Loại bánh “lúc nhúc” trứng kiến trong nhân, ngày bán ra cả trăm chiếc
Tuy nhiên, loại bánh này khá kén người ăn, dễ bị dị ứng.
Cứ vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 (Âm lịch), khi thời tiết dần trở nên ấm áp, người dân các khu vực miền núi phía Bắc nước ta lại rủ nhau vào rừng kiếm trứng kiến. Những quả trứng kiến nhỏ li ti, màu trắng sữa, nhìn như hạt gạo sẽ được người dân đem chế biến thành các món khác nhau, trong đó có món bánh trứng kiến.
Bánh trứng kiến được coi là một loại bánh đặc sản và mang nhiều ý nghĩa của người dân tộc Tày, Mường. Theo tìm hiểu, loại bánh này còn trở thành quà biếu bố mẹ vợ để thể hiện sự tôn trọng và biết ơn.
Trứng kiến được người dân lấy ở rừng về.
Vỏ loại bánh này được làm từ bột nếp, nhân mới được làm từ hàng chục quả trứng kiến. Tuy nhiên, không phải trứng kiến nào cũng ăn được, trứng của loại kiến đen rừng có thân nhỏ, đuôi nhọn và thường làm tổ trên các cây tre, nứa, giang... mới ăn được. Và cũng chỉ những người thường xuyên đi lấy trứng kiến mới biết cách phân biệt và tìm đúng vị trí kiếm làm tổ để lấy trứng.
“Không như các loại trứng khác, trứng kiến đen chỉ có một mùa trong năm. Khi thu hoạch về, người dân phải đem bán hoặc chế biến luôn mới đảm bảo vị ngon, ngọt, để lâu chúng rất dễ bị hỏng”, chị Ma Thị Chiến – một người bán trứng kiến cho biết.
Nhà chị Chiến đi mua trứng kiến về làm bánh.
Quê gốc ở Tuyên Quang, chị cho biết năm nào gia đình chị cũng mua trứng kiến về làm bánh để ăn. Với gia đình chị, đây là món ăn ngon và ai cũng yêu thích. Vì muốn chia sẻ với mọi người nên năm nay, chị đăng bán và không ngờ người dưới Hà Nội lại ưa thích đến vậy.
“Khách hàng đặt nhiều lắm, ngày nào cũng thiếu hàng luôn. Có hôm không làm được bánh, có khách còn nhắn tin hỏi để đặt mua. Mỗi lần làm nhiều nhất cũng chỉ được trăm cái nhưng cũng có những hôm trời mưa không vào rừng hái được lá gói bánh và không mua được trứng, bánh không có mà bán”, chị cho hay.
Nói thêm về bánh trứng kiến, chị chia sẻ loại bánh này phải được gói bằng lá ngõa mật, còn phần nhân phải là trứng kiến xào với lá kiệu. Những lá này đều lấy trong rừng nên khi trời mưa to sẽ không thể vào rừng lấy được, đồng nghĩa với việc bánh không làm được.
Còn trứng kiến phải được chế biến ngay sau khi mua về. Người làm phải dùng khăn ấm phủ lên trứng để con kiến dính vào khăn, loại bỏ kiến ra. Sau đó, toàn bộ trứng kiến đem đi rửa bằng nước sạch để loại bỏ bụi bẩn và đem đi xào với lá kiện cho thơm và có gia vị.
Người bán đóng thành từng gói để giao cho khách.
Có những hôm mua được nhiều trứng, nhà chị làm được khoảng hơn trăm cái, còn có hôm ít chỉ được vài chục cái, cũng có những ngày không có để bán. Khách mua đều đặt từ 5-10 chiếc/lần, mỗi chiếc nặng khoảng 100 - 120 gram. Mới gần 2 tuần bán bánh này, chị đã bán được khoảng 700 chiếc bánh. Giá bán dao động từ 12.000 – 13.000 đồng/chiếc.
Chị cho biết những ai ăn nhộng bị dị ứng thì không nên ăn bánh này, bởi trứng kiến cũng dễ khiến người ăn bị dị ứng như vậy.
Loại bánh này rất kén người ăn, có thể gây dị ứng cho người thưởng thức.
Trên thị trường, trứng kiến được rao bán với mức giá rất cao, từ 260.000 đồng trở lên/kg. Có những thời điểm, loại trứng này được bán với mức giá nửa triệu đồng/kg.
Được biết, trứng kiến được người dân gọi là "lộc rừng" và chỉ có một mùa duy nhất vào tháng 2 và tháng 3 Âm lịch. Để đi "săn" trứng kiến, phải chọn trời nắng to, vì khi hạ tổ kiến xuống, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, khi đó chỉ còn lại những hạt trứng trắng muốt như gạo. Kiến đen là loại côn trùng không cánh, toàn thân dài 1,3 - 1,5 cm, màu đen bóng. Hiện, vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh trứng kiến gai đen có tốt thật hay không. Người ăn không quen có thể bị dị ứng.
Nguồn: [Link nguồn]
Nó được lấy từ quả một loại cây trồng rất nhiều ở các vùng quê nước ta. Hiện nay, thứ này rất được ưa chuộng...