Nuôi con đặc sản “trời cho”, anh nông dân Hải Phòng thu cả tỷ đồng/năm
Để có được “trái ngọt” ngày hôm nay cũng là cả một hành trình nhiều khó khăn của người đàn ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Hành trình cho việc đầu tư 1 thu 3
Cùng ông Vũ Đức Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đến thăm 1 trong 10 hộ dân có diện tích ruộng rươi nhiều nhất xã, tôi được nghe nhắc về câu ca dao nói về sự no ấm của người dân mỗi khi mùa rươi đến: “Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”.
Ông Hường cho biết, không phải khu vực ven sông, đồng bãi nào cũng nuôi được rươi. Ở xã Liên Am, chỉ có khu ruộng cạnh đê sông Thái Bình tại 2 thôn Liêm Bá và Bích Động là có rươi.
Anh Tuyến dẫn mọi người đi thăm quan khu ruộng rươi rộng 7 mẫu nhà mình.
Theo chân ông Hường, chúng tôi đến khu ruộng rươi của anh Lã Văn Tuyến (SN 1972), một mặt giáp đê sông Thái Bình, một mặt tiếp giáp với khu ruộng của người dân trong làng. Với 7 mẫu ruộng rươi, anh làm 7 xăm để chắn đón rươi. Anh Tuyến cho biết, con rươi được ví như “lộc trời” vì không phải bỏ tiền mua giống. Mỗi năm, anh có thể thu về cả tỷ đồng.
“Trung bình mỗi sào thu được từ 50-60kg rươi. Tính theo giá trung bình và phổ biến là 300 nghìn đồng/kg thì mỗi sào cũng thu được khoảng 15 triệu đồng. Với 70 sào ruộng rươi đang có, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng hơn tỷ tiền rươi, sau khi trừ chi phí có mức lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/năm. So với cấy lúa thì mô hình ruộng rươi cho thu nhập 1 gấp 3 lần”, anh Tuyến phân tích.
Theo anh Tuyến, nuôi rươi không cần mua giống nhưng lại thu lãi gấp 3 lần trồng lúa.
Tuy nhiên, để có được “trái ngọt” ngày hôm nay cũng là cả hành trình tích lũy kinh nghiệm của một người đàn ông bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Anh Tuyến cho biết, sau khi thăng trầm vật lộn nhiều nghề trong thành phố từ bốc vác đến đi đạp xích lô, anh quyết định về quê làm nông nghiệp vào năm 2010.
Nhận thức rõ rằng việc chỉ trồng lúa sẽ khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể làm giàu do phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, anh đã quyết định thay đổi phương thức sản xuất. Với hơn hai sào ruộng trong tay, anh đã cầm sổ đỏ đến ngân hàng để vay tiền, nhằm mua thêm đất và đào ao thả cá.
Nhờ nuôi rươi, mỗi năm anh Tuyến thu về cả tỷ đồng.
Sau vài năm thăng trầm với nghề nuôi cá với bài ca “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, tiền cám chiếm nhiều chi phí, đến năm 2013, anh quyết định chuyển sang mô hình nuôi rươi. Sau 11 năm nước lớn, nước nhỏ với những mùa rươi, anh đã nhận chuyển nhượng thành công 7 mẫu ruộng, hiểu rõ đặc tính của rươi, lịch nước lên xuống của khu ruộng rươi nhà mình.
Anh Tuyến cười vui, cho biết, năng suất 50-60kg rươi/sào là tính trung bình chứ có ruộng anh thu được cả tạ rươi/sào. Có năm trung bình anh bán được giá 500 nghìn đồng/kg thì doanh thu của anh lên tới gần 2 tỷ đồng, trừ chi phí cố định khoảng 350 triệu đồng, thu nhập của gia đình anh cũng khoảng 1,5 tỷ đồng.
Có người trả giá 12 tỷ đồng mua ruộng nhưng anh không bán
Theo anh Tuyến, để có 1 sào ruộng rươi, chi phí nhận chuyển nhượng đất từ các hộ dân khoảng 35 triệu đồng; chi phí múc đất cho thấp và san phẳng mất từ 20-25 triệu đồng/sào, cộng thêm 5 triệu đồng/sào tiền cải tạo đất. Như vậy, tổng chi phí hết hơn 60 triệu đồng/sào. Do vậy, để có vài mẫu ruộng rươi, người nông dân cũng phải đầu tư tới mức tiền tỷ.
Rươi được coi là lộc trời, không cần mua giống
Để có 7 mẫu ruộng rươi bây giờ, ngày ấy, anh Tuyến phải mua dần từng sào. “Sổ đỏ nhà tôi chưa từng có trong nhà mà toàn phải đưa làm tài sản thế chấp tại ngân hàng. Nếu ngày ấy mà có tiền tỷ trong tay, chắc tôi cũng không đầu tư để ăn chực nằm chờ nơi đồng không mông quạnh”, anh Tuyến cười vui nói.
Bây giờ, ngắm lại khu ruộng rươi gắn bó với hành trình khởi nghiệp của mình, ngọt bùi thì ít mà khó khăn thì nhiều, anh lại thêm say nghề. Dù có người trả giá 12 tỷ đồng, anh cũng không bán mà để làm cùng hai con trai của mình.
Hiện tại, có người hỏi mua ruộng rươi với giá 12 tỷ đồng nhưng anh Tuyến không bán.
Đầu tư vào con rươi cho thu nhập 1 gấp 3 nhưng không phải ai cũng làm được. Theo thông tin từ UBND xã Liên Am, diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn xã ngày càng nhiều nhưng là nơi không có rươi. Còn khu vực có rươi thì nhiều diện tích vẫn là đất trồng lúa chưa được quy hoạch thành ruộng rươi.
Anh Tuyến cho biết, do việc trồng lúa không hiệu quả, một số hộ dân xung quanh đều muốn chuyển nhượng cho anh. Tuy nhiên, do diện tích trên chưa được quy hoạch nuôi rươi nên anh cũng không thể mở rộng thêm.
Theo anh Tuyến, thực tế, nói là nuôi rươi nhưng người dân chỉ đắp đập, xây bờ, san phẳng, bón trấu, phân gà để cải tạo đất, chờ “tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm” để chắn xăm đón rươi.
Ngoài việc ưa vùng cửa sông, nước lợ, rươi kỵ không xuất hiện nơi ô nhiễm. Do vậy, có thể nói, việc nuôi rươi không chỉ giúp cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn giúp cải tạo môi trường.
Từ một hộ nghèo đến "cục đất chọi chim" cũng không có, bằng ý chí và nghị lực vươn lên thoát nghèo, sau bao thăng trầm của cuộc sống, anh nông dân...
Nguồn: [Link nguồn]