Làm thứ bánh “siêu thực”, 9x liên tục báo quá tải đơn đặt hàng
Những chiếc bánh “siêu thực” này khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và dành nhiều lời khen.
Vừa hoàn thiện nốt chiếc bánh để giao cho khách, chị Nguyễn Thị Phương Nguyên (SN 1992) tranh thủ thời gian nghỉ tay để chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của mình với những chiếc bánh. Chị kể lại chị có niềm đam mê mãnh liệt với bánh. Vào năm 2013, chị đã sử dụng chiếc lò nướng của gia đình để làm bánh lần đầu tiên với công thức học trên mạng.
Dù ghét ăn bánh, chị lại rất thích tự tay làm ra những chiếc bánh. Vì vậy, mỗi lần làm bánh xong, chị thường đem bánh cho người thân, hàng xóm và năn nỉ họ ăn giúp, đánh giá.
Chị Phương Nguyên theo đuổi dòng bánh nghệ thuật được mấy năm nay.
Từ niềm đam mê đó, chị Phương Nguyên ấp ủ ý định nghỉ việc văn phòng để theo đuổi, kiếm tiền từ đam mê. Đến tháng 6/2019, chị quyết định nghỉ việc ở nhà kiếm tiền với nghề làm bánh.
Chị đầu tư một cái lò nướng nhỏ, một cái máy đánh trứng và một ít dụng cụ cần thiết… Tổng chi phí khi khởi nghiệp là 30 triệu đồng. Ban đầu bước chân vào nghề, chị nhận bánh online và bán chủ yếu qua mạng, truyền miệng. Cứ như vậy, sau thời gian, chị được biết đến nhiều hơn và quyết định mở tiệm bánh vào tháng 6/2020.
“Để kinh doanh, mở một tiệm bánh và trụ vững được, ngoài niềm đam mê, kiến thức ra các bạn cần có đạo đức, sự kiên trì, sức khỏe, thẩm mỹ và tư duy về bánh”, chị nhận định.
Vì đam mê bánh và thích sự sáng tạo nên chị luôn thay đổi và biến những chiếc bánh thành những chủ đề hay những câu chuyện khác nhau để mỗi ngày trôi qua với chị đều mới mẻ và không bị nhàm chán.
Chiếc bánh này nhiều người trầm trồ vì quá giống cây thật.
Những chiếc bánh siêu thực này đều được khách hàng đặt trước.
Chị bắt tay vào làm bánh nghệ thuật từ khi đã quen tay nghề. Theo chị, loại bánh nghệ thuật này chưa phổ biến ở Việt Nam, chị muốn đem nó tới gần gũi với mọi người và đó cũng là loại bánh mà chị rất yêu thích. Vì vậy, chị tập trung theo đuổi loại hình nghệ thuật này.
“Để làm bánh nghệ thuật cần nhiều công đoạn, từ cân chỉnh tỉ lệ rồi đến gọt, cắt, đục bánh cho đúng hình dáng mình mong muốn, chà kem rồi đến phủ kẹo đường, đi nét... Thường tôi mất khoảng gần 2 ngày cho 1 chiếc bánh có kết cấu khó và độ chi tiết cao”, chị chia sẻ.
Giá bán dao động từ 7 triệu đồng, độ khó, độ to, độ chi tiết sẽ nâng cấp giá của một chiếc bánh. Chị cho biết mỗi chiếc bánh làm ra đều là cả tâm huyết của chị nên chị rất trân trọng những tác phẩm của mình.
Khách thường sẽ phải đặt trước vài ngày để chị sắp xếp đơn đặt hàng cho phù hợp.
Thông thường, chị sẽ nhận làm theo yêu cầu của khách. “Khách hàng sẽ chia sẻ mong muốn, ý nghĩa mà họ muốn nhờ chiếc bánh truyền tải thông điệp cho ngày đặc biệt đó. Tôi sẽ lên ý tưởng thiết kế và bắt tay vào làm”, chị nói.
Những chiếc bánh nghệ thuật này không phải để ăn mà chị thường làm cho các triển lãm, trưng bày hoặc đem đi thi đấu. Ưu điểm của loại bánh này là khách đặt để trưng bày trong tiệc sinh nhật ngoài trời, có thể để được 6 - 7 tiếng mà không hư hỏng, kết thúc tiệc bánh mọi người có thể để trong nhà trưng để làm kỉ niệm luôn. Thời gian để trưng bày trong nhà cũng được khá lâu.
Do bánh làm thủ công rất mất thời gian, khách lại đặt hàng nhiều nên chị luôn trong tình trạng quá tải đơn hàng. Có những đơn bánh đơn giản, chị yêu cầu đặt trước 3 ngày. Còn những chiếc bánh phức tạp, yêu cầu độ khó cao cần đặt trước 1-2 tuần.
Nguồn: [Link nguồn]
Cây nhãn cổ thụ này được chủ nhân định giá gần 200 triệu đồng, nhiều khách hỏi mua nhưng chưa bán.