Nhặt quả rừng về trồng cây lấy gỗ, không ngờ thương lái lùng mua hàng triệu đồng/kg hạt
Trồng cây với mục đích lấy gỗ làm nhà và nội thất nhưng bất ngờ những năm gần đây, hạt của cây này được ví như “vàng đen” bởi thương lái lùng mua với giá lên đến 4 triệu đồng/kg.
Những cây dổi thẳng đứng, có vân gỗ đẹp, mịn, bền, dẻo dai với mùi tinh dầu tỏa ra từ thân gỗ có khả năng chịu mối mọt được sử dụng để làm nhà sàn, bàn, ghế và một số đồ nội thất đã trở nên quen thuộc đối với bà con dân tộc miền núi phía Bắc.
Ngoài ra, hạt dổi từ lâu đã trở thành loại gia vị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, hiện hữu trong mỗi gia đình nhưng ít ai ngờ loại hạt này lại gây sốt trong giới ẩm thực và trên thị trường khắp cả nước bởi có giá lên đến vài triệu đồng/kg.
Từ đây, nhiều hộ gia đình bỗng dưng có của ăn, của để, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ loại quả rừng đặc biệt này.
Cây dổi cho giá trị kinh tế cao đối với cả gỗ và hạt.
Vòng tay ôm cây dổi cao vút trong vườn nhà, anh Quách Văn Quyền, trú tại xã Phú Lương (Lạc Sơn, Hòa Bình) cho hay, cây dổi này đã được các cụ trồng khoảng 60-70 năm về trước. Năm nay, cây cho thu hoạch hơn 70kg hạt khô, thương lái đến tận nhà mua với giá hơn 1 triệu đồng/kg.
Theo anh Quyền, trước đây, cứ đến tháng 9, tháng 10 hàng năm, bà con dân bản đi rừng hái măng về làm thực phẩm ăn hàng ngày thì thấy dưới những tán cây cổ thụ lớn có những quả dổi rụng với những hạt màu đỏ tươi, đẹp mắt nên nhặt về.
Quả dổi nở bung để lộ những hạt màu đỏ tươi đẹp mắt.
Khi phơi khô, ăn thử thì thấy hạt này có mùi thơm, vị cay cay đặc biệt nên thường cất đi để làm gia vị hàng ngày. Mang hạt ngâm rượu làm thuốc xoa bóp thì thấy đỡ đau chân, đau lưng nên cũng là một vị thuốc trong nhà… Vì vậy người dân nơi đây mới ươm cây trong vườn với mục đích vừa lấy gỗ làm nhà, vừa lấy hạt làm gia vị, làm thuốc.
“Nhà tôi có 5 cây cổ thụ từ 60-70 năm tuổi, ra quả từ mấy chục năm rồi nhưng mấy năm nay mới thấy thương lái lùng mua khắp nơi. Từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng/kg, có thời điểm họ mua với giá 1,8-2 triệu đồng/kg mà không có đủ hạt mà bán”, anh Quyền cho biết.
Gốc dổi 60-70 năm tuổi trong vườn nhà anh Quyền, cả người ôm không hết.
Với 5 cây dổi thực sinh trong vườn nhà, cây sai quả nhất cho thu hoạch khoảng 50-60kg hạt khô/năm, tính trung bình mỗi năm, riêng tiền bán hạt dổi khô gia đình anh Quyền cũng thu về khoảng gần 200 triệu đồng.
Ngoài ra, anh cũng tiến hành ươm cây giống và tiến hành làm dổi ghép, nhân giống dổi từ cây cổ thụ trong vườn nhằm cung cấp giống cho bà con trong và ngoài huyện.
Gắn bó với cây dổi và mùi vị đặc trưng của hạt dổi từ nhỏ, anh Quyền tiết lộ, do đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu nên chỉ có giống dổi thơm Lạc Sơn (Hòa Bình) mới có giá, gọi là dổi nếp.
Mỗi cây dổi cổ thụ trên 50 năm có thể cho thu hoạch từ 50-60kg hạt khô.
Theo anh Quyền, dổi nếp hạt nhỏ hơn, đều hạt, có màu vàng đen, ăn rất thơm. Dổi tẻ hạt to hơn, màu đen, không thơm bằng hạt dổi nếp nhỏ, khi ngửi kỹ còn có mùi hắc rất khó chịu nên giá không cao.
“Hạt dổi nếp không chỉ làm muối và gia vị chấm mà còn làm gia vị để ướp nướng và ướp nấu. Giá thì mỗi nơi 1 khác nhưng 1kg được nhiều lắm, từ 350-400 hạt. Vì nó rất thơm nên mỗi lần nấu nướng chỉ cần cho vài hạt là thơm lắm rồi”, anh Quyền cho hay.
Hạt dổi nếp có màu đen vàng, nhỏ và có giá trị hơn nhiều lần loại dổi tẻ.
Nói thêm về cách sử dụng hạt dổi, anh Quyền cho biết, khi sử dụng, hạt dổi được nướng trên bếp than đến khi thơm lừng mang giã nhuyễn, trộn cùng muối trắng rang thơm, thêm quả ớt hiểm và vài giọt chanh làm gia vị chấm.
Ngoài ra, hạt dổi cũng được bà con Tây Bắc ướp thịt, cá nướng hoặc thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp… Vì vậy giá hạt dổi càng về cuối năm càng cao, có khi lên đến 4 triệu đồng/kg.
Chất độc này có thể gây chết người trong tích tắc, nhưng nhiều quốc gia vẫn sẵn sàng trả 1 mức giá “không tưởng”...
Nguồn: [Link nguồn]