Độc nhất Việt Nam: Nghệ nhân dệt lụa từ tơ sen, bán giá đắt như vàng
Để làm ra một chiếc khăn dài 1,7m, nghệ nhân cần tới 4.800 cuống sen, cả thời gian tách tơ, thêu họa tiết phải kéo dài hàng tháng trời mới hoàn thiện. Hiện tại, giá một chiếc khăn lụa tơ sen dao động khoảng 8 triệu đồng.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận (68 tuổi, Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) không còn là cái tên xa lạ khi đã nhiều lần gây tiếng vang lớn với những phát kiến hữu ích về lụa như: phương pháp bắt tằm tự dệt chăn tơ hay là người đầu tiên ở Việt Nam dệt vải bằng tơ sen.
Trải qua hơn 3 năm nghiên cứu, phát triển và cho ra mắt thị trường những sản phẩm lụa tơ sen cao cấp, thương hiệu lụa tơ sen bà Thuận dần được khẳng đinh. Đến nay, không chỉ dừng lại ở khăn quàng cổ, bà Thuận còn tạo ra nhiều sản phẩm vô cùng “hợp thời” với loại lụa đặc biệt này.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận (68 tuổi, Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) là người đầu tiên ở Việt Nam dệt vải từ tơ sen.
Trong công xưởng rộng khoảng 500m2, người phụ nữ 68 tuổi vẫn thoăn thoắt đưa thoi dệt vải. Trong đó, nhiều sản phẩm lụa do bà Thuận sản xuất gây tiếng vang và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Lụa tơ sen là một loại vải được dệt bằng sợi kéo từ cuống sen – phần thường bị coi là “vô dụng” của cây sen. Do đặc tính phức tạp và thâm dụng lao động trong việc dệt tơ, loại lụa này được coi là một trong những loại vải đắt nhất thế giới.
Bà Thuận cho biết, vải tơ sen tuy có đẹp và nhiều ưu điểm song các công đoạn sản xuất thì rất cầu kỳ và hoàn toàn phải làm thủ công. Trong đó, khó nhất là việc lấy sợi tơ từ cuống sen.
Với một chiếc khăn dài 1,7m, nghệ nhân cần tới 4.800 cuống sen.
Mỗi thân sen về được đưa vào bể rửa sạch bùn và tuốt hết gai để thuận tiện cho quá trình rút sợi.
Cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp. Để lấy được tơ, nghệ nhân Thuận phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, sau đó dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Công đoạn này phải diễn ra khéo léo, không cắt quá sâu nếu không sẽ làm đứt luôn sợi tơ bên trong.
“Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi, hỏng hoàn toàn”, bà Thuận cho biết.
Các sản phẩm từ lụa tơ sen bền, đẹp, mát và có thể làm thành túi, vỏ bọc sổ sách, đồ trang trí trong nhà… trong đó được ưa chuộng nhất vẫn là khăn quàng cổ. Với một chiếc khăn dài 1,7m, nghệ nhân cần tới 4.800 cuống sen, cả thời gian tách tơ, thêu họa tiết phải kéo dài hàng tháng trời mới hoàn thiện.
Hiện tại, giá một chiếc khăn lụa tơ sen dao động khoảng 8 triệu đồng.
Vải tơ sen tuy có đẹp và nhiều ưu điểm song các công đoạn sản xuất thì rất cầu kỳ và hoàn toàn phải làm thủ công.
Cũng vì giá thành đắt nên hiện nay, sản phẩm này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Những năm thuận lợi, xưởng sản xuất của bà cũng chỉ làm được khoảng 12 chiếc khăn lụa tơ sen, người tiêu dùng muốn mua phải đặt trước vài tháng.
Không chỉ thế, khi sen hết mùa, xưởng của nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng không thể sản xuất ra loại khăn từ loại tơ đặc biệt này. Vì thế việc dệt lụa từ tơ sen vẫn chỉ là việc làm thời vụ, chưa thể đưa vào sản xuất đại trà, nhân rộng.
Bà Thuận dành trọn vẹn hai năm để vừa nghiên cứu, vừa thử nghiệm với loại lụa mới tinh ở Việt Nam.
Không chỉ tạo ra những sợ tơ mền mại, bà Thuận còn tận dụng được phần cuống sen bị bỏ đi, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường. Bà Thuận kỳ vọng việc sản xuất tơ sen sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân trong làng.
Trên thế giới, Myanmar được xem là nước đầu tiên có nghề dệt vải lụa từ tơ cọng lá và cọng hoa sen. Nghề dệt vải lụa thủ công từ tơ sen của nước này có từ khoảng năm 1910 và khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) – cực nam của hồ Inlay với sản phẩm ban đầu là tấm áo cà sa dâng lên các nhà sư trụ trì trong vùng.
Đánh giá về việc dệt lụa từ tơ sen, PGS.TSKH Nguyễn Duy Chuyên (Viện Kinh Tế Sinh Thái, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, đây là kết quả tích cực trong con đường tạo dựng một nghề tơ lụa từ cây sen. “Chúng tôi mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ủng hộ để nghề mới phát triển thành một làng nghề cho những vùng đất ngập nước của Việt Nam”, ông Chuyên nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài ra, ở quê hương của giống xoài này còn có nhiều loại xoài độc đáo khác với hương vị cực kỳ hấp dẫn.