Lý giải nguyên nhân chị em Hà thành lùng mua thứ na “thất sủng” với giá cao ngất ngưởng
Sau thời gian dài bị “ghẻ lạnh” bởi cho rằng là loại na có giá trị kinh tế thấp, dễ dập nát và không ngon như na dai, gần đây, na bở bỗng trở thành hàng hiếm được nhiều người lùng sục tìm mua khắp các chợ.
Nếu như na dai hiện tại đang được bán với giá chỉ 30-50.000 đồng/kg thì na bở có giá cao gấp nhiều lần, từ 150-200.000 đồng/kg.
Dù bỏ ra số tiền gấp 5 lần na dai để mua 1kg na bở nhưng chị Lê Thị Tân (trú tại Mỹ Đình, Hà Nội) vẫn không giấu nổi vẻ vui mừng.
“Đi chợ thấy nhiều người bán na nhưng tôi hỏi hàng nào cũng không có loại na bở quen thuộc ngày xưa tôi vẫn được ăn. May quá lên chợ mạng tìm thử thì thấy có người bán với giá 190.000 đồng/kg loại 3 quả/kg, cả tiền ship nữa là 220.000 đồng/kg”, chị Tân chia sẻ.
Loại na bở được nhiều người tìm mua dù đắt gấp 5 lần na dai.
Theo chị Tân, quê chị ở Vĩnh Phúc, trước đây nhà nào cũng trồng 1-2 cây na bở ở góc vườn nhưng dần dần người dân chặt bỏ hết để thay thế bằng loại na dai có vị ngọt đậm, múi dai và ít hạt. Đến nay, loại na bở này dần dần trở nên khan hiếm, muốn ăn phải tìm mua với giá cao.
“Tôi nhớ cứ đầu tháng 8, khi những quả na bắt đầu già và nở to mắt sẽ được mẹ hái xuống rồi vùi trong hòm lúa 1-2 ngày là chín. Bởi na bở chín rất nhanh, vừa hôm trước trên cây còn xanh, hôm sau đã bị chim hoặc dơi ăn mất 1 góc, lấy xuống thì quả na mềm oặt, nát hết nên phải hái xanh”, chị Tân cho hay.
Rất khó để mua na bở tại các chợ dân sinh bởi số lượng na bở được trồng không nhiều.
Được một người bạn từ Hải Phòng mua cho 3 quả na bở, chị Nguyễn Minh Huệ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã “phải lòng” loại quả này ngay khi nếm thử. Vì muốn ăn nhưng lại khó tìm mua tại Hà Nội nên chị đã lùng mua na bở tại vườn rồi bán online để nhiều người được thưởng thức loại quả đặc biệt này.
“Khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 tôi lại lấy na bở về bán với giá 200.000 đồng/kg. Na bở nhanh chín, khó vận chuyển lại hiếm nhưng rất nhiều người lùng mua bằng được dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ, thậm chí đắt hơn cả hoa quả nhập khẩu”, chị Huệ nói.
Chia sẻ sở thích đặc biệt này, chị Huệ cho rằng na bở có hương vị rất đặc biệt nên ăn 1 lần là nhớ mãi. “Loại Na này có vị ngọt thanh chứ không ngọt đậm như na dai nên khi ăn không có cảm giác ngán mà như từng múi na tan ra trong miệng, hơn nữa còn có mùi thơm rất đặc trưng”.
Na bở nhanh chín, dễ nát nhưng có vị ngọt tự nhiên, thơm ngon đặc trưng.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX nông nghiệp Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng), trước đây na bở được các hộ dân trồng xen trong vườn tạp, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây người dân tiến hành trồng chuyên canh 1 loại là na bở.
Ông Hùng cho hay, trước năm 2017 khách ở Hà Nội ít ăn na bở. Na được thu hoạch chỉ phục vụ khách hàng ở trong tỉnh và một số địa phương như Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh. Giá thương lái thu mua cũng rẻ hơn cả na dai vì thương lái mang lên Hà Nội bán nhiều khi phải mang về vì không ai mua lại nhanh chín.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nhờ áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc theo phương thức VietGap chuẩn an toàn từ khâu trồng, bón phân, tỉa cành, thụ phấn, chăm sóc… kết hợp với kế hoạch giới thiệu, quảng bá sản phẩm nên cây na bở cho năng suất cao, chất lượng tốt và được người tiêu dùng yêu thích.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm tốt nên na bở Liên Khê có năng xuất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
“Loại na bở sáng mã, có trọng lượng từ 4 quả/kg trở lên là đạt kích cỡ sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc, bán buôn với giá 120.000 đồng/kg cho một số hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch. Còn lại những quả na không đạt kích cỡ sẽ không được dán tem, thương lái chỉ thu mua với giá 70-80.000 đồng/kg rồi bán online hoặc bán lẻ tại một số chợ”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, tại Liên Khê hiện có khoảng 1/3 hộ dân tham gia trồng na bở với diện tích trên 100ha, 100% na bở được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện tại, những gốc na từ 5-6 năm tuổi trở lên sẽ cho năng suất khoảng 9 tấn quả/ha, cho lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều nhà quý và giữ gìn đến mức, có khách quý đến chơi mới bật lên cho mát.