Gom rác về làm thứ này rồi bán với giá cả triệu đồng/sản phẩm
Rảnh rỗi trong mùa dịch, người đàn ông này đã tìm cách chế tác bìa carton thành các sản phẩm độc đáo, giá bán khoảng trên 1 triệu đồng/sản phẩm.
Vốn là một thợ làm non bộ chuyên nghiệp, anh Nhật (trú tại An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) đã lấy bìa carton để tạo ra những hòn non bộ độc đáo. Anh kể khi dịch chưa diễn biến phức tạp, anh thường đi ra các vườn chế tác hòn non bộ để kiếm thu nhập. Đến nay, anh không thể ra vườn chế tác, ở nhà rảnh nên mới nghĩ đến việc sử dụng các nguyên liệu có sẵn trong nhà để làm vài món giả đá.
“Suy nghĩ mãi, tôi thấy chỉ có giấy làm là ổn nhất, không bụi bặm như mài đá, không bẩn như xi măng mà lại không nặng nề. Nguyên liệu trong nhà thì có sẵn như vỏ thùng mì tôm, giấy vệ sinh”, anh cho hay.
Bìa carton và giấy vệ sinh có sẵn trong nhà, anh Nhật nghĩ ra cách sử dụng để làm giả đá.
Vì đã có kinh nghiệm làm non bộ từ trước, mọi thứ anh làm cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Khó nhất là khâu đặt mua keo, vì dịch bệnh phức tạp, khâu vận chuyển ảnh hưởng nên anh đợi rất lâu mới có keo.
Chỉ mới bắt đầu làm một tháng, anh Nhật đã hoàn thiện được 2 sản phẩm non bộ từ bìa carton. Ngoài ra, một số sản phẩm khác vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Sản phẩm gần được hoàn thiện.
Do làm vào thời gian rảnh rỗi, anh mất khoảng vài ngày đến 1 tuần mới hoàn thiện xong một tác phẩm.
Theo anh, làm sáng tác tạo hình quan trọng nhất là bố cục, đòi hỏi người làm phải có kiến thức và nắm vững về bố cục xếp đặt. Với những người mới làm, chưa có kinh nghiệm nhiều về tạo hình non bộ, khâu này sẽ khó khăn nhất. Còn kỹ thuật sẽ mỗi người một cách, chủ yếu đơn giản và hiệu quả.
“Nếu chỉ tạo cảnh, không có mô hình kiến trúc, tôi mất tầm 1 ngày là xong. Còn làm kiến trúc thì tùy vào quy mô, chi tiết, có những mô hình mất khoảng 3 ngày, cũng có những sản phẩm phải mất cả tuần mới hoàn thiện”, anh cho hay.
Công đoạn làm tiểu cảnh bìa carton gồm lên ý tưởng, xây dựng cốt, tạo gân đá, bonsai, sơn giả đá, phối cảnh. Về ý tưởng, người làm có thể lấy ý tưởng có sẵn và phát triển thêm. Anh cho biết thường cảnh ngoài đời rất khó đưa lên tiểu cảnh do bị liên quan với những cảnh khác. Ví dụ như hòn trống mái, nhìn ngoài thì đẹp do nó nằm trong phông trời mây, nước nhưng đưa lên tiểu cảnh sẽ bị loãng. Vì vậy, người sáng tác phải phát triển thêm từ ý tưởng đó.
Tiếp đến, xây dựng cốt tức là tạo cốt thô, hình dáng cơ bản cho cảnh bằng chất liệu giấy cứng như carton hoặc giấy báo vo lại từng khối rồi xếp vào, liên kết bằng keo 502.
Mỗi sản phẩm anh bán giá trên 1 triệu đồng, không có giá cố định.
Còn công đoạn tạo gân đá, anh thường dùng giấy vệ sinh phủ lên cốt, lấy cọ chấm keo sữa đã pha loãng bằng nước rồi quét lên. Bước này mục đích cho giấy vệ sinh mềm ra, bám vào cốt. Đắp giấy và quét keo nhiều lớp cho đến khi núi đạt được độ lượn và đá nổi gân như ý là được. Khi keo khô sẽ đạt được độ cứng cần thiết.
Sơn giả đá: bước này anh sẽ tạo màu sắc cho đá theo ý muốn. Anh Nhật dùng sơn bột có pha keo và sơn nước để tạo màu nền, dùng màu để sơn phớt cho nổi gân. Công đoạn cuối cùng phối cảnh trên non bộ, anh sẽ gắn kiến trúc, trồng cây, cỏ. Nếu làm mô hình thì cây cỏ có thể làm với nguyên liệu là bông xốp.
Các mô hình non bộ này có thể sử dụng để trang trí trong nhà, làm đẹp không gian sống, thậm trí có thể sử dụng làm tiểu cảnh bể cá. Tuy nhiên, đây là sản phẩm làm từ giấy nên anh cho biết cần chú ý không để thấm nước, còn nếu muốn trang trí bể, hồ cá cần làm kỹ bước quét keo và làm thêm một lớp chống thấm nước trước khi sơn giả đá.
Anh cho biết những sản phẩm này có khách hàng đặt mua, có cả khách hàng người nước ngoài liên hệ, tuy nhiên do dịch Covid-19, anh gặp khó khăn trong khâu vận chuyển nên anh chưa bán. Giá bán mỗi sản phẩm từ 1 triệu đồng trở lên.
Nguồn: [Link nguồn]
Đang trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, chàng trai trẻ sinh năm 2000 đã kiếm thêm thu nhập từ sở thích cá nhân.