Lấy đinh và chỉ để làm tranh, người phụ nữ bán giá lên đến vài chục triệu
Không ít người bất ngờ vì nguyên liệu làm ra những bức tranh này lại chỉ có đinh và chỉ.
Từng làm Phó Giám đốc của một nhà sách, chị Phạm Thị Thục Anh (Hà Nội) không ngần ngại từ bỏ công việc bao người mơ ước để trở về khởi nghiệp với nghề sáng tác nghệ thuật, làm việc với cây đinh và sợi chỉ.
“Quả thực công việc cũ rất tốt, có thu nhập ổn định, môi trường "lành" lắm, đồng nghiệp đáng yêu, đáng mến. Tôi rất yêu thích công việc cũ nhưng có lẽ tôi có "duyên" với Tranh đinh chỉ. Tôi là người thích thử thách, luôn tìm kiếm sự tự do, sự sáng tạo, là người vừa kiên định vừa bay bổng. Vừa hay, tranh đinh chỉ có những thứ tôi tìm kiếm trên hành trình đó”, chị tâm sự.
Tranh đinh chỉ sử dụng nguyên liệu gỗ, đinh và chỉ.
Với quyết định táo bạo của bản thân, chị cho biết gia đình và bạn bè đều lo lắng nhưng cũng tôn trọng quyết định của chị. “Điều đó thực sự tuyệt vời, là chỗ dựa tinh thần lớn cho tôi”, chị nói.
Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, có lúc bản thân chị lo lắng, gia đình khuyên cân nhắc tìm hướng khác, một số nơi mời đến làm việc với mức lương hấp dẫn cũng "cám dỗ". Nhưng chị suy nghĩ và vẫn kiên trì làm tranh đinh chỉ, dần dần thử thách cũng qua đi, tranh đinh chỉ đã được nhiều người biết tới và yêu thích.
Chị chia sẻ thêm tranh đinh chỉ không phải "tình yêu sét đánh" với chị. Chị được tiếp xúc và tìm hiểu từ 4 năm trước trước khi quyết định bỏ nghề để theo đuổi đam mê. Chị có thời gian trò chuyện cùng nhiều người hiểu biết về dòng tranh này và thấy hứng thú.
Làm loại tranh này, chị Thục Anh cho biết cần phải tỉ mỉ từng chi tiết.
Nhưng những năm đó chỉ dừng lại ở việc chia sẻ cùng nhau, sau này, chị và cộng sự mới có đủ duyên để cùng nhau phát triển dòng tranh này. Khi mới bắt đầu, nhóm của chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu kỹ thuật để làm ra những bức tranh đinh chỉ sống động, tinh tế, sắc nét và ấn tượng.
“Chúng tôi phải trải qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại để hoàn thiện kỹ thuật. Để vượt qua, chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và không ngừng thực hành, chấp nhận bỏ đi hàng chục hàng trăm các bản lỗi”, chị nói.
Khó khăn sau đó là cả nhóm phải tìm kiếm thị trường cho dòng tranh này. Loại hình tranh mới nên ít người biết tới, mọi người đều phải vừa nghiên cứu kỹ thuật vừa loay hoay truyền thông, kiên trì giới thiệu tranh.
Đôi lúc, tranh bị lỗi sẽ phải gỡ toàn bộ ra và làm lại từ đầu.
Dù thời điểm này, tranh đã được nhiều người biết đến hơn và nhóm của chị làm việc cũng đã nắm được kỹ thuật, nhưng chị cho biết vẫn gặp một số khó khăn về nguyên liệu và nhân lực, chị cũng đang giải quyết dần để đáp ứng giai đoạn mới.
Chị cho biết làm tranh đinh chỉ bao gồm các công đoạn như: phác thảo ảnh, lên ý tưởng, xác định các điểm đinh, đóng đinh rồi căng chỉ tạo hình. Khâu nào cũng khó vì chỉ khi tranh hoàn thành mới biết được kết quả cuối cùng, nếu có điểm chưa ưng ý thì sẽ phải xem lại từng khâu, lúc sửa tranh có thể sẽ phải gỡ toàn bộ tranh làm lại.
“Đã có những lúc tôi phải gỡ toàn bộ tranh ra để làm lại từ đầu. Vì vậy, mỗi khâu làm đều đòi hỏi sự cẩn trọng, tập trung cao độ và kiên nhẫn của người làm”, chị chia sẻ.
Tranh đinh chỉ có giá bán dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Các nguyên liệu chính để làm tranh đinh chỉ bao gồm đinh, chỉ, gỗ. Thời gian hoàn thành một bức tranh có thể dao động từ vài ngày đến vài tuần, vài tháng tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp. Giá của một bức tranh đinh chỉ cũng phụ thuộc vào kích thước và độ phức tạp, có bức vài triệu cũng có bức vài chục triệu.
Để theo đuổi tranh đinh chỉ, chị Thục Anh chia sẻ nghệ sĩ cần nắm vững các kiến thức về kỹ thuật gắn đinh chỉ, khả năng tạo hình và bố cục, cũng như sự am hiểu về vật liệu và công cụ. “Tính kiên nhẫn và sự tinh tế trong từng chi tiết là rất quan trọng. Hơn nữa, việc có khả năng sáng tạo và cảm nhận nghệ thuật cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo ra những tác phẩm độc đáo”, chị nói thêm.
Tính đến nay, nhóm của chị đã nghiên cứu và theo đuổi tranh đinh chỉ trong 3 năm và hoàn thiện khoảng hơn 200 bức tranh. Trong tương lại, nhóm của chị sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển dòng tranh này đa dạng về chủ đề nội dung và chất liệu, nâng cấp về kỹ thuật, mở rộng thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Bất ngờ hơn khi đây chỉ là công việc tay trái của anh Lưu, mỗi tháng tranh thủ làm vài ngày hoặc khi rảnh rỗi.