Đem củ “rẻ tiền” đi phơi khô rồi bán giá cao hơn gấp 10 lần vẫn đắt hàng
Chỉ cần cắt nhỏ và đem phơi khô, loại củ này có giá cao gấp hơn 10 lần giá trị của nó khi còn tươi.
Loại củ được nhắc đến ở đây là củ cải trắng. Trên thị trường, loại củ này đang vào vụ thu hoạch, được bày bán rất nhiều tại các chợ dân sinh, siêu thị. Giá bán chỉ dao động từ vài nghìn đồng đến dưới 20.000 đồng/kg. Nhưng khi đem đi cắt nhỏ, phơi khô, giá của củ cải trắng lên tới hơn hơn 200.000 đồng/kg vẫn không có hàng bán.
“Hàng phơi khô này có thể để được lâu, sử dụng được vài tháng nên người dân rất ưa chuộng. Họ thường đặt cả cân đến vài cân một lần để ăn dần. Có lần số lượng đặt nhiều quá, khách phải đợi vài ngày mới có hàng”, chị Đào Đoàn – một người bán củ cải trắng khô ở Tây Hồ (Hà Nội) cho hay.
Củ cải trắng được cắt nhỏ và đem đi phơi khô, bán với giá lên đến 230.000 đồng/kg.
Chị cho biết gia đình chị ở Thái Bình đã trồng được số lượng lớn củ cải trắng. Đến vụ thu hoạch, việc tìm đầu ra cũng khá khó khăn nên nhà chị quyết định cắt nhỏ và phơi ra để bảo quản ăn dần và đem cho.
“Sau này, nhiều người biết đến và đặt mua, tôi bắt đầu bán cho người quen rồi đến người lạ. Số lượng đặt hàng ngày càng nhiều, mỗi năm tôi chỉ có khoảng 20kg củ cải khô để bán ra thị trường, ai đặt muộn quá mà hết hàng thì phải đợi đến cuối năm sau”, chị nói.
Theo chị, củ cải trắng đúng mùa lạnh sẽ ngọt và không bị đắng, ăn cũng rất giòn. Còn trái mùa, loại củ này sẽ không còn ngon nữa nên nhà chị không làm khô để bán. Vì thế, hàng chỉ có bán trong vòng 1-2 tháng cuối năm.
Chị chia sẻ thêm củ cải khô có 2 loại với giá cả khác nhau. Loại 1 là củ cải khô sợi nhỏ dài giá chỉ 200.000 đồng/kg, còn loại thứ 2 là được gọt vỏ và bổ thành miếng sẽ có mức giá là 230.000 đồng/kg. Giá thành củ cải khô ổn định qua các năm chứ không lên xuống thất thường.
Dù giá cao, khách hàng không đặt mua sớm cũng không còn hàng vào những ngày cận Tết.
Sở dĩ củ cải khô có giá đắt đỏ như vậy, chị lý giải: “Để làm được một kg củ cải khô bán ra thị trường, nhà tôi phải mất 20kg củ cải tươi. Hơn nữa, sản phẩm này làm tốn nhiều công sức và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu không có kinh nghiệm và cách làm, khó có thể làm được thành phẩm”.
Đó là chưa kể không phải củ cải nào cũng có thể làm được mà phải chọn những củ vừa phải, không quá to và già... để đảm bảo sản phẩm làm ra ngon, ngọt, giòn và không bị xốp.
Sau khi làm xong, củ cải được phơi khô sẽ đóng vào túi nilon, bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát, tránh để gió ẩm, đặt biệt là gió đông. Vì loại củ cải khô này không có chất bảo quản nên rất dễ mốc và hỏng. Và sản phẩm này chỉ dùng trong 3-4 tháng là tốt, ngon nhất. Khi để lâu quá, củ cải khô sẽ biến thành màu vàng rồi đen sậm và hỏng.
Khi ăn, người dùng ngâm nước 20-40 phút, tùy loại sợi hay miếng. Sau đó, củ cải khô được rửa sạch 2-3 nước và đợi ráo rồi chế biến. Củ cải khô có thể dùng làm món xào, nộm, kho... hoặc có thể ngâm mắm đường để dùng cả năm. Chị nhận định, những món ăn được làm từ củ cải khô được nhiều người ưa chuộng vào dịp Tết vì dễ ăn và không ngán, ngấy.
Cùng với chuyện thịt heo tăng giá, hàng loạt các mẫu thời trang in hình thịt heo được người tiêu dùng quan tâm thích thú.
Nguồn: [Link nguồn]