Kỳ lạ với tranh làm từ cây rêu, giá bán lên đến 50 triệu đồng/bức
Những bức tranh được làm hoàn toàn từ cây rêu xanh đã qua xử lý khiến nhiều người không khỏi tò mò, giá bán lên đến 50 triệu đồng/bức.
"Loại rêu được làm tranh là rêu bảo tồn. Đây là loại không cần chăm sóc, không bị phân hủy, phù hợp với người bận rộn nhưng muốn đem sắc xanh vào không gian sống. Khách hàng mua về chỉ cần treo lên và ngắm vẻ đẹp của chúng", anh Hoàng Tuấn Anh (Đống Đa, Hà Nội) nói về những bức tranh rêu.
Theo tìm hiểu, thú chơi rêu xanh xuất hiện từ rất lâu ở nước ta. Tuy nhiên, rêu chỉ là phần phụ trong một tác phẩm, dễ bị các thực vật khác lấn át. Anh Tuấn Anh muốn là một trong những người tiên phong phát triển ngành rêu nghệ thuật, đặc biệt là rêu bảo tồn, phục vụ những người muốn chơi nhưng không có thời gian chăm sóc.
Cách đây 3 năm, anh đã bắt đầu làm những bức tranh nghệ thuật từ rêu bảo tồn. Ban đầu, anh tìm đến thú chơi cây cảnh nhưng tìm hiểu sâu hơn, anh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến rêu.
Những bức tranh rêu này để được làm từ rêu bảo tồn.
Anh cho biết rêu làm tranh là rêu bảo tồn, đó là những lớp rêu đã được trải qua quá trình xử lý khác nhau, làm ngưng sự phát triển tế bào thực vật nhưng vẫn giữ được màu sắc, hình dáng và sự đàn hồi như rêu sống.
Để theo đuổi loại hình nghệ thuật mới này, anh Tuấn Anh đã phải tự tìm các tài liệu, tham gia hội nhóm nước ngoài để học hỏi và trao đổi.
“Thời gian đầu cũng có những thất bại do chưa có kinh nghiệm nên việc xử lý rêu sống, tính toán liều lượng các chất để bảo tồn, quá trình phơi chưa đạt chuẩn…”, Tuấn Anh chia sẻ.
Đến nay, anh cho biết việc xử lý bảo tồn những miếng rêu để làm sao cho chúng trông đẹp nhất cũng là một thử thách lớn với anh. “Việc bảo tồn rêu không hề dễ dàng và để làm miếng rêu có hình khối, màu sắc hay độ mịn tốt đòi hỏi người làm cần phải có kinh nghiệm”, anh nói.
Giá của mỗi bức tranh phụ thuộc vào yếu tố kích thước, hình dạng thiết kế và độ phức tạp, tính sáng tạo của sản phẩm.
Sau hai năm nghiên cứu và tạo ra sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, anh đã trình làng các bình Terrarium sử dụng rêu sống và các tác phẩm từ rêu bảo tồn, theo phong cách nghệ thuật hình khối và tối giản.
Với loại hình nghệ thuật này, vì rêu đã được trải qua một quá trình dài để bảo tồn nên người chơi sẽ không cần phải chăm sóc, chỉ cần treo lên và ngắm vẻ đẹp của sản phẩm.
Giá trị của một bức tranh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, hình dạng thiết kế và quan trọng nhất là độ phức tạp, tính sáng tạo của sản phẩm. Cửa hàng của Tuấn Anh đã làm một số tác phẩm cỡ lớn, bức lớn nhất hiện tại mà đội anh làm có kích thước gần 6m vuông, có giá lên tới hơn 50 triệu đồng.
Theo anh, một tác phẩm tranh rêu bảo tồn hoàn thiện cần trải qua 4 bước. Đầu tiên là loại bỏ toàn bộ đất, cát, vi sinh vật sống trên rêu tươi, để rêu ở trạng thái sạch nhất; Tiếp theo, sử dụng các chất bảo tồn, qua nhiều quá trình xử lý khác nhau để rêu rơi vào trạng thái "ngủ đông". Tiếp nữa, phơi để chất bảo tồn ngấm vào tế bào rêu. Cuối cùng là sáng tạo rêu thành các tác phẩm nghệ thuật.
Có bức tranh giá lên đến 50 triệu đồng.
Trong đó, quá trình phơi là khó nhất. Công đoạn này mất từ 5-7 ngày trong điều kiện có nắng và thời tiết hanh khô, nhưng nếu gặp ngày trời nồm ẩm, người thợ thiếu kinh nghiệm khiến rêu phơi chưa tới độ, dễ bị hỏng và phải làm lại.
Với những tác phẩm nhỏ, đội của anh có thể hoàn thiện trong ngày. Còn đối với các tác phẩm lớn, kích thước và độ phức tạp có thể ảnh hưởng tới tốc độ hoàn thiện sản phẩm, có những tác phẩm mất cả tháng trời để hoàn thiện.
Theo anh, tranh rêu chỉ là một phần trong nghệ thuật rêu bảo tồn. Với rêu bảo tồn, đội của anh còn sử dụng để trang trí bàn làm việc, bàn tiếp khách, kệ tủ, khay, một tác phẩm nghệ thuật tự nhiên hay thậm chí cả một căn phòng.
Những hộp quà Tết làm từ thịt nhập khẩu đang được nhiều người tìm mua cho năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]