Loài côn trùng “đại bổ” được nuôi để lấy thịt, bán với giá đắt hơn thịt lợn
Nhìn chúng hệt những con sâu nhưng lại được nuôi để làm thức ăn hàng ngày với giá đắt hơn thịt lợn. Bởi nhiều người cho rằng, loại côn trùng này có rất nhiều dưỡng chất giúp bồi bổ cơ thể và chữa một số bệnh.
Từ xưa đến nay, nhiều người chỉ biết đến con tằm với chức năng ươm tơ để dệt thành lụa có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, ở một số địa phương, có một loại tằm được nuôi để lấy thịt và bán ra thị trường với giá đắt đỏ, đó là tằm ăn lá sắn.
Tằm được nuôi để lấy thịt ở nhiều hộ gia đình tại Phú Thọ.
Vừa nhặt những con tằm vàng ươm lên đầy ắp 2 bàn tay, chị Trần Thị Thủy, trú tại Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa cho biết, nghề nuôi tằm lá sắn lấy thịt ở quê mình đã có từ nhiều năm nay. Như nhà chị thường nuôi theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau vài ngày để tiện chăm sóc.
“Mỗi tháng nhà tôi chia làm 3 đợt, mỗi đợt khoảng 10gr trứng tằm với giá khoảng 80.000 đồng. Đợt này cách đợt kia khoảng 5 ngày. Sau thời gian khoảng 20 ngày thì thu hoạch được khoảng 10kg tằm chín, bán với giá khoảng 80-100.000 đồng/kg”, chị Thủy cho hay.
Tằm chín đến đâu có người mua hết đến đó.
Theo chị Thủy, mỗi tháng nhà chị nuôi được 3 lứa tằm, được khoảng 3 triệu đồng nhưng có nhà nuôi nhiều, mỗi lần nuôi khoảng 100gr trứng, thu về được vài chục triệu đồng/tháng là chuyện bình thường.
Để chủ động nguồn thức ăn cho tằm, gia đình chị Thủy phải trồng thêm khoảng 1 mẫu sắn chỉ để lấy lá nuôi tằm. “Khi sắn già, mọi nhà đào lấy củ thì nhà tôi để đó để tiếp tục lấy lá nuôi tằm. Vì con tằm này rất sạch, nếu xin lá sắn bên ngoài có hơi thuốc sâu thôi là tằm chết hết, không cứu được”, chị Thủy nói.
Chị Thủy giới thiệu mẻ tằm đã chín vàng ươm vừa thu hoạch được.
Cũng nuôi tằm lá sắn tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), chị Chu Thị Huệ cho biết, gia đình chị nuôi tằm quanh năm để lấy thịt, cung cấp cho người dân trong vùng và một số đầu mối ở Hà Nội.
Theo chị Huệ, trước đây con tằm được nuôi để làm thức ăn hàng ngày trong gia đình nhưng càng ngày, xã hội càng phát triển, con tằm được nhiều người biết đến và tìm mua nên các hộ gia đình bắt tay vào nuôi số lượng lớn.
Nếu mùa hè, chỉ cần nuôi khoảng 18-20 ngày là được bán. Mùa đông, tằm lâu lớn hơn nên mỗi lứa tằm chỉ cần nuôi khoảng 20-25 ngày. Giá trứng tằm cũng dao động từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/100gr. Tuy nhiên, 100gr trứng có thể nuôi được khoảng 1,2-1,5 tạ tằm thương phẩm.
Cũng theo chị Huệ, con tằm khá dễ nuôi và có thể lãi gấp 10 lần sau 15-20 ngày nuôi nhưng cũng có thể mất trắng nếu bị dịch bệnh.
“Nóng quá nó cũng chết, lạnh quá cũng chết. Thậm chí người ta phun thuốc trừ sâu cách nhà cả km nhưng tằm nhà mình vẫn lăn ra chết. Bởi vậy, để có nguồn thức ăn sạch cho tằm, nhà tôi phải trồng thêm 3 mẫu sắn và thầu dầu để lấy lá cho tằm ăn”, chị Huệ nói.
Mỗi tháng người nuôi tằm có thể thu lãi gấp 10 lần nhưng cũng có thể đứng trước nguy cơ mất trắng nếu tằm bị bệnh.
Chị Huệ cho rằng, nuôi tằm bận rộn nhất đó là việc phải cho ăn thường xuyên. Mỗi ngày phải đi hái lá sắn cho tằm ăn từ 2-3 lần, có khi nửa đêm còn phải dậy cho tằm ăn kẻo chúng đói, bò đi quanh nhà tìm thức ăn.
Con tằm khi nhỏ và đang trong thời kỳ trưởng thành sẽ có màu trắng. Nuôi được khoảng 20 ngày là tằm được thu hoạch, gọi là tằm chín, có màu vàng và bắt đầu ngừng ăn.
“Khi tằm chín, chúng dừng không ăn và bắt đầu thải hết chất cặn bã ra khỏi cơ thể, chuyển sang màu vàng. Thời gian chín vào khoảng 12-13 giờ hàng ngày. Tằm chín đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó với giá từ 80-120.000 đồng/kg”, chị Huệ chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, con tằm là một loại côn trùng biến thái hoàn toàn có vòng đời trải qua 4 giai đoạn: trứng, tằm, nhộng, ngài. Giai đoạn tằm là giai đoạn ăn lá để tích lũy dinh dưỡng và lớn rất nhanh. Khi tằm chín có thể lớn gấp 8.000 đến 10.000 lần so với tằm mới nở.
Nhìn những con tằm không khác gì những con sâu với chi chít gai và chân nhưng lại là loại côn trùng "rất bổ dưỡng.
Nhộng tằm cũng được đánh giá là loại thực phẩm rất tốt cho thận, dạ dày; chữa được chứng suy nhược, khó ngủ; bổ sung dưỡng chất cho người gầy yếu, trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng…
Nhiều người còn cho rằng, tằm lá sắn là món ăn đại bổ như sâm. Vì vậy, đã có rất nhiều người lùng mua tằm lá sắn về để bồi bổ sức khỏe.
Chị Phạm Thị Nga, trú tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhiều người nhìn thấy con tằm sẽ cảm thấy rất sợ bởi nó không khác gì con sâu khoai với chi chít chân và gai. Thế nhưng đây lại là món ăn quen thuộc của chị từ hồi nhỏ.
Vì vậy, tháng trước, khi thấy có người rao bán tằm lá sắn, chị đã mua 1kg tằm với giá 160.000 đồng/kg, chưa kể 25.000 đồng tiền ship để về chế biến cho “bõ thèm”.
“Con tằm có thể chế biến được thành nhiều món, từ luộc, rang, xào hay làm ruốc… Tôi thường luộc qua rồi vớt tằm ra, rang thịt ba chỉ cháy cạnh rồi cho tằm vào đảo đều. Khi thấy con tằm săn lại thì cho thêm lá chanh thái nhỏ rồi thưởng thức. Vừa ngon vừa bổ”, chị Nga nói.
Tằm rang lá chanh.
Theo Lương y Hoàng Duy Tân, trong 100g nhộng tằm có 79,7gr nước, còn lại có đến 13gr protid; 6,5gr lipid và cung cấp tới 206 calo. Bên cạnh đó, nhộng tằm còn là một loại thức ăn nhiều vitamin (vitamin A, B1, B2, PP, C)... Đặc biệt, thực phẩm này còn có nhiều acid amin thiết yếu như valin, tyrosin, trytophan... và các chất khoáng, nhất là canxi (40mg) và phospho (109mg).
Một số nghiên cứu cho thấy 1kg nhộng tằm tươi có lượng protein tương đương với 2,8kg trứng gà. Hàm lượng protid trong bột nhộng tằm cao tới 73,5%, gồm nhiều acid amin quan trọng như leucin, isoleucin, lysin, threonin, cystein, phenylalanin, tyrosin, valin, arginin, alanin, glycin, serin… tương đương với các loại protein động vật khác.
Dẫu nắng hay mưa, những tấm lưng nhỏ nhắn vẫn cần mẫn đeo chiếc gùi to, chân đi thoăn thoắt không biết mỏi ngược lên...
Nguồn: [Link nguồn]