Người dân Hương Sơn vào mùa “hái lộc” Tết, giá bán cả chục triệu đồng
Thông thường, việc thu hoạch lộc thường bắt đầu từ tháng 1 và rộ nhất vào tháng 2 âm lịch. Mỗi cặp lộc tuỳ thuộc vào cân nặng mà có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Nhung hươu hay còn gọi là lộc nhung chính là sừng non của con hươu đực. Thông thường, vào mùa xuân, con hươu sẽ mọc sừng và mùa hè sẽ rụng đi. Đến mùa xuân năm sau sẽ lại mọc thêm sừng mới.
Sừng mới mọc thường rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, bên trong chứa nhiều mạch máu, mô sụn, sờ vào êm mịn như nhung nên được gọi là nhung hươu.
Nhung hươu cũng được coi là một trong tứ đại danh dược trong y học cổ truyền, đó là “Sâm, Nhung, Quế, Phụ”, tức là nhân sâm, nhung hươu, nhục quế, phụ tử là rễ ô quy đầu.
Người dân Hương Sơn thu hoạch lộc nhung bán với giá cao.
Từ lâu, huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã được coi là “thủ phủ” nuôi hươu sao của cả nước. Ngay từ thế kỷ 18, người dân nơi đây đã thuần hoá được hươu sao để nuôi lấy lộc và nhanh chóng trở thành một trong những vật nuôi chủ lực, giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế.
Anh Đinh Văn Tiến, trú tại xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, gia đình anh đã nuôi hươu khoảng 10 năm trở lại đây với tổng đàn hươu là 13 con. Hai vợ chồng anh nuôi riêng 3 con, đàn hươu của bố mẹ là 10 con. Việc thu hoạch lộc nhung thường bắt đầu từ tháng 1 âm lịch, rộ nhất vào tháng 2 âm lịch.
Mỗi con hươu đực có thể cho thu hoạch được từ 0,8-1,2kg nhung/lần.
“Trước đây nhà tôi thường thu hoạch lộc nhung vào sau Tết nhưng nhận thấy nhu cầu mua nhung hươu làm quà biếu Tết nhiều hơn, giá lại cao hơn sau Tết nên mọi người tổ chức “hái lộc” sớm”, anh Tiến cho biết.
Theo anh Tiến, thông thường mỗi năm sẽ thu hoạch lộc 1 lần nhưng nếu giống tốt và điều kiện chăm sóc con hươu tốt thì mỗi con hươu có thể cho cắt lộc 2 lần. Mỗi con thu được từ 0,7-1kg/lần, bán với giá từ 10-15 triệu đồng/kg. Dự kiến vụ này gia đình anh thu được khoảng gần 10kg nhung hươu.
Cũng nuôi hươu được khoảng 10 năm, chị Nguyễn Thị Hiền, trú tại xã Sơn Hà cho biết, trước đây gia đình chị là hộ nghèo của xã. Được xã cho vay vốn nên ban đầu chị đầu tư nuôi nai rồi nuôi bò nhưng không hiệu quả. Do vậy, chị chuyển sang nuôi hươu và nhờ con hươu mà nhà chị thoát nghèo.
Gia đình chị Hiền nhờ nuôi hươu lấy lộc mà thoát nghèo.
“Con nai giá trị kinh tế không cao, con bò thì nó ăn gấp 3 lần con hươu. Nuôi cả năm bán được có hơn chục triệu đồng. Trong khi đó nếu nuôi hươu đực thì được cắt nhung, mỗi năm 2 lần, mỗi lần cũng được cả chục triệu đồng. Hươu cái thì để sinh sản, bán hươu con cũng được 15-20 triệu đồng/con”, chị Hiền nói.
Từ số lượng 2 con nai ban đầu, chị bán nai mua 3 con bò rồi lại bán bò để nuôi hươu. Mỗi năm, đàn hươu nhà chị lại gia tăng số lượng, đến nay chị đã sở hữu 8 con hươu trong chuồng.
“Giờ nhung hươu bán dễ lắm. Có bao nhiêu họ cũng mua hết. Giá thì nhiều loại, tuỳ chất lượng nhung. Có người cẩn thận còn về tận nơi rồi cắt nhung trực tiếp tại chuồng, có khi thì tôi cắt xong gửi đi Quảng Ninh cho đứa em bán với giá từ 20-25 triệu đồng/kg”, chị Hiền cho hay.
Mỗi con hươu cho thu hoạch nhung từ 1-2 lần/năm và bán được với giá từ 15-20 triệu đồng/kg nhung.
Sở hữu trang trại nuôi hươu rộng 1.000m2 với đàn hươu hơn 50 con cùng nhà máy chế biến nhung hươu ở thôn Đông, xã Sơn Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh), anh Nguyễn Khắc Huân cho biết, hươu có giá trị kinh tế rất cao.
Ngoài nhung hươu có thể ngâm rượu, thái lát ngâm mật ong hay xay bột mịn để sử dụng hàng ngày thì xương hươu cũng có thể nấu cao, thịt hươu làm thực phẩm.
Anh Huân từ bỏ công việc ở Hà Nội để về quê, phát triển kinh tế với nghề nuôi hươu sao lấy nhung.
Theo anh Huân, hươu sao là loài động vật ăn cỏ bán hoang dã nên sức đề kháng rất tốt, ít bệnh tật và là vật nuôi được đánh có nhiều ưu điểm hơn so với các động vật ăn cỏ khác. Thức ăn chủ yếu của hươu là các loại lá, quả, trái cây, cỏ sẵn có trong vườn, rừng, rất dễ kiếm nên chi phí nuôi hươu thấp.
Mỗi năm, hươu cái sinh sản 1 lần, hươu đực có thể cho thu hoạch từ 1-2 cặp nhung. Trong đó, hươu giống có giá từ 15-25 triệu đồng/con, nhung hươu có giá từ 15-20 triệu đồng/kg. Với mỗi cặp hươu bố mẹ có thể cho thu nhập từ 20-50 triệu/năm nên nghề nuôi hươu mang lại kinh tế rất cao.
Đàn hươu của anh Huân.
Ngoài bán nhung hươu tươi, chế biến nhung hươu thành cao và tán bột nhung hươu để bán, anh Huân còn ngâm nhung hươu cùng sâm tươi Hàn Quốc, đông trùng hạ thảo, các loại dược liệu quý cùng rượu để bán với giá từ 20-50 triệu đồng.
Ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, toàn huyện Hương Sơn hiện có khoảng hơn 36.000 con hươu. Dự kiến dịp Tết năm nay có khoảng 7 nghìn con hươu cho thu hoạch nhung, với sản lượng đạt khoảng trên 15 tấn, giá bình quân 12 triệu đồng/kg, người nuôi hươu thu về khoảng 180 tỷ đồng.
"Tôm hùm ngon nhất thế giới" giảm giá gần 60% ở siêu thị Việt; Thanh long ruột đỏ bán đầy chợ mạng với giá...
Nguồn: [Link nguồn]