Ế ẩm, hàng nghìn con rắn hổ mang bị bỏ đói, người nuôi thua lỗ hàng tỷ đồng

“Hàng nghìn con rắn ở trong hầm, ăn thì không ăn được mà bán không ai mua. Nhiều nhà không có tiền mua thức ăn duy trì nên bỏ đói, chết gần hết. Bao nhiêu vốn liếng, công sức giờ đổ xuống sông xuống biển, thua lỗ hàng tỷ đồng”.

Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thuật, Chủ tịch Làng nghề nuôi rắn hổ mang Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) khi nói về tình hình của các hộ nuôi rắn trong thời gian gần đây trên địa bàn.

Theo ông Thuật, trước đây, rắn và trứng rắn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn. Có thời điểm rắn thịt lên tới 1,2-1,3 triệu đồng/kg, trứng rắn từ 50-70.000 đồng/ quả.

Hàng nghìn con rắn hổ mang bị bỏ đói vì người nuôi cả năm không có nguồn thu, không có tiền mua thức ăn.

Hàng nghìn con rắn hổ mang bị bỏ đói vì người nuôi cả năm không có nguồn thu, không có tiền mua thức ăn.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến toàn bộ rắn hổ mang cùng các sản phẩm từ rắn như trứng, xác rắn…không xuất khẩu được.

Vào đợt tháng 6/2020, nhiều hộ gia đình đã phải bán trứng rắn cho người dân hấp ăn với giá rẻ hơn cả trứng gà. Thậm chí có nhà còn phải đổ bỏ hàng nghìn quả trứng rắn, trị giá hàng tỷ đồng xuống ao vì không có người mua.

“Đầu năm thì hy vọng giữa năm dịch bệnh sẽ hết, giữa năm lại hy vọng cuối năm sẽ bán được hàng nên cho rắn ăn cầm chừng. Đến giờ thì như “chết” thêm lần nữa khi cả năm cho rắn ăn mất bao nhiêu chi phí cùng công chăm sóc mà vẫn không ai mua”, ông Thuật buồn bã nói.

Cả năm làng nghề nuôi rắn hổ mang ở Tứ Xã không có bóng dáng của thương lái đến mua.

Cả năm làng nghề nuôi rắn hổ mang ở Tứ Xã không có bóng dáng của thương lái đến mua.

Thay vì bán  với số lượng lớn thì đến nay, ông Thuật phải bán lẻ 1-2 con cho khách hàng có nhu cầu với giá chỉ từ 300.000 đồng/kg rắn thịt. Đồng thời, cách 10 ngày lại cho rắn ăn 1 bữa cầm chừng, chờ lên giá.

Đầu tư khu chuồng trại với 2 chuồng bệt và 1 chuồng tầng với chi phí hơn 1 tỷ đồng để nuôi rắn nhưng ông Nguyễn Hồng Quang, trú tại khu 5 xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ) cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi rắn cứ ngày một lớn mà vẫn không xuất bán được con nào.

“Đàn rắn cả nghìn con trong chuồng nhà tôi nuôi được gần 5 năm rồi nhưng trứng rắn thì không ai mua, rắn thịt cũng không xuất đi được. Cứ đà này nếu tháng 6 tới không bán được thì chắc là giải nghệ, không nuôi nữa. 11 năm tích cóp, đầu tư, đam mê với nghề giờ coi như mất hết”, ông Quang thở dài.

Hàng ngàn con rắn hổ mang bị bỏ đói, thậm chí có nhà bị chết hàng nghìn con rắn do không được cho ăn.

Hàng ngàn con rắn hổ mang bị bỏ đói, thậm chí có nhà bị chết hàng nghìn con rắn do không được cho ăn.

Gắn bó với nghề nuôi rắn hổ mang từ năm 1996, đến nay đã được 25 năm nhưng ông Nguyễn Văn Xuân, trú tại khu 7 xã Tứ Xã phải bán tháo đàn rắn cho một số hộ dùng để nấu cao.

“Riêng tiền giống đã ần 2 tỷ đồng, chưa kể tiền đầu tư chuồng trại vì năm này qua năm khác, khi bán rắn được tiền lãi là tôi lại mở rộng diện tích chuồng nuôi. Có bao nhiêu đầu tư vào nuôi rắn hết”, ông Xuân nói.

Cả năm không bán được con rắn nào, không có tiền mua thức ăn duy trì, ông Xuân đã bỏ đói đàn rắn hổ mang 2.000 con suốt nhiều ngày liền. Khi chạy vạy được tiền mua thức ăn cho chúng ăn thì đàn rắn đã chết mất quá nửa. Tiếc tiền, tiếc công, mong vớt vát được đồng nào hay đồng ấy, ông Xuân đã bán tống bán tháo số rắn còn lại với giá 100-150.000 đồng/con.

Rắn hổ mang hiện tại được bán với giá chỉ 100-150.000 đồng/con để nấu cao, trong khi trước đây lên tới 1,2-1, triệu đồng/kg.

Rắn hổ mang hiện tại được bán với giá chỉ 100-150.000 đồng/con để nấu cao, trong khi trước đây lên tới 1,2-1, triệu đồng/kg.

“Trước đây, mỗi con rắn nặng khoảng 2kg được thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc với giá hơn 1 triệu đồng/kg. Vậy mà hiện tại, con to nhất cũng chỉ bán được 150.000 đồng, những con còn lại thì chỉ được 100.000 đồng/con. Biết trước dịch bệnh thế này thì năm ngoái tôi đã cho vào nấu cao tất rồi ”, ông Xuân cho hay.

Những ngày cuối năm, đi từ đầu làng đến cuối làng nghề nuôi rắn hổ mang nức tiếng một thời khi xưa là khung cảnh ảm đạm, tiêu điều chưa từng thấy. Hàng loạt cửa hàng, quán ăn bán các món đặc sản từ rắn đều đóng cửa do không có khách qua lại, nhà nhà cửa đóng then cài vì không có bóng dáng của thương lái về mua.

Thời điểm rực rỡ nhất, các hộ nuôi rắn hổ mang xuất cả trăm vạn trứng và hàng tấn rắn thương phẩm sang Trung Quốc nhưng hiện tại thì không có ai mua.

Thời điểm rực rỡ nhất, các hộ nuôi rắn hổ mang xuất cả trăm vạn trứng và hàng tấn rắn thương phẩm sang Trung Quốc nhưng hiện tại thì không có ai mua.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thuật cho rằng, mong muốn lớn nhất của tất cả những hộ dân nuôi rắn hổ mang ở Tứ Xã bây giờ là dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng được đẩy lùi, người dân được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng để giảm bớt khó khăn cho người dân làng nghề nuôi rắn.

Nguồn: [Link nguồn]

Một Hợp tác xã nuôi đàn rắn hổ mang cực độc lên tới 30.000 con

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Chế biến rắn Thịnh Hưng (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN