Loại cua lạ mỗi năm chỉ xuất hiện một lần, giá nửa triệu đồng/kg được săn lùng
Với lớp gạch vàng ươm, béo, ngậy và lớp thịt thơm ngon đặc biệt được nhiều người yêu thích nhưng loại cua này mỗi năm chỉ xuất hiện 2 tháng. Vì vậy khi đến mùa, nhiều người lùng mua bằng được về thưởng thức dù có giá đắt đỏ.
Nếu như cua biển, cua Cà Mau đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, có thể mua và thưởng thức vào bất kỳ thời điểm nào trong năm thì thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện một loại cua lạ, có lớp lông ở càng, chân và mai, được bán với giá từ 400-500.000 đồng/kg, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Chị Đỗ Hải Yến, trú tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, năm trước thấy chị em trong cơ quan rủ nhau đặt mua loại cua này về thưởng thức nên chị cũng đặt thử, ai ngờ “nghiện” luôn. Năm nay chị phải canh bằng được để mua tiếp vì hết mùa sẽ kiếm không ra để mua.
Cua da Yên Dũng (Bắc Giang) đang vào mùa.
Chúng to gấp nhiều lần cua đồng và chỉ xuất hiện vào 2 tháng đầu đông với lớp lông ở chân, càng và mai.
“Năm trước tôi mua với giá 670.000 đồng/kg, được ăn 2 hay 3 lần gì đó thì hết mùa. Năm nay thì giá rẻ hơn một chút, chỉ 550.000 đồng/kg size 7-8 con/kg. Khi hấp lên ăn phần gạch khá ngon, vị nó rất ngậy và dẻo, không giống với mùi vị của cua biển tôi thường ăn”, chị Yến nói.
Từng đặt mua cua da với giá 700.000 đồng/kg, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, trú tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, thoạt nhìn thì loại cua này giống hệt cua lông Thượng Hải, giá lại rẻ chỉ bằng một nửa, nhiều người khen ngon nên chị cũng mua về ăn.
Theo chị Hằng, khi ăn cả cua da và cua lông Thượng Hải thì chị thấy mùi vị giống hệt nhau. Tuy nhiên, cua da nhỏ hơn cua lông, to nhất cũng chỉ khoảng 7 con/kg nên nếu ăn cua da thì chỉ nên ăn cua cái vì nhiều gạch và trứng, còn cua đực hơi nhỏ nên nhằn thịt rất khó.
Lẩu cua da.
Cua da được chế biến thành món lẩu cua sông ngon nức tiếng.
“Cua da không có bán tại các cửa hàng hải sản thông thường mà phải đặt trước trên mạng mới có. Cua đực chỉ khoảng 420.000 đồng/kg nhưng cua cái phải khoảng 600-700.000 đồng/kg. Tôi thường mua lẫn cả đực cả cái rồi vặt hết chân, càng rồi xay ra làm nước lẩu còn mình cua thì để nguyên nhúng ăn như lẩu riêu. Cả nhà ai cũng thích”, chị Hằng cho hay.
Chuyên bán cua da trên chợ online, chị Trang Hà, trú tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, loại cua này được coi là đặc sản chỉ có ở một số xã ven sông Cầu, thuộc huyện Yên Dũng (Bắc Giang) và chỉ xuất hiện vào đầu mùa đông hàng năm. Vì vậy, cứ đến tháng 9, tháng 10 âm lịch, người dân chuyên sống bằng nghề thuyền chài ở các xã ven sông Cầu quê chị lại đi bắt cua da để bán.
Cua da có lớp gạch và trứng béo ngậy, thơm ngon.
“Thời điểm đánh bắt cua da thường diễn ra vào ban đêm và đánh bắt rất khó khăn vì vậy phải là những thuyền chài có kinh nghiệm, trang bị lưới bát quái để bắt cua. Nếu nước đứng hoặc nước chảy mạnh đều không bắt được, phải là nước chảy từ từ thì mới có. Vì vậy, nếu may mắn thì mỗi người có thể đánh bắt được 5-6kg/đêm nhưng nếu không may thì cả đêm cũng không bắt được con nào”, chị Trang nói.
Theo chị Trang, cua da có giá trị kinh tế cao vì sống tự nhiên tại các ghềnh đá dưới sông, chưa ai nuôi được. Hơn nữa, thời gian gần đây số lượng cua da ngày một ít đi do nguồn nước bị ô nhiễm khi khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, nước sông không còn sạch như xưa.
Vì vậy, để có cua da bán, nhiều thương lái phải đi mua gom của nhiều thuyền chài từ khi tờ mờ sớm rồi bán cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch hoặc vận chuyển xuống Hà Nội để bán chứ không được bán phổ biến tại các chợ.
Nhiều người khá bất ngờ khi người bán quảng cáo là cua lông Thượng Hải nhưng giá lại “siêu rẻ”, chỉ từ 500-700.000...
Nguồn: [Link nguồn]