Món rau nhà nghèo thành đặc sản, chị em lùng mua tích trữ ăn dần vì sợ hết mùa
Từ món ăn ngày khốn khó ở vùng quê nghèo, những năm gần đây, loại rau này bất ngờ trở thành đặc sản được nhiều người lùng mua với giá từ 40-45.000 đồng/kg.
Cứ đến đầu tháng 3 hàng năm, thị trường lại xuất hiện hàng loạt người bán món dưa rau sắn với giá từ 40-45.000 đồng/kg hoặc 10-15.000 đồng/bát.
Từ món ăn hết sức xa lạ với người dân Thủ đô, dưa rau sắn đã trở thành đặc sản được nhiều người lùng mua. Cũng nhờ bán món rau này, nhiều người có thể kiếm được hàng triệu đồng mỗi ngày
Để kịp giao hàng cho khách trong ngày, chị Phan Anh phải dậy sắp đơn từ 3 giờ sáng.
Thức dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị đơn hàng cho khách, chị Phan Anh, trú tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau 4 năm mang đặc sản quê mình xuống Hà Nội bán, chị đã có cho mình danh sách hơn 2.000 khách hàng thân thiết đặt mua rau sắn muối chua, số lượng bán ra lên đến 2-3 tạ rau/ngày.
“Quê tôi ở Ba Vì, đất đồi trung du nên ngày xưa mọi người chỉ biết trồng sắn. Vừa lấy củ ngon để độn cơm ăn những ngày khốn khó, lá để nuôi tằm, nuôi cá, thân để làm củi đun hoặc rào quanh vườn, búp non và lá non của cây sắn còn được tận dụng để muối chua, làm thức ăn hàng ngày”, chị Phan Anh kể.
Mỗi ngày, chị Phan Anh bán được từ 2-3 tạ rau sắn muối chua.
Lớn lên, cây sắn được thay thế bằng nhiều loại cây trồng chủ lực khác, đời sống người dân cũng được nâng cao không phải ăn cơm độn sắn nhưng hương vị của bát canh dưa sắn nấu chua ngày nghèo khó khiến chị không bao giờ quên.
“Tôi đi học rồi đi làm, được đi đây đi đó khắp nơi nhưng khi về quê vẫn phải bảo mẹ nấu bằng được bát canh rau sắn muối chua để ăn cho thỏa hoặc nhờ mẹ làm dưa sắn rồi gửi xuống Hà Nội ăn dần”, chị Phan Anh nói.
Dần dần, chị nghĩ đến việc mang món đặc sản quê mình giới thiệu, bán cho hàng xóm và đăng bán online, không ngờ mọi người ăn thấy ngon và thi nhau đặt hàng.
Suốt 4 năm, dưa rau sắn muối chua được chị Phan Anh bán tại Hà Nội với giá 10.000 đồng/bát hoặc 40.000 đồng/kg. Với vị bùi bùi, chua chua lạ miệng của món ăn này đã mang về cho chị lượng khách hàng ngày một đông với hơn 2.000 khách luân phiên mua hàng, mỗi lần từ 10-20 bát. Trung bình, mỗi ngày chị bán được từ 2-3 tạ.
Hàng ngày, chị phải thuê từ 10-12 người chăm sóc rau, hái và muối dưa rau sắn mới kịp bán.
Để có đủ lượng rau để bán ra thị trường, chị Phan Anh phải nhờ người nhà đi thu mua lại cây sắn ở khu vực xung quanh rồi về cắm tại mảnh đất rộng hơn 2.000m2 của gia đình. Hàng ngày, chị thuê từ 10-12 người vừa chăm sóc, tưới nước, hái rau rồi rửa sạch, muối chua và gửi xuống Hà Nội cho mình bán.
Theo chị Phan Anh, rau sắn nhà chị được cắt và tưới nước liên tục nên ngọn rất non và mập, khi muối không cần vò nục như rau sắn mọi người thường làm.
“Sau khi hái về sẽ mang ra rửa sạch rồi xếp gọn gàng vào vại, hòa muối với nước đun sôi để nguội rồi đổ ngập rau. Rau sắn sau khi muối được 3-5 ngày thì mang ra nấu nhừ với cá, tép hoặc xương sẽ có vị giòn giòn, ngọt ngọt xen kẽ vị chua thanh thanh, ngon lắm”, chị Phan Anh kể.
Từ món ăn nhà nghèo, nay dưa rau sắn trở thành đặc sản được nhiều người tìm mua.
Rau sắn muối chua có thể nấu với cá hoặc ninh với xương.
Là người Hà Nội nhưng lần nào thấy chợ có bán dưa sắn thì cô Vũ Thị Hà, trú tại Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đặt mua 10 bát dưa sắn về ăn bởi trót “nghiện” mùi vị món ăn này từ cách đây hơn 30 năm trước.
“Thời điểm đó tôi về công tác tại huyện miền núi Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ, được ăn những bữa cơm quê có món dưa rau sắn nấu với cá. Sau này về Hà Nội, tìm không ra món dưa đặc biệt này. May quá mấy năm nay lại có người bán ở khu chợ gần nhà. Thi thoảng mới có nên mỗi lần tôi phải mua cả chục bát về cất tủ lạnh nấu ăn dần”, bà Hà cho hay.
Với giá từ 2.000-5.000 đồng/chiếc, bánh sắn nước cốt dừa nướng đang trở thành món ăn vặt thu hút đông đảo chị em...
Nguồn: [Link nguồn]