Loại trứng “thần dược” vào mùa, nhiều người đi săn kiếm “bộn tiền”
Những quả trứng màu trắng sữa, to như hạt gạo, căng mẩy được người dân coi là “lộc rừng” bởi nếu may mắn, có thể lấy được vài cân, kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, kiến thuộc top 3 các loài vật khỏe nhất trên thế giới bởi chúng có thể mang vác trên lưng thức ăn, lá cây, cây cỏ có trọng lượng gấp 50 lần trọng lượng cơ thể chúng.
Chính vì vậy, trứng kiến đã từ lâu được coi như một món ăn bổ dưỡng cho nhiều lứa tuổi. Thậm chí nhiều người còn quan niệm trứng kiến có tác dụng kỳ diệu như một loại “thần dược” giúp ngủ ngon, chống trầm cảm và chữa các bệnh về thần kinh, tăng cường sinh lực cho cơ thể, giảm căng thẳng và hỗ trợ tốt chứng suy giảm chức năng sinh lý, giảm trí nhớ…
Trứng kiến được coi là đặc sản được nhiều người săn lùng.
Dù chưa có một nghiên cứu khoa học nào về công dụng của trứng kiến đối với sức khỏe của con người nhưng trứng kiến vẫn được nhiều người săn lùng khắp nơi. Trứng kiến cũng được thu mua với giá ngày một cao, lên đến 400-500.000 đồng/kg vào đúng mùa và cả triệu đồng/kg đối với những tháng trái mùa.
Cứ đến tháng 4 âm lịch hàng năm, người dân ở khắp nơi lại rủ nhau vào rừng săn trứng kiến để mang bán.
Anh Nguyễn Văn Hân, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú (Bình Phước) cho biết, vợ chồng anh tận dụng thời gian rảnh để đi săn trứng kiến tại các khu rừng ở huyện Đồng Phú gần 7 năm nay.
Tuy giá cao, công việc khá nhàn hạ, nhưng theo anh Hân, muốn săn được trứng kiến đòi hỏi ở mỗi người sự tỉ mẩn, cẩn thận và am hiểu đặc tính sống của kiến mới có thể kiếm về 1-2kg/ngày.
Vợ chồng anh Hân có kinh nghiệm gần 7 năm đi săn trứng kiến.
Theo chân vợ chồng anh Hân, chúng tôi bám dọc suối Mã Đà, luồn dưới đủ tán cây lớn, nhỏ tìm tổ kiến. Anh Hân cho biết, loại kiến vàng và kiến đen rất thích làm tổ trên những loài cây lá to ở rừng. Người đi săn chỉ cần nhìn thấy những tổ kiến cao chót vót phía trên, cành cây trĩu xuống là biết tổ có rất nhiều trứng.
Cầm theo chiếc sào tre dài chừng 6 mét, phía trên vót nhọn, gắn bao tải đi tìm kiến, chỉ trong buổi sáng, anh chị đã phát hiện 3 tổ kiến. Tổ thứ nhất treo tít trên cao, phải chặt thân cây đổ xuống. Hai tổ còn lại khá thấp, có thể dùng vợt được gắn vào đầu sào để kéo tổ kiến xuống, sau đó chặt đứt đoạn gần tổ kiến để lấy trứng.
Chỉ trong vòng nửa ngày, chiếc bao của vợ chồng anh Hân đã đầy ắp trứng kiến.
“Khi đi săn, thợ kiến chỉ cần nhìn thấy những thây cây bị chặt đứt ngọn biết nơi đó vừa có tổ kiến bị bắt. Nếu muốn bắt được kiến thì phải quay lại sau 1 tháng, khi kiến đã kịp làm tổ mới”, anh Hân nói.
Đưa nhanh các tổ kiến vừa chặt đến chỗ đất trống, anh Hân đặt trên vỏ bao xi-măng, dùng dao chặt thành từng mảnh nhỏ, từ ngoài vào trong. Chị Hạnh, vợ anh Hân, nhanh tay đưa các cành cây nhỏ, nhiều lá, vừa được chặt, phủ lên trên. Kiến bị động chạy ngang, chạy dọc, gặp cành cây liền bò lên.
Trong chốc lát, kiến bò đầy các cành, chị Hạnh vứt nhanh chúng ra xa, thu hoạch được khoảng 2kg trứng trắng ngần. Anh Hân vừa phụ vợ vừa cười bảo: “Nếu để kiến ở bên trứng lâu, chúng sẽ ôm trứng chạy đi hết”.
Theo kinh nghiệm nhiều năm săn trứng kiến, anh Hân cho biết thêm, nửa đầu mùa mưa, trứng kiến mới mẩy, ăn mới ngon và béo. Kiến cũng chỉ chọn làm tổ những nơi vắng lặng, không mùi thuốc trừ sâu, ít khói đốt vườn rẫy nên khi đi săn thường phải di chuyển đến những địa điểm xa, sâu trong những cánh rừng.
Trứng kiến sau khi được tách riêng sạch sẽ được anh Hân bán cho thương lái với giá từ 270-350.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, săn trứng kiến mùa mưa chỉ đi được nửa ngày, khá vất vả và phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ khi trời nắng mới lấy được trứng kiến vì khi hạ tổ kiến xuống mà gặp nắng to, kiến sẽ tản ra ngoài, có thể dễ dàng lấy trứng. Nếu trời mưa, kiến sẽ ở lì bên trong không ra, khó lấy rứng.
Mỗi ngày, những người đi săn trứng kiến như anh Hân cũng mang về được 1-2kg trứng kiến là chuyện thường. Thương lái thu mua với giá từ 270-350.000 đồng/kg nên thu nhập từ tiền săn trứng kiến nhiều hơn công việc cạo mủ cao su hàng ngày.
Những ngày này đi dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã ở các xã Tân Hòa, Tân Lợi (Đồng Phú), Tân Thành (TX. Đồng Xoài), rất dễ gặp những người cầm theo sào dài có gắn vợt ở đầu. Và họ như những chú kiến thợ chăm chỉ đang đi săn trứng kiến, mang về thu nhập từ 300-500 ngàn đồng/ngày.
Tuy nhiên, loại bánh này khá kén người ăn, dễ bị dị ứng.
Nguồn: [Link nguồn]