Loại cây thường trồng lấy củ, nay hái lá làm món này thu về hàng triệu đồng

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Với giá từ 50 nghìn đồng/kg, mỗi chuyến bán được từ 60-70kg, chị Phan Anh mang về doanh thu hàng triệu đồng.

Hơn 10 giờ tối, chị Phan Anh, trú tại Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cùng con gái vẫn lúi húi cho những gắp dưa rau sắn vào túi, đóng thành từng cân để sáng mai kịp giao cho khách. Chị cho biết, mỗi cân dưa chưa kèm nước, chị bán với giá 50 nghìn đồng/kg.

Mỗi tuần chị Phan Anh mang xuống Hà Nội cả tạ dưa sắn để bán. (Ảnh: Phan Anh).

Mỗi tuần chị Phan Anh mang xuống Hà Nội cả tạ dưa sắn để bán. (Ảnh: Phan Anh).

“Năm nào cũng vậy, sau Tết khoảng hơn một tháng là mùa dưa rau sắn. Vậy nên, dưa sắn bây giờ mới vào vụ, tôi mới mang xuống Hà Nội bán được 8 chuyến, mỗi chuyến từ 60-70kg mà vẫn không đủ chia cho khách”, chị Phan Anh nói.

Theo chị Phan Anh, cây sắn từ xưa đến nay được mọi người trồng để lấy củ làm tinh bột hoặc chế biến thực phẩm, mì chính hoặc thức ăn gia súc… Tuy nhiên, một số nơi còn tận dụng búp non và lá sắn non để làm dưa chua và bán.

Mỗi cân rau sắn muối chua được chị bán với giá 50 nghìn đồng. (Ảnh: Phan Anh).

Mỗi cân rau sắn muối chua được chị bán với giá 50 nghìn đồng. (Ảnh: Phan Anh).

“Nhà tôi lấy cây sắn cắm tại ruộng để chuyên lấy ngọn bán, không lấy củ nên ngọn rau rất non và mập, ăn khác hoàn toàn với dưa rau sắn ở nơi khác bán. Ai ăn một lần là nhớ mãi nên cứ có bao nhiêu tôi đăng bài lên cũng được mọi người đặt hết đến đó”, chị Phan Anh cho hay.

Trước đây, chị thường bán theo bát với giá 10 nghìn đồng/bát nhưng thấy khách có nhu cầu mua nhiều nên năm nay chị bán theo cân, mỗi cân có giá 50 nghìn đồng. Theo ước tính, mỗi tuần chị Phan Anh có doanh thu khoảng gần 10 triệu đồng, chưa trừ chi phí từ việc bán món dưa rau sắn này.

Cây sắn sau khi thu hoạch sẽ được cắm thành bãi ở vườn, tưới nước và cắt liên tục để cho ra nhiều ngọn non dùng làm dưa chua. (Ảnh: Phan Anh).

Cây sắn sau khi thu hoạch sẽ được cắm thành bãi ở vườn, tưới nước và cắt liên tục để cho ra nhiều ngọn non dùng làm dưa chua. (Ảnh: Phan Anh).

Mùa dưa rau sắn có từ tháng 3 đến tháng 8, để có lượng rau đủ bán cho khách, chị Phan Anh phải nhờ người nhà đi thu mua lại cây sắn ở các khu vực xung quanh rồi cắm tại vườn của gia đình ở quê. Khi cây sắn mọc búp lá non phải được cắt và tưới nước liên tục để ngọn được to và mập.

Theo khảo sát của PV, thời gian này, trên các chợ online, rau sắn muối chua đang được bán với giá từ 45-55 nghìn đồng/kg.

Phần dùng để muối chua là lá non và búp non của cây sắn. (Ảnh: Phan Anh).

Phần dùng để muối chua là lá non và búp non của cây sắn. (Ảnh: Phan Anh).

Quê ở Phú Thọ nhưng làm việc tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Nga, trú tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, ngoài công việc công ty, hàng ngày chị bán thêm thịt chua, cá thính trên chợ khu chung cư và mùa này không thể thiếu món dưa rau sắn.

“Mỗi tuần bố mẹ trên quê lại gửi hàng xuống một lần cho tôi bán. Thịt chua, cá thính hay dưa sắn tôi lấy về cứ để ngăn mát tủ lạnh. Ai đặt thì chiều tối đi làm về tôi ship. Bán đồ quê vừa được ăn đúng món mình thích, vừa kiếm thêm mỗi ngày vài chục nghìn đồng”, chị Nga nói.

Theo chị Nga, món dưa rau sắn thực chất là món nhà nghèo. Đất trung du quê chị ngày xưa mọi người chỉ trồng toàn sắn là sắn. Củ sắn ngon thì đồ xôi, hấp cơm, làm bánh ăn, củ không ngon thì nuôi lợn, gà, bò. Phần ngọn và lá non của cây sắn thì tận dụng làm rau, dưa chua ăn cho đưa cơm.

Dưa rau sắn hợp nấu với xương lợn hoặc cá, tép...

Dưa rau sắn hợp nấu với xương lợn hoặc cá, tép...

“Bây giờ có dưa rau sắn ăn là sang hơn ăn cơm với cá đấy. Vì cá thì mua ở đâu cũng được nhưng dưa rau sắn muốn mua phải đặt trước hoặc tìm mãi mới có người bán”, chị Nga cho hay.

Lần đầu được ăn món dưa rau sắn cách đây 3 năm, chị Đặng Thị Hoa, trú tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, sau một lần được ăn thử thì chị “nghiện” luôn, cứ đến mùa là phải mua bằng được về nấu.

“Mấy hôm trước tôi thấy trên chợ chung cư có người bán với giá 55 nghìn đồng/túi 1kg, nửa cân thì 30 nghìn đồng nên tôi mua cả cân về nấu với móng giò lợn. Dưa rau sắn giòn giòn, chua chua, bùi bùi ăn rất lạ. Trời nóng có bát canh này ăn thì mát ruột lắm nên cứ đến mùa là tôi phải mua để ăn, có năm còn mua thêm mấy cân cất tủ đông ăn dần”, chị Hòa nói.

Mỗi năm, con vật này chỉ xuất hiện vài tháng, người dân đi bắt có thể kiếm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN