Loại lá mọc dại đầy rừng lên sàn thương mại điện tử, giá hàng trăm nghìn đồng/kg
Lá này có chiều ngang khoảng 8cm, chiều dài từ 40-50cm, có màu xanh đều và mùi thơm đặc trưng. Lá càng to, dài, màu càng đẹp thì giá càng cao.
Ở một số vùng quê, đây là loại lá ít có giá trị, để rụng đầy vườn nhưng một nơi lại thu mua để bán với giá từ 150-300.000 đồng/kg, thậm chí còn dùng để xuất khẩu sang một số nước như Đài Loan và Nhật Bản.
Đối với nhiều người, cây tre là loại cây khá thân thuộc, thân của nó có thể dùng để làm nhà, đan lát hoặc lấy măng làm thực phẩm. Tuy nhiên, ít ai biết các loại tre có những chiếc lá to bản lại được bán với giá đắt đỏ để làm bánh.
Lá tre được rao bán trên sàn TMĐT với giá hơn 300.000 đồng/kg. (Ảnh chụp màn hình).
Và chào buôn trên Alibaba. (Ảnh chụp màn hình).
Thử dạo một vòng trên các trang thương mại điện tử, chỉ cần gõ từ khóa “lá tre khô”, người tiêu dùng sẽ thấy hàng loạt bài viết bán loại lá này hiện lên với giá 30.000 đồng/100gr hay từ 150-350.000 đồng/kg. Ngoài ra, không khó để bắt gặp hàng loạt các hội nhóm thu mua lá tre xuất khẩu với hàng nghìn người tham gia.
Bán lá tre với giá 330.000 đồng/kg, chị Trần Thị Trang, trú tại huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết, đây là lá của một số giống tre lá to như bương, diễn, bát độ…
Trước đây, loại tre này chủ yếu mọc tự nhiên trên rừng hoặc được người dân trồng trong vườn nhà để lấy măng, lá của nó rụng đầy rừng hoặc để làm củi đun. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhiều người đã thu mua lá tre để bán cho những người có nhu cầu.
Các đầu mối thu mua lá tre tươi với giá từ 10-12.000 đồng/kg.
“Ban đầu tôi thấy có người đến hỏi mua lá tre thì bất ngờ lắm, cứ tưởng họ nói đùa. Sau họ đặt vấn đề thu mua và làm hợp đồng cho tôi đứng ra làm đầu mối gom hàng của bà con khu vực lân cận, hướng dẫn kỹ thuật phơi, sấy lá tre thì tôi mới thật sự tin vào giá trị của loại lá này”, chị Trang nói.
Mỗi kg lá tre tươi được chị Trang thu mua với giá từ 10-12.000 đồng. Sau khi mua về, lá tre được rửa sạch, nẹp thành nẹp dài cho đỡ cong, vênh rồi hong nắng. Khi lá đã se bề mặt được bỏ ra, nẹp lại một lần nữa rồi cho vào lò sấy, sau đó phân loại và mang bán.
Lá tre đạt tiêu chuẩn phải to bản, không bị rách.
Ngoài bán buôn, chị Trang còn đăng bài bán lẻ và chào hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Alibaba…
“Tôi bán lẻ từng sấp. Mỗi sấp nặng 100gr, 200gr hoặc 1kg tùy loại kèm dây chuối để gói bánh cho khách lẻ. Trung bình 100gr lá tre được khoảng 40-50 lá, tôi bán với giá 30.000 đồng”, chị Trang cho hay.
Một trong những người tiên phong mang lá tre Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài phải kể đến bà Đặng Thị Triệu, trú tại Mỹ Đức (Hà Nội).
Theo bà Triệu, cơ duyên đến với nghề bán lá tre xuất phát từ việc đi cùng chị dâu lên núi cách nhà 3km để hái lá tre, về xử lý và bán cho một đầu mối thu mua ở Đoan Hùng (Phú Thọ) từ năm 1992. Đến nay, bà đã thành lập cơ sở sản xuất và xuất khẩu lá tre lớn nhất vùng.
Trước đây, loại cây này mọc hoang ở trên đồi, núi.
“Quê tôi cây này gọi là cây bương, mọc hoang um tùm ở thung trên núi. Cứ vào khoảng tháng 6 là chúng tôi cầm rựa vào rừng phát cành rồi lựa lá mang về. Giờ thì dân bắt đầu trồng nhiều, vừa lấy măng, vừa lấy lá nên tôi đứng ra thu mua thôi, không phải vào rừng hái nữa”, bà Triệu chia sẻ.
Từ việc thu mua lá tre của người dân trong vùng, đồng thời đầu tư máy ép, xây dựng lò sấy một cách bài bản, khoa học, tự mở rộng thị trường, bà Triệu đã tự liên hệ với đối tác Đài Loan và Nhật Bản để trực tiếp xuất khẩu lá tre cho họ.
Lá tre được dùng để gói bánh, gói thực phẩm hoặc trang trí thức ăn.
“Lá tre xuất khẩu phải là loại lá to, là giống tre bát độ hoặc bương, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên và phải có màu xanh tươi, không được rách. Mỗi kg lá tươi tôi thu mua với giá 10-12.000 đồng/kg rồi về thuê nhân công làm các công đoạn như nẹp, sấy, phân loại, ép, đóng hàng… Khi nào đủ 12 tấn thì xuất cho đối tác nước ngoài”, bà Triệu nói thêm.
Lá tre được dùng để gói bánh, gói thực phẩm, trang trí món ăn được người dân các nước yêu thích bởi có mùi thơm đặc biệt, dễ vận chuyển và bảo quản được trong thời gian dài.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi hàng trăm hộ dân nuôi rắn gặp khó khăn phải bỏ chuồng trại, hàng nghìn con rắn hổ mang bị bỏ đói tới chết...