Làm loại hoa không bao giờ héo, cô gái Huế bán giá hàng triệu đồng/sản phẩm
Các sản phẩm này không chỉ bán ở thị trường trong nước mà còn bán được trên sàn thương mại điện tử quốc tế, xuất khẩu chính ngạch sang châu Âu.
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nước ta vào đầu năm 2020, công việc của chị Mây (Huế) bị ảnh hưởng. Chị phải trở về quê một thời gian.
Khi ấy, chị Mâu nhận thấy ở quê hương mình, làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên với hơn 400 năm gìn giữ ở Huế đang dần mai một. Chị mong muốn tiếp nối và phát triển cho làng nghề này được “bay” xa hơn.
“Về quê, tôi mới thấy những người phụ nữ nông thôn với mức thu nhập thấp, công việc thì bấp bênh, thậm chí không có việc làm. Rồi đến những người khuyết tật, họ muốn xin được một công việc để nuôi sống bản thân, có ích cho xã hội cũng không dễ dàng gì”, chị tâm sự.
Chị Mây giới thiệu các sản phẩm làm từ hoa giấy cho khách hàng tại một hội chợ ở Hà Nội.
Vì 2 lý do đó, chị quyết định nghỉ hẳn công việc ở thành phố với mức lương ổn định để trở về quê mong muốn tiếp nối và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Đồng thời, chị cũng muốn giúp đỡ những người phụ nữ, người khuyết tật ở quê hương mình.
Sự phản đối của gia đình là không thể tránh khỏi trước quyết định táo bạo này. Chị Mây cho biết bản thân đã vạch ra hướng đi rõ ràng cho kế hoạch của mình. Ban đầu, chị tự tìm hiểu và theo học những người nghệ nhân làm hoa giấy thủ công. Sau đó, chị thuê và truyền dạy cho những người phụ nữ và người khuyết tật làm nghề. Còn chị sẽ chuyển sang hướng thương mại hoá sản phẩm.
Những hộp quà tặng làm từ hoa giấy.
Xưởng hoa giấy nghệ thuật được thành lập từ đó, chị Mây - người sáng lập ra đã kế thừa, kết hợp hoa thủ công với nghệ thuật đương đại để tạo ra các sản phẩm vừa mang tính thẩm mỹ, vừa hợp thời đại.
Sản phẩm của chị sử dụng nguyên liệu chủ yếu là giấy và thép, gỗ làm khung. Hiện tại, chị làm rất nhiều sản phẩm từ hoa giấy như khung tranh, hoa cắm bình và hộp quà tặng.
Theo chị, các sản phẩm này làm khá đơn giản, khó nhất là khâu đào tạo con người. Vì những người làm việc này đều là những người chưa có tay nghề mà sản phẩm thủ công lại đòi hỏi phải có kỹ thuật và khéo léo. Vì vậy, để đào tạo một người làm sản phẩm ưng ý, chị cũng mất khá nhiều thời gian.
Chị làm cả hoa để cắm bình.
Thời gian làm ra một sản phẩm có thể 2-3 ngày và cũng có thể lâu hơn. Vì thời gian làm những sản phẩm mới lúc nào cũng lâu nhất, sau dần quen tay sẽ làm đơn giản hơn.
“Vì các sản phẩm mới chưa có kinh nghiệm, phải nghiên cứu và làm ra một mẫu chuẩn để những lần làm tiếp theo cứ theo chuẩn đó mà làm. Vì vậy, lần đầu làm sẽ lâu nhất, còn các lần sau sẽ nhanh hơn rất nhiều”, chị Mây thông tin.
Những bông hoa này đều được làm từ giấy và thép.
Bức tranh hoa sen được bán giá đến cả triệu đồng/sản phẩm.
Theo chị, một bức tranh hay hộp quà đẹp ban đầu phải đạt được yếu tố về kỹ thuật và đạt mẫu chuẩn của sản phẩm, sau đó đến tiêu chuẩn về đóng gói. Giá của sản phẩm phần nhiều phụ thuộc vào kích thước.
Một hộp quà nhỏ sẽ có giá khoảng 120.000 đồng/sản phẩm, một bức tranh có thể dao động từ 1 triệu đến hơn 3 triệu đồng/sản phẩm.
Hiện tại, các mặt hàng của chị ngoài bán thị trường trong nước còn được xuất khẩu chính ngạch sang châu Âu và trên sàn thương mại điện tử quốc tế.
Loại mứt này được làm từ rễ cây, giá bán lên đến gần triệu đồng/kg vẫn hút khách dịp Tết năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]