Ngắm mô hình nhà làm từ những thứ vứt đi, giá bán đến hàng chục triệu
Những mô hình nhà cổ này được cả khách ở nước ngoài đặt mua, giá bán lên đến hàng chục triệu đồng/sản phẩm.
Từ nhỏ, Võ Văn Khánh (SN 2000, sống tại TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) sống cùng ngoại ở căn nhà sàn trên sông. Những ký ức đẹp đẽ từ thời thơ ấu đã thôi thúc anh quyết tâm tái hiện những hình ảnh chân thực về miền Tây sông nước. Đam mê này đã bắt đầu từ năm 2021 khi anh làm mô hình nhà sàn, ghe, xuồng và thậm chí là tàu có thể điều khiển dưới nước.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các sản phẩm của anh đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều người, đặc biệt là những Việt kiều mong muốn tìm lại hình ảnh quê hương qua những mô hình mà anh Khánh tạo ra. Ban đầu, anh không tự tin nhưng làm vài mô hình được khách khen, anh đã quyết định khởi nghiệp với nghề làm mô hình nhà Nam Bộ xưa.
Anh Khánh thường sử dụng những chất liệu như các loại nhựa pomex, bìa carton, que đè lưỡi, que kem... để làm mô hình. Những nguyên liệu này đều dễ kiếm và có thể mua với giá rẻ.
Anh Khánh làm những mô hình nhà miền Tây bằng các vật liệu vứt đi.
Theo anh, quá trình làm mô hình đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo. Ban đầu, anh cho biết cần phải lên ý tưởng, sau đó đo đạc và cắt ghép các miếng vật liệu để dựng thành khung nhà. Những công đoạn cuối cùng như sơn màu và tạo ra các vật dụng nhỏ trong nhà là phần khó khăn nhất, đòi hỏi sự phối hợp màu sắc để mô hình trở nên chân thực và sống động.
“Để làm ra những mô hình tàu và nhà xưa, tôi đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu và học hỏi từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Tôi phải tìm hiểu và làm rất kỹ các chi tiết nhỏ, sao cho chúng giống thật nhất. Đó cũng là một thử thách rất lớn, yêu cầu sự kiên nhẫn và tay nghề cao của người làm”, anh chia sẻ.
Những mô hình nhỏ, kích thước khoảng 30 cm, anh có thể hoàn thành trong vài ngày. Nhưng những mô hình lớn hơn, lên tới 1m mỗi chiều, có thể kéo dài đến hàng tháng. Mỗi sản phẩm đều được anh chăm chút để đạt được độ chính xác và thẩm mỹ cao nhất.
Công việc này giúp anh có thu nhập trên chục triệu/tháng.
"Công việc làm mô hình rất cần cảm xúc mới cho ra được sản phẩm ưng ý. Ngoài ra, tôi cũng cần có thời gian để chiêm nghiệm mới cho ra mô hình lột tả được sinh động hình ảnh cuộc sống", anh Khánh nói.
Giá bán cho mỗi mô hình thường từ 1 triệu đồng trở lên. Đối với các đơn hàng lớn, yêu cầu riêng biệt, giá có thể dao động từ 20 đến 30 triệu đồng. Nhờ vậy, anh Khánh có thể đạt thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi tháng.
Hiện tại, khách hàng của anh không chỉ ở Bến Tre mà còn trải dài khắp cả nước. Người miền Tây thường đặt hàng để lưu giữ kỷ niệm về quê hương, trong khi người miền Bắc lại yêu thích sự khác biệt của các mô hình miền Tây. Nhiều Việt kiều ở nước ngoài cũng tìm đến sản phẩm của Khánh để nhớ về hình ảnh quê nhà.
Trong thời gian tới, anh hy vọng sẽ mở rộng quy mô sản xuất và tạo thêm nhiều tiểu cảnh thu nhỏ đặc trưng của miền Tây. Anh cũng đang lập các trang mạng xã hội để chia sẻ đam mê và giới thiệu sản phẩm của mình đến với đông đảo người yêu thích văn hóa quê hương.
Thu hút từ người trẻ đến người già, dịch vụ này có gì mà “hút khách” đến vậy?
Nguồn: [Link nguồn]