Loại hồng lạ ăn như thạch, giá cả trăm nghìn đồng/kg thành đặc sản hút khách Hà thành

Loại hồng này có lớp ruột trong như thạch, mềm, mát và thơm ngon đặc biệt cùng với cách ăn “quý tộc” đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.

Mỗi độ thu về, các “tín đồ” có sở thích đặc biệt với quả hồng lại được thỏa sức đặt mua và thưởng thức các loại hồng ngâm, hồng giòn, hồng trứng với giá chỉ từ 20-50.000 đồng/kg. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, một loại hồng lạ có tên là hồng da tre được coi là đặc sản Thái Nguyên được chị em háo hức đặt mua với giá từ 90-120.000 đồng/kg.

Hồng da tre vào mùa có giá từ 90-120.000 đồng/kg đang được nhiều người lùng mua. (Ảnh: Trọng Nghĩa).

Hồng da tre vào mùa có giá từ 90-120.000 đồng/kg đang được nhiều người lùng mua. (Ảnh: Trọng Nghĩa).

Dù có giá đắt gấp 3-4 lần các loại hồng thông thường khác nhưng hầu như khách muốn mua đều phải đặt trước, thậm chí là có quen biết với người bán mới có thể thưởng thức loại hồng đặc biệt này.

Chị Nguyễn Vân Anh, trú tại Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, chị vừa đặt mua 10kg hồng da tre với giá 90.000 đồng/kg về để ăn và biếu bố mẹ. Dù giá cao hơn các loại hồng khác nhưng mỗi năm mùa hồng da tre chỉ kéo dài khoảng 1 tháng nên chị phải đặt mua kẻo hết mùa.

Theo chị Vân Anh, bản thân chị là người Thái Nguyên nhưng trước đây chị chưa từng biết về loại hồng này. Tuy nhiên, cách đây 1 năm, chị thấy mấy anh chị em làm cùng công ty nói chuyện về loại hồng da tre là đặc sản của quê mình nên mới tìm hiểu và đặt mua.

“Năm ngoái đến khi tôi biết được và mua được có 3kg thì hết mùa. Vì vậy năm nay tôi phải canh ngay từ đầu mùa và mua liền 10kg để cả nhà ăn cho bõ thèm. Hầu như ai muốn mua đều phải đặt trước cả tuần mới có”, chị Vân Anh nói.

Hồng da tre có cách ăn rất đặc biệt. (Ảnh: Nguyễn Tuyết).

Hồng da tre có cách ăn rất đặc biệt. (Ảnh: Nguyễn Tuyết).

Cũng là người mê hồng da tre, chị Nguyễn Thị Tuyết ở Bùi Xương Trạch (Hà Nội) cho biết, mấy năm trước thèm ăn hồng da tre, chị còn rủ mấy chị em mua chung rồi nhờ người ở Thái Nguyên gửi xuống bằng xe khách nhưng năm nay thì không mua được vì xe khách không chạy.

“Năm nay hầu hết các lái buôn họ mua cả vườn nên những người mua vài chục cân như mình thì vườn họ không gửi. Hơn nữa, cước xe từ Thái Nguyên xuống Hà Nội mùa dịch cũng cao nên tôi phải đặt mua lại của một số người bán ở đây với giá 170.000 đồng/2kg chưa kể ship”, chị Tuyết nói.

Sau khi ăn hết lớp ruột trong như thạch, sẽ còn lại lớp vỏ cứng như da tre. (Ảnh: Nguyễn Tuyết).

Sau khi ăn hết lớp ruột trong như thạch, sẽ còn lại lớp vỏ cứng như da tre. (Ảnh: Nguyễn Tuyết).

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, trú tại TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên) cho biết, hồng da tre là loại hồng có nguồn gốc xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nên được gọi là hồng Việt Cường hoặc hồng vuông.

Theo anh Nghĩa, trước đây, hồng da tre không được nhiều người biết đến, được trồng rải rác quanh khu vực làng Việt Cường, mỗi nhà chỉ có vài cây. Vì vậy, số lượng hồng da tre được trồng không nhiều và phổ biến như hồng không hạt hay hồng ngâm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây loại hồng này lại được nhiều người ưa chuộng và lùng mua với giá cao, các thương lái đặt mua cả vườn rồi hái và vận chuyển xuống Hà Nội.

“Trước đây ở Hà Nội tôi cũng bán các loại trái cây, năm nay về quê rồi mắc kẹt lại đúng đợt dịch này, thấy nhiều người yêu thích, tìm mua loại hồng này quá nên tôi đứng ra thu mua hồng của các hộ dân và cung cấp cho các đầu mối ở Hà Nội luôn”, anh Nghĩa nói.

Anh Nghĩa cho rằng, quả hồng da tre có giá trị cao nhưng người dân phải rất vất vả trong việc chăm sóc và thu hái. Khi hồng bắt đầu hình thành quả, phải tiến hành treo đèn để chống ong và ruồi vàng châm quả. Bởi vì chỉ cần 1 vết chích nhỏ thôi nhưng chưa kịp chín thì sẽ hỏng luôn.

Từ việc chăm sóc đến thu hoạch hồng da tre luôn đòi hỏi yêu cầu cao hơn các loại hồng khác. (Ảnh: Trọng Nghĩa).

Từ việc chăm sóc đến thu hoạch hồng da tre luôn đòi hỏi yêu cầu cao hơn các loại hồng khác. (Ảnh: Trọng Nghĩa).

Ngoài ra, khi thu hoạch, người dân phải trèo lên rồi hái cẩn thận từng quả, chọn lọc, đóng thùng và vận chuyển đi các đầu mối từ khi còn xanh. Chỉ cần 1 vết xước cũng sẽ khiến quả hồng bị hỏng.

Về cách ăn hồng da tre, anh Nghĩa cho biết loại hồng này đòi hỏi cách ăn rất cầu kỳ. Khi mua hồng về, phải đặt úp ngược cuống xuống, đợi khoảng từ 3-5 ngày, cho quả hồng chuyển từ màu xanh sang màu vàng, sờ thấy mềm, nhấc lên thấy cuống tách rời khỏi quả thì là hồng chín.

Hồng da tre khi bổ đôi sẽ thấy lớp ruột trong như thạch, màu như trứng lòng đào. (Ảnh: Nguyễn Tuyết).

Hồng da tre khi bổ đôi sẽ thấy lớp ruột trong như thạch, màu như trứng lòng đào. (Ảnh: Nguyễn Tuyết).

“Quả hồng chín để ăn ngon nhất thì phải bổ đôi rồi để vào trong ngăn mát tủ lạnh, đợi cho bề mặt hơi se se lại thì dùng thìa xúc ăn. Miếng hồng trong veo, vàng như lòng đào trứng gà, cảm giác như cho miếng hồng vào miệng như là đang ăn thạch, rất ngon, vừa mát vừa từ từ tan ra trong miệng”, anh Nghĩa nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại rau lạ tạo ra ”xà phòng”, người Việt nhìn qua đoán được tên ngay

Khi rửa rau với nước, trong nước sẽ xuất hiện bọt li ti giống y như nước xà phòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN