Nông dân "hốt bạc" nhờ giống nhãn lạ, thương lái lùng mua tận vườn với giá cao “ngất ngưởng”
Loại nhãn này có lá, thân, nhánh và quả có màu sắc rất đặc biệt. Khi ăn có vị thơm, hạt nhỏ, cơm vàng và được thương lái lùng mua với giá cao gấp 5 lần nhãn thường.
Là loại cây ăn quả được trồng ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, người tiêu dùng từ lâu đã quen với hình ảnh quả nhãn tròn, có vỏ ngoài nhẵn nhụi màu vàng xám, cùi dày… có mặt ở hầu hết các sạp hoa quả và các khu chợ với giá bán từ 20.000 đồng/kg trở lên.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thị trường bỗng xuất hiện loại nhãn lạ, được coi là "độc lạ nhất Việt Nam", đó là giống nhãn tím. Ngay từ khi mới xuất hiện, loại nhãn này đã lập tức trở thành loại quả được nhiều người săn lùng.
Nhãn tím với lớp vỏ có màu sắc độc lạ được lùng mua với giá cao.
Theo tìm hiểu của PV, giống nhãn “đột biến” này được phát hiện đầu tiên tại vườn nhà ông Trần Văn Huy, trú tại ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng).
Vào năm 2004, trong một lần làm vườn, ông Huy phát hiện một nhánh nhãn to bằng ngón tay út trên cây nhãn 8 năm tuổi cho hoa màu tím, khác hẳn với những bông hoa nhãn thường thấy.
Dần dần, nhãn đậu quả và cho trái chín màu tím đặc biệt. Khi ăn có vị thơm, hạt nhỏ, cơm vàng, ráo giống hệt những quả nhãn thông thường.
Nhãn tím được coi là giống nhãn đột biến, được phát hiện ở Sóc Trăng và ngày càng được nhân rộng ra các địa phương khác.
Thấy vậy, ông Huy đã tiến hành chiết cành và nhân giống loại nhãn này để trồng thử nghiệm, sau đó ghép cành nhãn tím vào cây nhãn thường để nghiên cứu.
Kết quả, nhánh nhãn tím ghép vào cây nhãn thường vẫn cho hoa và quả màu tím đặc biệt. Vì vậy, ông đã tiến hành nhân giống để trồng quanh nhà và bán giống cho bà con nông dân quanh vùng.
Nhờ trồng loại nhãn độc lạ này, nhiều nông dân cũng đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ bởi nhãn tím được thương lái lùng mua tận vườn với giá cao.
Mỗi kg nhãn tím được thu mua với giá gấp 5 lần nhãn thường.
Điển hình là vườn nhãn của anh Tạ Trung Toàn, trú tại Cồn An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) với khoảng 300 gốc nhãn tím đang cho trái, ước tính sản lượng mỗi năm lên đến 2 tấn quả.
Anh Toàn cho biết, cách đây khoảng 5 năm, thấy giống nhãn tím khá lạ và độc đáo nên anh đã mua 3 cây giống với giá 1,2 triệu đồng/cây về trồng.
Trồng được 2 năm, thấy nhãn tím dễ hoa, đậu quả và bán được giá cao nên anh nhân giống, trồng phủ kín mảnh đất rộng 1ha của gia đình. Sau 5 năm, vườn nhà anh đã có khoảng 1.000 cây nhãn tím, trong đó có 300 cây cho trái ổn định với sản lượng từ 2-3 tấn/năm.
Vườn nhãn tím 5 năm tuổi cho ra trái ổn định với sản lượng từ 50-150kg/gốc/năm.
Nhãn tím nhà anh Toàn thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó với giá từ 100-150.000 đồng/kg. Thậm chí có đối tác chuyên xuất khẩu đã đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ vườn nhãn với giá 250.000 đồng/kg.
Cũng sở hữu vườn nhãn hơn 700 gốc tại Chợ Lách (Bến Tre), anh Trần Văn Thanh Dũng cho biết, nhờ trồng nhãn tím, mỗi năm gia đình anh có thể thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Mỗi năm anh Dũng thu về hàng trăm triệu từ cây nhãn tím.
“Cây nhãn này dễ trồng lắm, không có sâu bệnh gì đáng kể. Tôi trồng chỉ khoảng 18 tháng là cho thu hoạch trái. Những năm đầu tiên chỉ được vài chục kg nhưng những năm tiếp theo số lượng cứ tăng dần theo từng năm và mùa vụ”, anh Dũng nói.
Vừa trồng nhãn tím lấy quả, anh Dũng vừa chiết cành bán cây giống, phục vụ nhu cầu của bà con nông dân muốn chuyển đổi cây trồng. Mỗi năm, anh cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 cây giống nhãn tím, bán với giá từ 80-150.000 đồng/cây.
Nhãn tím khi bổ đôi sẽ dễ dàng nhìn thấy lớp cùi dày, mọng nước và phần hạt rất nhỏ.
Theo anh Dũng, mỗi cây từ 5 năm tuổi trở lên cho sản lượng trái trung bình 1 năm từ 50-150kg/năm. Mùa vụ này, ước tính sản lượng nhãn tím của vườn anh Dũng đạt khoảng 1,5 tấn. Hai năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá nhãn tím vẫn được thương lái lùng mua với giá cao, từ 100-150.000 đồng/kg, gấp 5 lần nhãn thường.
Ngay trong buổi chiều ngày 12/07, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội đã tất bật dọn dẹp để thực hiện lệnh...
Nguồn: [Link nguồn]