Nuôi con chậm chạp thu trứng, 9x bán giá 800.000 đồng/kg vẫn đắt hàng
Đang làm vị trí giám đốc, người đàn ông này trở về quê nuôi con chậm chạp này, thu trứng bán đến 800.000 đồng/kg.
Đang làm Giám đốc chi nhánh một công ty, anh Trần Văn Luân (Phụng Hiệp, Hậu Giang) quyết định nghỉ việc về quê nuôi ốc bươu đen. “Tôi quyết định nuôi con vật chậm chạp này với lý do: Thứ nhất, vốn đầu tư không quá nhiều, nó phù hợp với tình hình kinh tế của mình tại thời điểm đó.
Tiếp nữa là nuôi ốc tôi có thể tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại vườn, mình không phải tốn chi phí thức ăn hàng ngày và thức ăn của chúng thì xung quanh mình có, mình có thế tiết kiệm chi phí rất nhiều”, anh Luân chia sẻ.
Trứng ốc được bán với giá lên đến 800 nghìn đồng/kg.
Từ một người làm công việc văn phòng, anh Luân trở về chăn nuôi nên anh dành nhiều thời gian nghiên cứu rất kỹ về kỹ thuật, đặc tính và tất cả các vấn đề liên quan đến con ốc. Khi bắt đầu nuôi, anh cũng gặp một số khó khăn nhất định nhưng dần cũng vượt qua.
“Nói chung là nuôi ốc có rất nhiều ưu điểm như đầu tư vốn khá ít mà nuôi không mất nhiều chi phí thức ăn, thu hồi vốn khá nhanh. Vì vậy, tôi không phải thiếu nợ ai, tôi thấy mình thật may mắn khi lựa chọn nuôi con vật này”, anh chia sẻ.
Sau 3 năm, diện tích nuôi ốc bươu đen nhà anh khoảng 2000m2 với hơn 500.000 con giống. Ban đầu, anh mua giống tại các trại giống uy tín về nuôi, sau 6 tháng ốc sinh sản, anh nhân đàn và cung cấp ra thị trường từ đó.
Anh Luân bỏ việc làm giám đốc, trở về quê nuôi ốc bươu đen làm kinh tế.
Hiện, anh bán cả ốc giống, ốc thương phẩm và trứng ốc. Giá ốc thương phẩm vào ngày thường khoảng 50-60 nghìn đồng/kg, còn càng về cuối năm giá càng lên cao. Ốc giống bán giá từ 300-350 đồng/con, tuỳ số lượng. Trứng ốc thời điểm này anh bán cho các hộ nuôi là 800.000 đồng/kg.
“Số lượng ốc giống bán được nhiều hay ít thì tuỳ thuộc vào thời điểm, khí hậu có thuận lợi để người nuôi thả giống không. Trung bình tháng cao điểm tôi bán 30-50kg trứng, những tháng cuối năm bán ít hơn tầm khoảng 10-15kg trứng/tháng, vì một số nơi bắt đầu lạnh không thích hợp thả giống”, anh nói.
Thời gian tới, anh sẽ cho ra thị trường khoảng 500-800kg ốc thịt, số còn lại anh giữ làm giống cho vụ sau.
Theo anh, nuôi ốc giai đoạn đầu rất cực, người nuôi phải chuẩn bị môi trường nuôi, cải tạo ao, nuôi thủy sinh… Khi chuẩn bị xong, người nuôi chỉ quan tâm đến một số vấn đề như là thời tiết, chế độ ăn hợp lý và giữ nước luôn sạch nên cũng khá nhàn rỗi. Người nuôi có thể vừa nuôi ốc vừa kết hợp thêm các việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Theo anh, ốc chỉ nuôi vất vả thời gian đầu, sau này thì nhàn hơn nhiều.
Vì vậy, anh có thể kết hợp làm nghề khác để có thêm thu nhập.
“Như tôi bây giờ kết hợp nuôi ốc và quản lý cửa hàng về các thiết bị trong gia đình. Buổi sáng, tôi dành thời gian cho con ốc như thu hoạch trứng kiểm tra nguồn nước rồi tôi trở về xem cửa hàng của mình”, anh nói.
Tuy nhiên, anh cho rằng không phải ai cũng có thể nuôi ốc, ai có ý định nuôi trước tiên là nên tìm hiểu kỹ về môi trường sống, đặc tính, khí hậu, sau là chọn giống. Bởi con ốc nuôi khá dễ khi có được các yếu tố tự nhiên thuận lợi, tuy nhiên nếu điều kiện môi trường, khí hậu không tốt thì không nên nuôi.
Tính đến thời điểm này, anh cho biết bản thân chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định này hay muốn trở về thành phố làm thuê. Bởi cuộc sống hiện tại với anh rất thoải mái về tinh thần và được sống cuộc sống hoà nhập với thiên nhiên, gần gia đình và có nhiều thời gian cho con.
Để phát triển hơn nữa, anh dự định sẽ mở rộng trại nuôi thứ 2 rộng khoảng 1000m2 để cung cấp đủ sản lượng ốc thương phẩm ra thị trường. Theo kế hoạch dài hạn, anh dự định mở một chuỗi cửa hàng chuyên bán các sản phẩm về con ốc như ốc nhồi ống nứa, ốc gác bếp, ốc sử dụng làm dược liệu trong y học…
Những bức tranh được làm hoàn toàn từ cây rêu xanh đã qua xử lý khiến nhiều người không khỏi tò mò, giá bán lên đến 50 triệu đồng/bức.
Nguồn: [Link nguồn]