Loại côn trùng xanh như lá trở thành đặc sản, giá hàng trăm nghìn đồng/kg
Được coi là đặc sản của núi rừng Tây Nguyên, thường xuất hiện từ tháng 3-4 âm lịch, loại côn trùng này có màu xanh như lá cây và được “dân nhậu” cực kỳ yêu thích.
Nếu như nhộng ve sầu, bọ xít, sâu tre là những loại côn trùng có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc được dân nhậu khá yêu thích thì đối với bà con các tỉnh Tây Nguyên, món nhộng sâu muồng lại là đặc sản được nhiều người lùng mua với giá đắt đỏ.
Nhộng sâu muồng được coi là đặc sản Tây Nguyên. (Ảnh: Hoàng Đức Độ).
Anh Hoàng Đức Độ, trú tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, sâu muồng thường xuất hiện vào cuối mùa khô, khoảng tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch.
“Khi Tây Nguyên có những cơn mưa trái mùa đổ xuống, cây muồng đen sẽ ra lá non và con sâu muồng sẽ xuất hiện để ăn trụi lá cây. Sau đó, chúng nhả tơ bám trên các lá muồng già, lá tiêu, lá chuối, lột thành nhộng rồi hóa thành bướm vàng nhạt”, anh Độ cho biết.
Cây muồng bị sâu ăn trụi lá. (Ảnh: Hoàng Đức Độ).
Ban đầu, bà con dân tộc Ê-Đê quanh vùng đi bắt những con nhộng sâu muồng để chế biến thành thức ăn trong các bữa ăn gia đình. Sau này, nhu cầu của người dân tăng cao nên họ bắt đầu đi bắt về bán.
Theo anh Độ, những con sâu nhả tơ cố định vào lá, chờ thành nhộng và không còn ngọ nguậy là ăn ngon và bổ nhất. Người bắt nhộng sâu muồng sẽ dùng tay cầm sát phần tơ dính vào lá cây để con nhộng không bị nát. Sau đó, nhặt bỏ phần tơ còn dính ở đầu nhộng rồi mang hấp hoặc trụng qua nước sôi để sạch tơ.
Sâu muồng sau khi trưởng thành sẽ bám xuống dưới chiếc lá, nhả tơ và hóa thành nhộng. (Ảnh: Hoàng Đức Độ).
“Nhộng, sâu sau khi hấp hoặc trụng nước sôi thì mang xào khô với ít thịt mỡ thái nhỏ và lá mắc mật vò nát rất ngon”, anh Độ nói.
Chị Phương, trú tại Buôn Hồ (Đắk Lắk), người chuyên bán các đặc sản núi rừng Tây Nguyên cho biết, sâu muồng là loại sâu ăn lá của cây muồng đen, loại cây được trồng để chắn gió cho cây cà phê hoặc làm trụ tiêu.
“Sâu muồng nhỏ, lưng màu vàng, hai bên mình có sọc đen, trơn, di chuyển bằng cách cong thân mình lại và bắn về phía trước. Những con sâu này ăn lá muồng rồi đóng kén thành nhộng muồng dưới các tán lá”, chị Phương nói.
Con sâu và con nhộng sâu muồng. (Ảnh: Hoàng Đức Độ).
Theo chị Phương, trước đây, bà con đi nương rẫy, bắt nhộng sâu muồng về sử dụng trong các bữa cơm gia đình. Dần dần, nhộng sâu muồng ngày càng được nhiều người biết đến, tìm mua về thưởng thức nên cứ đến đầu hè, bà con lại rủ nhau lên rẫy bắt sâu về bán.
Thời gian này, dưới những tán rừng cà phê, không khó để bắt gặp những người đi vạch lá tìm sâu muồng. Để bắt được sâu muồng, người dân phải đi từ sáng sớm, vạch những tán lá phía dưới gốc muồng hoặc trèo lên cây cao để bắt sâu muồng.
Sâu muồng bám chi chít dưới lá chuối.
“Nếu chịu khó, mỗi ngày có thể bắt được từ 3-4kg sâu, bán với giá từ 120-150 nghìn đồng/kg thì mỗi người cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng”, chị Phương nói.
Là đầu mối thu mua sâu muồng cung cấp cho các quán nhậu, chị Phương cho biết, nhộng sâu muồng sau khi chế biến có giá lên tới nửa triệu đồng/kg.
“Mỗi kg sâu muồng có thể rang được 3 đĩa. Mỗi đĩa bán với giá từ 150-180 nghìn đồng/kg nhưng nhiều quán cũng không có sâu để bán”, chị Phương cho hay.
Để bắt nhộng sâu muồng, người dân sẽ hái lá rồi gỡ từng con mang bán. (Ảnh: Hoàng Đức Độ).
Chị Lê Thị Kim Anh, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, để được ăn nhộng sâu muồng, chị phải nhờ người mua rồi luộc sơ qua, đóng đá và bảo quản trong thùng xốp để chuyển từ Gia Lai ra Hà Nội.
“Trước đây cả gia đình tôi vào đó làm kinh tế mới, trồng cao su và cà phê suốt hơn 20 năm rồi mới về lại Bắc. Cứ vào hè, thấy bạn bè trong đó đăng bán nhộng sâu muồng là thèm không chịu nổi, phải nhờ người mua giúp rồi mang ra. Thêm cả tiền phí vận chuyển, mỗi kg sâu muồng lên tới 250 nghìn đồng/kg nhưng vẫn mua để ăn cho đỡ thèm”, chị Kim Anh nói.
Nhộng sâu muồng rang lá chanh trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. (Ảnh: Hoàng Đức Độ).
Theo chị Kim Anh, nhộng sâu muồng bắt về, sau khi chần qua nước sôi, để ráo nước, phi hành tỏi với dầu mỡ cho thơm rồi cho nhộng vào đảo nhẹ tay. Nêm muối, đường, hạt tiêu, mắm, ớt, thêm lá chanh thái nhỏ hoặc lá móc mật vào cho thơm rồi bắc ra ăn với bánh đa.
Sau khi rang chín, nhộng có màu vàng, béo, bùi và rất ngậy, ngon hơn cả nhộng tằm. Tuy nhiên, chị Kim Anh cho rằng, không phải ai cũng có thể ăn được nhộng sâu muồng vì một số người ăn không quen sẽ bị dị ứng, nổi mề đay. Vì vậy, trước khi ăn phải nếm thử 1-2 con, nếu không thấy hiện tượng lạ mới tiếp tục sử dụng nhộng sâu muồng làm thức ăn.
Không chỉ được bày bán khắp các chợ truyền thống, chợ online, các loại xoài còn được bán tại các xe ô tô đỗ dọc vỉa hè các tuyến đường với giá chỉ từ 10 nghìn đồng/kg.
Nguồn: [Link nguồn]