Người dân Hà Nội mang lon bia, bìa các tông ra chợ đổi thực phẩm không mất tiền
Những gian hàng "đặc biệt" xuất hiện thu hút sự chú ý của không ít người dân. Chai lọ nhựa bỏ đi được đổi thành củ, quả tươi ngon, an toàn; sách báo tạp chí cũ có thể đổi lấy mớ rau xanh.
Hệ thống gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm là ý tưởng xuất phát từ một công ty trên địa bàn phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội). Các gian hàng này được triển khai từ những ngày khu vực phường Văn Miếu bị phong tỏa và Hà Nội thực hiện giãn cách.
Đến ngày 22/9, chương trình đổi phế liệu lấy thực phẩm đi vào hoạt động. Sau khoảng 1 tháng triển khai, gian hàng đã nhân rộng thành 20 điểm nhận đổi phế liệu tại nhiều nơi ở Hà Nội.
Những gian hàng "đặc biệt" xuất hiện thu hút sự chú ý của không ít người dân. Chai lọ nhựa bỏ đi được đổi thành củ, quả tươi ngon, an toàn; sách báo tạp chí cũ có thể đổi lấy mớ rau xanh.
Ông Trần Ngọc Tuấn, người phụ trách gian hàng tại phố Văn Miếu cho biết, gian hàng mở cửa phục vụ từ 6h và kết thúc vào 18h hàng ngày. Rau xanh có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo an toàn được nhập trực tiếp từ huyện Đan Phượng.
Các sản phẩm rau xanh khá đa dạng từ cà rốt, cà chua, rau cải, cà tím... đến các thực phẩm khô như mỳ gạo, nước khoáng...
Ông Tuấn cho hay, ngay từ khi triển khai, các gian hàng đã nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của bà con. Gian hàng cũng giúp đỡ được cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều người dân chia sẻ, từ khi có chương trình đổi phế liệu lấy thực phẩm, gia đình họ đã tích trữ vỏ lon, rác thải rắn để mỗi tuần một lần mang phế liệu ra gian hàng đổi lấy rau, củ, quả. Không những thế, gian hàng còn là nơi để những lao công, người lao động nghèo có thể dễ dàng mua nông sản trong những lúc khó khăn, túng thiếu. Họ hoàn toàn có thể nhặt nhạnh phế liệu để đổi lấy rau, củ, quả cho bữa ăn hàng ngày.
Giá của các loại phế liệu được công khai gồm vỏ lon nhôm là 200 đồng/1 vỏ; bìa các tông, ni lông, chai nhựa là 3.000 đồng/1kg; nhựa có thể tái chế là 3.500 đồng/1kg; sắt dây đai, tôn vụn là 6.000 đồng/1kg; sắt vụn là 9.000 đồng/kg. Mỗi ngày, các gian hàng thu mua trung bình được từ khoảng 80-120kg phế liệu. Sau khi thu mua, cửa hàng sẽ có xe chuyên chở về nơi tái chế.
"Hiện nay, mô hình này chưa hướng tới lợi nhuận. Đơn vị dự kiến thời gian tới sẽ triển khai thêm mô hình đổi phế liệu lấy sữa và đồ dùng học tập tại các trường học", ông Trần Ngọc Tuấn chia sẻ thêm.
Ngoài ra, nếu không có phế liệu để đổi, người dân vẫn được mua nông sản tại gian hàng theo bảng giá niêm yết công khai.
Loại quả này đã có từ lâu đời và đưa về thu nhập tốt cho người dân.
Nguồn: [Link nguồn]