nam kể.
Thợ săn ong phải leo lên cây bằng thang dây. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Cũng trong chuyến này, nhóm anh Nam tiếp cận được một cây đa có 12 tổ ong khoái, thu được 80 lít mật. Với giá bán 550-650 nghìn đồng/lít, chuyến đi rừng này mỗi người có thể thu được hàng chục triệu đồng.
Anh Nam cho biết, mùa săn mật ong khoái bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Đây cũng là thời điểm mật ong khoái ngon nhất và bán được giá cao nhất.
Khai thác mật ong khoái rất nguy hiểm nên phải đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật rất khó khăn. (Ảnh: Bước chân vùng cao).
Vì vậy, thời gian này, anh Nam và nhóm bạn đồng hành của mình hầu như “ăn nằm” ở trong rừng cả tuần để tìm và thu hoạch mật ong khoái.
Mật ong khoai được bán với giá từ 550-650 nghìn đồng/lít.
Trong mỗi chuyến đi, anh Nam thường dùng máy ảnh, máy quay để ghi hình lại hành trình của mình và đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ vậy, ngày càng nhiều người biết đến và tìm mua, mật ong khai thác được đến đâu đều bán hết đến đó.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ bàn ghế gồm 8 món được tác giả đặt tên là “Bữa tiệc xuân Quý Mão 2023” làm bằng gỗ mít và gỗ lũa phủ sơn mài, chỉ có một bộ duy nhất, không có tái bản.