Loại hải sản có tên kỳ cục, ngon hơn ghẹ, rẻ hơn cua thành đặc sản hút khách
Cái tên của con vật này nghe có vẻ kỳ lạ nhưng lại được rất nhiều người yêu thích và lùng mua bởi chúng ngon hơn ghẹ, rẻ hơn cua và có mùi vị thơm ngon nổi tiếng.
Là loại hải sản cùng họ với cua nhưng có kích thước khiêm tốn, con cù kỳ chỉ xuất hiện sau các kẽ đá ở những vùng biển ấm như Quảng Ninh và Khánh Hòa. Người ta gọi là cù kỳ bởi chúng có chiếc mai to, đôi chân co rúm lại và di chuyển rất chậm chạp, trông có vẻ kỳ lạ hơn các loại cua biển khác.
Cua cù kỳ - đặc sản nổi tiếng tại vùng biển Quảng Ninh.
Anh Đinh Chính Dũng, trú tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, hải sản Quảng Ninh được đánh giá là có chất lượng ngon hơn một số vùng biển khác bởi có độ mặn vừa phải. Trong đó, con cù kỳ nghe tên có vẻ lạ lùng nhưng được coi là đặc sản và các món chế biến từ cù kỳ cũng là món ăn độc đáo mà khó có thể tìm thấy ở nơi khác.
“Từ bé tôi thường nghe mọi người ca rằng: “Chồng em như con cù kỳ/ Em xuôi em ngược, biết gì mà ghen”. Tức là nói về người chồng hiền lành, có phần chậm chạp được ví như con cù kỳ chứ cũng không hiểu sao nó lại có cái tên như thế”, anh Dũng cho biết.
Có trọng lượng nhỏ nhưng được đánh giá là ngon hơn ghẹ, rẻ hơn cua.
Theo anh Dũng, cù kỳ có nhiều loại nhưng ngon nhất là cù kỳ đen hay còn gọi là cù kỳ lông vì chúng rất hiếm và khó đánh bắt. Mỗi kg cù kỳ đen có giá từ 190.000-250.000 đồng/kg, tùy mùa với size từ 3-5 con/kg.
Một loại nữa là cù kỳ nâu, ăn không ngon bằng cù kỳ đen, con cũng nhỏ hơn. Người dân thường lấy càng bán bún, sốt me hoặc xay ra làm canh cua, nước lẩu. Giá cù kỳ nâu ở vào khoảng từ 100.000-130.000 đồng/kg.
Ngoài ra, phổ biến nhất vẫn là cù kỳ đỏ, ăn hơi cứng nhưng bù lại có gạch nhiều, thơm và ngậy. Giá dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg, tùy mùa.
“Trước kia người ta thường soi đèn bắt cù kỳ ở các bãi cạn sau khi thủy triều rút nhưng bây giờ họ dùng lưới hoặc lồng bát quát nên bắt được nhiều hơn”, anh Dũng nói.
Cù kỳ đen hay còn gọi là cù kỳ lông.
Cù kỳ nâu.
Cù kỳ đỏ.
Giá rẻ lại có vị thơm, ngon nên cù kỳ được nhiều người yêu thích và săn lùng. Vì thế, mỗi ngày anh Dũng có thể bán được từ 20-30kg, ngày nhiều có thể bán được cả tạ.
Chị Nguyễn Thùy Linh, trú tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, thời gian trước chị đã có khoảng 5 năm làm việc tại Quảng Ninh và rất thích ăn cù kỳ sốt me hay nấu canh. Vậy nên khi về Hà Nội rồi, chị vẫn tìm mua bằng được cù kỳ về chế biến.
“Cù kỳ rẻ chỉ bằng 1/3 cua, ghẹ nhưng lại rất nhiều gạch, thịt lại rất thơm, ngon lắm. Cù kỳ bỏ lớp mai, sốt me và các loại gia vị. Khi ăn sẽ thấy mùi thơm và béo ngậy, quyện đủ vị chua, cay, mặn, ngọt… ăn một lần là nhớ mãi”, chị Linh cho hay.
Cù kỳ sốt me.
Chị Linh còn cho rằng, cù kỳ có quanh năm nhưng ngon nhất là vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Vì thế, mỗi khi đến mùa là chị rủ thêm bạn bè đặt cả thùng hàng chục kg từ Quảng Ninh về Hà Nội rồi chia nhau, cất tủ ăn dần.
Là người chuyên đi đánh bắt cù kỳ, anh Nguyễn Văn Hà, trú tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) thì tại đây, nghề đánh bắt cù kỳ đã có từ lâu, bản thân anh cũng không rõ cái tên lạ lùng của nó bắt nguồn từ đâu.
“Ngày xưa, người dân làng chài ra biển bắt được gì ăn nấy. Thấy cù kỳ ngon nên bắt và mang ra chợ bán cho khách du lịch. Họ ăn một lần nhớ mãi nên giới thiệu cho bạn bè. Vì thế ngày càng nhiều người biết đến và coi như là đặc sản chỉ có ở Quảng Ninh”, anh Hà cho hay.
Cù kỳ có thể chế biến được thành nhiều món như sốt me, hấp, nấu canh hoặc làm nước lẩu.
Theo anh Hà, cù kỳ thường sống ở các ghềnh đá, rất khó đánh bắt. Thức ăn của cù kỳ thường là các loài sống kí sinh trên đá như hà, hàu và chúng chỉ chui từ các hốc đá ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm.
Vì vậy, chỉ khi nước rút thì người dân mới ra biển, rải những tấm lưới dài xuống những ghềnh đá, để qua 1 đêm rồi hôm sau mới đi thu lưới về.
Cù kỳ hấp.
“Lúc thu lưới phải rất cẩn thận vì cù kỳ có những chiếc càng to và chắc. Khi chúng kẹp thì đau. Mọi người còn gọi cù kỳ là cua sấm và truyển tai nhau rằng, nếu một khi đã bị cù kỳ cắp thì phải đợi trời nổi sấm nó mới buông”, anh Hà cười nói.
Thông thường, theo anh Hà, mỗi lần thả lưới và thu hoạch sẽ được từ từ 5-7kg cù kỳ. Ngày nào may mắn có thể kiếm được từ 10-20kg nhưng rất hiếm khi được nhiều như vậy.
Cù kỳ tuy nhỏ hơn các loại cua khác nhưng lại được nhiều người lùng mua với giá cao, từ 90.000 đồng đến 250.000 đồng/kg. Vì vậy, mỗi lần đi biển có thể được khoảng 1 triệu đồng. Nghề săn bắt cù kỳ cũng trở thành nghề cho thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.
Nguồn: [Link nguồn]
Với bộ lông xanh mướt ở cổ, đen óng ở lưng và đuôi, chân và mỏ màu đỏ, đặc biệt, loại chim này có bản tính hung...