Nhặt rác về tái chế, người đàn ông bán giá hàng triệu đồng/sản phẩm
Từ những mảnh gỗ vụn và rác thải, người đàn ông tại Hội An đã biến chúng thành những sản phẩm trang trí độc đáo, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa thu hút sự quan tâm của du khách.
Việc tái chế gỗ vụn không chỉ giúp giảm áp lực lên môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế. Tại Hội An, anh Hồ Công Thắng (trú tại An Bàng, Hội An, Quảng Nam) đã tham gia vào hoạt động dọn dẹp bãi biển và nhận thấy nhiều mảnh gỗ đẹp, lốp xe, lưới đánh cá… bị vứt bỏ.
Thay vì để chúng trở thành rác thải, anh đã quyết định tái chế chúng thành các sản phẩm trang trí, từ đó không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những món đồ nghệ thuật độc đáo. Sự sáng tạo từ gỗ vụn cho thấy rằng những thứ tưởng chừng như bỏ đi vẫn có thể mang lại giá trị lớn.
Mảnh gỗ nhặt dược ở bờ biển, anh Thắng tận dụng làm con cá 3D.
Những con bạch tuộc cũng là sản phẩm làm từ những mẩu gỗ vụn.
Trước đây, anh thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển Hội An, nơi anh sinh sống. Với vị trí gần biển, anh thường ra biển để gom rác và bỏ vào thùng rác, giúp các đơn vị môi trường thu gom và xử lý.
“Những lần dọn rác này, tôi thấy nhiều khúc gỗ đẹp, vỏ chai thủy tinh, lốp xe, lưới đánh cá, phao neo lưới... dạt ở bãi biển khá đẹp. Đem vứt sọt rác thì phí quá, lại tăng áp lực xử lý rác thải, tôi đã nghĩ ra ý định tái chế các sản phẩm đó, vừa có thể tận dụng nguyên liệu sẵn có mà vừa góp phần bảo vệ môi trường”, anh chia sẻ lý do bắt đầu công việc sáng tạo nghệ thuật từ gỗ vụn.
Anh Thắng chia sẻ đây là sản phẩm thủ công nên yêu cầu cao về ý tưởng và tìm kiếm phôi gỗ phù hợp.
Ban đầu, anh chỉ đơn giản nhặt vài món về làm thử. Sau khi thử nghiệm, bạn bè đến chơi tỏ ra rất thích thú và chụp ảnh đăng lên mạng. Từ đó, nhiều người trong cộng đồng bắt đầu chú ý đến những sản phẩm và liên hệ đặt mua về trang trí cho homestay và nhà hàng.
Nhờ vào sự ủng hộ từ du khách và cộng đồng địa phương, lượng khách hàng dần tăng lên. Anh đã chuyển từ nghề cơ khí sang sản xuất các sản phẩm decor tái chế, mang lại thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường.
“Tính ra, mức thu nhập từ nghề này cũng đủ trang trải cuộc sống nhưng tôi vẫn muốn tăng thu nhập nên đã bán thêm hàng online kèm theo”, anh chia sẻ.
Khách hàng có những người chờ đợi 3 tháng mới nhận được hàng.
Hiện tại, anh làm rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ những con cá trang trí cho đến các bức tranh và tượng động vật. Những sản phẩm này đều không làm sẵn mà sẽ làm theo đơn hàng khách đặt. Có những khách đặt hàng trăm sản phẩm con cá về treo trang trí.
Theo anh, đây là hàng thủ công mỹ nghệ tái chế nên làm khá lâu, tốn nhiều công sức. Thời gian làm sản phẩm thì tùy sản phẩm, tùy phôi và ý tưởng mình có. Vì vậy, có sản phẩm phôi gỗ phù hợp, ý tưởng đúng, tinh thần tốt thì làm 60 phút là xong. Có sản phẩm phải vài ngày vì bí ý tưởng. Cũng có những sản phẩm khách đặt mà 3 tháng mới có thể hoàn thiện. Bởi tìm một mảnh gỗ phù hợp để làm sản phẩm đó không phải dễ.
Giá sản phẩm 3D lên đến hàng triệu đồng/sản phẩm.
Đặc biệt, các sản phẩm 3D là khó làm nhất vì nó phụ thuộc rất nhiều vào phôi gỗ và ý tưởng của người làm. Sản phẩm này mang tính nghệ thuật sáng tác cao nên không phải ai cũng có thể làm được.
Ngoài ra, một sản phẩm hoàn thiện cần trải qua rất nhiều công đoạn: nhặt phôi về, vệ sinh phôi, lên ý tưởng, cắt phá thô tạo hình, làm chi tiết gắn vào, tô trang trí mắt, vây.
“Thông thường, tôi làm sản phẩm mộc nên không sơn, tôi tạo màu bằng cách khò lửa cho cháy tạo màu. Một số sản phẩm muốn phá cách và cho phong phú thì tôi mới sơn màu. Với tùy theo nhu cầu khách đặt hàng mà tôi thực hiện”, anh chia sẻ.
Những con cá này dễ làm hơn thì giá bán chỉ từ vài chục nghìn đồng.
Tùy thuộc vào từng sản phẩm, giá thành sẽ khác nhau. Với những con cá vẽ anh thường bán với giá dao động từ 30.000 – 45.000 đồng/con. Còn các sản phẩm 3D sẽ có giá bán lên đến 4,5 triệu đồng/sản phẩm.
Đối tượng khách hàng chủ yếu là du khách và chủ các homestay, nhà hàng tại Hội An. Họ không chỉ tìm kiếm những sản phẩm độc đáo để trang trí mà còn muốn thể hiện tinh thần bảo vệ môi trường. Khi thấy những sản phẩm trang trí làm từ vật liệu tái chế, nhiều người cảm thấy được truyền cảm hứng và muốn ủng hộ những nỗ lực này.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời điểm đầu không có quá nhiều vốn, cô gái trẻ đã tận dụng 2 chiếc nồi áp suất cũ và sử dụng lá cây mọc hoang ở vườn của gia đình để làm các những sản phẩm này.