Thịt cò, vạc được rao bán tràn lan trên chợ mạng, giá chỉ từ 40 nghìn đồng/con

Sự kiện: Dạo chợ

Những con chim trời như cò, vạc, diệc được làm sạch, thui rơm vàng ruộm đang được các tiểu thương rao bán khắp các chợ mạng với giá rẻ khiến nhiều người bất ngờ.

Thời gian gần đây, trên các chợ online, người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục bài viết rao bán thịt cò, vạc và các loại chim trời với giá chỉ từ 40 nghìn đồng/con. Dưới mỗi bài viết, hàng chục người vào bình luận, đặt hàng.

Cò, vạc được rao bán tràn lan trên các chợ online.

Cò, vạc được rao bán tràn lan trên các chợ online.

“Nhà mình hôm nay lại về hơn trăm con chim trời, hàng tự nhiên đánh bắt, ai đặt em mới làm thịt nhé các anh chị. Trong đó, cò chỉ 50 nghìn đồng/con, vạc chỉ 120 nghìn đồng/con, tu hú 110 nghìn đồng/con”, tài khoản tên Lan, trú tại Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rao bán.

Theo chị Lan, cò này được người dân quê chị bẫy tại đồng. Là động vật tự nhiên nên ăn thịt rất chắc và thơm ngon, không lo tăng trọng hay hoá chất nên cò, vạc được khách Hà Nội rất thích, có bao nhiêu chị cũng bán hết bấy nhiêu.

Để hút khách, những người bán hàng đăng cả video đi bẫy cò, vạc và cảnh sơ chế những loại động vật hoang dã này.

Để hút khách, những người bán hàng đăng cả video đi bẫy cò, vạc và cảnh sơ chế những loại động vật hoang dã này.

“Mỗi con cò sau khi làm sạch nặng từ 200-250g, mỗi con vạc làm sạch xong cân còn khoảng 400-500g. Nhiều người họ mua cả chục con về xào sả ớt, xào khế hay sáo măng. Cả năm mới có một mùa cò, vạc, tội gì không ăn”, chị Lan nói.

Không chỉ đăng bán công khai, nhiều người còn chào mời đổ mối sỉ với giá hấp dẫn khi lấy từ 50 con trở lên với giá chỉ 40 nghìn đồng/con cò, 95 nghìn đồng/con vạc và cam kết ngày nào cũng có hàng.

Hình ảnh chim trời đủ các chủng loại được rao bán công khai, hàng ngày trên các chợ mạng. (Ảnh chụp màn hình).

Hình ảnh chim trời đủ các chủng loại được rao bán công khai, hàng ngày trên các chợ mạng. (Ảnh chụp màn hình).

Khi được hỏi nguồn gốc số cò, vạc này từ đâu, chị Lan cho biết, đa phần cò, vạc, chim trời được các mối buôn nhập từ Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, được người dân săn, bắt, bẫy ở vùng bãi ngang ven biển hoặc các cánh đồng vào dịp thu hoạch vụ mùa.

Ngoài bán lẻ trên chợ mạng, chị Lan còn bán sỉ cho các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu vì đây là loại “đặc sản theo mùa” được “dân nhậu” cực kỳ yêu thích. Nếu tính ra, mỗi kg cò, vạc có giá từ 200-250 nghìn đồng, đắt gấp đôi thịt gà nhưng vẫn đắt khách.

Dưới mỗi bài viết bán chim trời có hàng chục lượt bình luận, đặt hàng. (Ảnh chụp màn hình).

Dưới mỗi bài viết bán chim trời có hàng chục lượt bình luận, đặt hàng. (Ảnh chụp màn hình).

Theo tìm hiểu của PV, thời điểm tháng 9,10 hàng năm là mùa chim tự nhiên di cư để tránh bão, tránh rét và bước vào mùa sinh sản. Trong khi đó, các loài chim hoang dã có vai trò rất lớn về mặt cân bằng sinh thái. Nếu con người tận diệt chim trời sẽ dẫn đến việc mất cân bằng tự nhiên, dẫn đến sâu bệnh phá hại mùa màng.

Ngày 17/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký chỉ thị số 4/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Chỉ thị nêu rõ, Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu.

Những con cò giả và lưới được giăng bẫy để bẫy cò, vạc.

Những con cò giả và lưới được giăng bẫy để bẫy cò, vạc.

Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam.

Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).

Rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm săn, bắn, bẫy các loài chim hoang dã, di cư.

Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; chỉ đạo, triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý các hình thức quảng cáo, kinh doanh trực tuyến trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các công cụ bẫy, bắt chim (lưới, bẫy, linh kiện lắp ráp súng tự chế, súng săn…).

Theo các Điều 21,22,23 của Nghị Định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 của Chính phủ có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó nêu rõ, người có hành vi săn bắt, tiêu thụ chim hoang dã có thể bị xử phạt tới 15 triệu đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao giá tôm ở miền Tây đột ngột tăng mạnh?

Ba ngày qua, tại Sóc Trăng, Cà Mau... giá tôm nguyên liệu loại kích cỡ lớn tiếp tục tăng cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Dạo chợ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN