Tận dụng những thứ vứt đi, 8x thu về cả trăm triệu mỗi năm
Với quan điểm “không có thứ gì là bỏ đi”, người đàn ông này đã biến những thứ nhiều người thường đem bỏ đi thành các bức tranh thủ công có giá đến cả chục triệu đồng.
Vì vùng quê của anh trồng cây tràm nên ngay từ nhỏ, anh Lê Hoàng Nhân, trú tại ấp 11A, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, Kiên Giang, đã gắn bó và thân thiết với loại cây này. Năm 2004, anh được sự gợi ý của ông Trần Thanh Nam - Bí thư huyện ủy Minh An về việc làm tranh từ vỏ tràm. Bản thân đam mê nghệ thuật sẵn, anh liền về tìm hiểu và thử sức làm tranh vỏ tràm.
“Thời điểm này thực sự khó khăn, tranh làm xong lại bỏ đi vì hỏng và không ưng ý. Lúc này, tôi chỉ nghĩ làm vì yêu thích và để tặng người thân, bạn bè nhưng thật sự gian nan vô cùng. Tôi đam mê nên cũng chưa bao giờ nản, chỉ luôn nghĩ bản thân phải cố gắng thật nhiều để làm ra sản phẩm ưng ý”, anh nói.
Anh Lê Hoàng Nhân làm tranh từ vỏ tràm được hơn chục năm nay.
Sau 5-6 năm làm loại tranh này, anh mới tạo được chỗ đứng và khẳng định tên tuổi của mình trong lòng những người mê tranh. Thời điểm này anh mới bắt đầu bán được những tác phẩm đầu tiên.
Theo anh, vỏ tràm khi lấy về phải được phơi khô, bóc tách cẩn thận, sau đó là tạo mẫu, phác họa đường nét và cuối cùng là sắp xếp vỏ tràm phù hợp với từng chủ đề của bức tranh. Ban đầu khi mới làm, anh còn chưa biết cách làm thế nào để bảo quản chúng khỏi ẩm mốc… Hiện tại, anh đã biết cách làm và thời gian làm cũng nhanh hơn.
“Những bức tranh đơn giản chỉ cần vài tiếng là hoàn thiện. Nhưng cũng có những bức phức tạp, khách yêu cầu sẽ cần nhiều thời gian hơn, có thể mất vài ngày mới xong”, anh giãi bày.
Một số bức tranh phong cảnh do anh Nhân làm hoàn toàn từ tự nhiên.
Với quan điểm “không có thứ gì là bỏ đi”, anh Nhân tiếp tục tận dụng những bẹ chuối khô để làm ra tranh vào khoảng năm 2019. “Bẹ chuối làm tranh bắt buộc phải là loại đã khô trên thân, không thể lấy loại tươi như vỏ tràm. Loại tranh này ngay khi gửi đi triển lãm tranh ở Hà Nội, có đối tác đặt mua ngay 50 bức để bán sang nước ngoài”, anh cho hay.
Công đoạn để chế tác một bức tranh từ bẹ chuối không khó: phác thảo, lắp nền, hoàn chỉnh bố cục, chi tiết, lấy nét và đóng khung tranh, tác phẩm tranh từ bẹ chuối cũng dần được hiện ra. Bẹ chuối khô được kết dính bằng lớp keo đã xử lý chống mối mọt, vừa có khả năng chống nước, chống thấm, chống ẩm mốc…
Không chỉ làm tranh từ bẹ chuối, vỏ tràm, anh Nhân còn tận dụng vải jeans cũ để tạo ra những bức tranh nghệ thuật.
“Vì những bức tranh này làm hoàn toàn bằng thủ công, mọi người sẽ không bao giờ thấy được bức nào giống bức nào. Giá cả của chúng thì cũng ngang nhau, tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp của bức tranh, dao động từ vài trăm đến hơn chục triệu đồng/bức”, anh cho hay.
Tùy theo kích thước và độ phức tạp của tranh, giá của chúng dao động từ vài trăm đến cả chục triệu đồng/bức.
Vì đây chỉ là công việc phụ, anh chỉ làm vào thời gian rảnh buổi tối và tranh phải làm hoàn toàn từ tự nhiên nên số lượng anh làm bị hạn chế. Thu nhập của anh chỉ dao động khoảng 10-15 triệu đồng/tháng.
Tính đến nay, anh đã làm hơn 1500 bức tranh vỏ tràm, hơn 50 bức tranh bẹ chuối và 30 bức tranh từ vải quần jean cũ. Riêng tranh bẹ chuối và tranh vải jean là mặt hàng tiềm năng được khách hàng nước ngoài yêu thích.
Trong tương lai, anh dự định sẽ sử dụng tất cả những phế phẩm vứt đi để làm thành những bức tranh nghệ thuật. Và nếu ai có nhu cầu học nghề, anh đều chỉ dạy miễn phí. Tuy nhiên, anh cho rằng nghề này đòi hỏi sự miệt mài, kiên nhẫn, tỉ mỉ và đặc biệt là phải có độ “lì” mới có thể làm ra một bức tranh đẹp.
Không chỉ thế, thời gian tới, anh muốn liên kết với du lịch trải nghiệm rừng tràm với trải nghiệm làm tranh. Khách du lịch có thể cùng nông dân trải nghiệm đến các hoạt động liên quan đến địa phương để nhiều người biết đến hơn.
Cất bằng đại học để trở về quê khởi nghiệp, sau 5 năm, 8x đã có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Nguồn: [Link nguồn]