Hết mùa mận hậu, anh nông dân vẫn có 30 tấn để bán với giá cao nhờ cách bảo quản này
Với cách bảo quản đặc biệt, anh nông dân này đã trữ được 30 tấn quả mận hậu để bán ra thị trường với giá cao hơn khi đã hết mùa.
Mận hậu Mộc Châu không chỉ được nhiều người yêu thích mà nó còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vào đúng mùa mận hậu là khoảng tháng 6 hàng năm, số lượng quả thu hoạch được rất nhiều, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn vậy nên sẽ có tình trạng giá thấp hơn so với mận hậu thu hoạch trái vụ.
Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản quê hương, anh Nguyễn Thành Trung - thành viên Ban chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc ở Mộc Châu (Sơn La), cho biết năm nay anh đã nghiên cứu ra cách bảo quản mận hậu được thời gian dài. Nhờ vậy, anh đã bảo quản 30 tấn quả mận hậu để bán ra thị trường với mức giá cao hơn chính vụ khi loại quả này đã hết mùa.
Đã 3 năm nay, cứ vào mùa mận chính vụ thu hoạch, anh sẽ thu về và phân loại, lựa chọn, làm sạch trước khi nhập kho. Mận nhập kho bảo quản theo công nghệ MAP - đây là công nghệ sử dụng màng bảo quản chuyên dùng để bảo quản thực phẩm và hoa quả xuất khẩu.
Mận hậu được bảo quản hơn 2 tháng vẫn cứng quả và đạt chất lượng tươi ngon.
Nói thêm về tiêu chí chọn quả mận trước khi bảo quản, anh chia sẻ cần phải có 3 tiêu chí: Thứ nhất, đó là quả cần phải thu tại những vườn mận không sử dụng thuốc diệt cỏ và không dùng thuốc giữ quả trên cây. Thứ 2, hình thức và chất lượng quả phải đảm bảo độ cứng, bề mặt lành, không quá chín, kích thước quả không quá nhỏ, không có vết sâu, ruồi châm. Thứ 3, trước khi bảo quản, bên anh cũng sẽ lọc sạch sơ bộ để đóng sọt nhập kho.
“Phương pháp bảo quản này đều dưới sự hướng dẫn của chuyên gia bảo quản Viện Cơ Điện Nông Nghiệp & Công Nghệ Sau Thu Hoạch. Năm đầu tiên làm, bên tôi cũng gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm về lựa chọn hàng, quản lý trước và sau nhập kho nên chỉ bảo quản thành công 50% lượng hàng nhập kho”, anh chia sẻ.
Sau 3 năm bảo quản, anh đã có kinh nghiệm và tỷ lệ bảo quản thành công đến 95%. Năm nay, bên anh bảo quản được 30 tấn mận hậu. Tính đến hiện tại đã tiêu thụ hết 26 tấn, trong đó có 6 tấn xuất qua nước Lào, ngoài ra bán cho các đầu mối chợ và hệ thống cung ứng hàng đi các siêu thị.
Hiện tại, anh đã tiêu thụ hết 26 tấn, còn 4 tấn trong kho đã có kế hoạch tiêu thụ hết.
4 tấn mận còn lại anh cũng đã có kế hoạch để tiêu thụ. Trong đó, một đối tác bao tiêu số lượng 3 tấn. Còn 1 tấn loại đẹp, anh dự kiến để lại đến đầu tháng 9 sẽ bán tại các điểm hội chợ, triển lãm tại Mộc Châu để dành cho du khách khi đến du lịch Mộc Châu mùa lễ hội 2/9 có thể thưởng thức.
“Thời gian bảo quản dài hay ngắn phụ thuộc vào 3 yếu tố: chất lượng mận đầu vào, nhiệt độ bảo quản và chất liệu màng bảo quản. Với cách bảo quản hiện tại của chúng tôi, thời gian bảo quản tốt nhất là 3 tháng. Năm nay, tôi đã bảo quản được 2 tháng và bắt đầu bán ra thị trường”, anh cho hay.
Mức giá bán hiện tại dao động từ 26.000 – 40.000 đồng/kg, tùy phân loại hàng theo kích thước quả. Mức giá này cao hơn trong vụ thu hoạch nhưng thấp hơn mận trái mùa hiện tại và đảm bảo an toàn cho người dùng. Mận trái mùa hiện tại đang bán giá 55.000 đồng/kg.
Nhờ cách bảo quản này, anh cho biết giá trị quả mận hậu được tăng lên 10-15% so với giá thị trường.
Anh cho biết toàn bộ số mận bảo quản đều được anh lấy từ vườn của hơn 20 hộ dân tại xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La). Theo anh, đây là những khu vực có vị trí xa trung tâm thị trấn, giá thành mận rẻ vào thời điểm chính vụ. Việc bảo quản mận cũng giúp dân tiêu thụ sản phẩm cao hơn từ 10-15% giá thị trường và đảm bảo độ an toàn cho mận đầu vào.
Tuy nhiên, anh cho biết việc bảo quản mận vẫn còn gặp khó khăn về đầu ra do thị trường chưa hiểu đúng về việc bảo quản, cộng với trên thị trường có một số đơn vị bảo quản kém và đẩy hàng kém chất lượng khiến các đầu mối kinh doanh lo ngại khi nhập hàng bảo quản.
Ngoài ra, yếu tố mùa vụ và thời tiết cũng ảnh hưởng đến chất lượng mận. Ví dụ như năm nay thời tiết không thuận lợi, vụ mận ngắn, quả mận gặp mưa đá bị sứt sẹo nhiều, lượng mưa lớn nên mận bị tích nước khiến cho việc thu và lựa chọn mận bảo quản cũng khó khăn và tốn kém hơn.
Loại quả này là đặc sản ở núi rừng Quảng Ngãi, kích thước bé xíu nhưng giá vô cùng đắt đỏ.
Nguồn: [Link nguồn]