“Tôm bay” giá 250.000 đồng/kg được săn lùng, dân buôn bán cả tạ mỗi ngày
Được coi là “tôm bay” bởi những con châu chấu có nguồn gốc từ khắp các cánh đồng thôn quê trở thành món nhậu đắt đỏ tại nhà hàng với giá từ 200-300.000 đồng/ đĩa. Việc săn bắt châu chấu góp phần bảo vệ mùa màng và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Những năm gần đây, món “tôm bay” đã trở thành đặc sản xuất hiện trên bàn nhậu mỗi khi hè đến. Tại các chợ online dạo gần đây đang rầm rộ rao bán các loại châu chấu với giá từ 160-250.000 đồng/kg, mỗi bài viết thu hút hàng trăm lượt quan tâm đặt hàng. Loại động vật chuyên “phá hoại” này bỗng dưng được nâng tầm thành đặc sản của đồng quê có mặt trên bàn nhậu.
Mỗi đĩa châu chấu bán tại nhà hàng có giá từ 200-300.000 đồng.
Rao bán đặc sản “tôm bay” trên chợ online, chị Vinh (trú tại Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết, có nhiều loại châu chấu như châu chấu tre, châu chấu voi, châu chấu lúa… nhưng ngon nhất và đắt nhất là loại châu chấu lúa, khoảng 250.000 đồng/kg.
“Khi còn sống, châu chấu lúa có màu xanh lá, khi luộc qua sẽ có màu vàng nhạt, ăn béo, thơm và ngậy. Châu chấu tre là loại rẻ nhất, khoảng 130.000 đồng/kg, có màu vàng cam nhưng ăn không thơm và ngon bằng”, chị Vinh nói thêm.
“Vào mùa lúa hàng năm, châu chấu như một loại “giặc cỏ” phá hoại mùa màng. Mấy năm gần đây, cứ mỗi khi thu hoạch xong lúa người dân trong xóm lại rủ nhau ra đồng bắt châu chấu. Họ đi thành từng nhóm 3-4 người, một đầu dùng lưới giăng thành khung cao khoảng 2 mét, dài hàng chục mét, đầu ruộng bên kia dùng dây buộc các loại túi bóng lùa châu chấu vào lưới”, chị Vinh chia sẻ.
Người dân giăng lưới bắt châu chấu lúa.
Theo đó, mỗi mẻ lưới, người dân thu về 8-10kg châu chấu, mỗi buổi sáng đi bắt dọc khắp các cánh đồng trong khoảng 3 tiếng sẽ thu hoạch được khoảng 25-30kg.
“Có đội đi bắt sáng, có đội bắt chiều, mỗi buổi họ có thể kiếm được cả triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là công việc thời vụ, mỗi mùa châu chấu chỉ kéo dài 15-20 ngày là hết. Đội “săn" châu chấu đi khắp các cánh đồng, nắng nôi vất vả và phải có kỹ thuật, không dễ như mọi người nghĩ”, chị Vinh nói.
Sau khi thu mua châu chấu về, chị phải chần qua nước sôi rồi thuê người vặt cánh cẩn thận với giá 12.000 đồng/kg, sau đó ướp đá và giao cho các nhà hàng với giá 220 – 250.000 đồng/kg. “Vì lượng khách quá đông nên tôi chỉ bán buôn chứ không bán lẻ. Có bao nhiêu tôi bán hết bấy nhiêu, mỗi ngày từ 1-2 tạ. Ai mua phải đặt trước từ 2-5 ngày vì tùy thuộc vào thời tiết và số lượng châu chấu người dân bắt về”, chị Vinh chia sẻ.
Châu chấu lúa có màu xanh lá khi còn sống, được coi là loại châu chấu ngon nhất và đắt nhất.
Châu chấu sau khi mua về sẽ được chần qua nước sôi và thuê người vặt cánh với giá 12.000 đồng/kg.
Vừa cầm túi châu chấu mới mua được trên tay, chị Lê Trang (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, mình phải đặt hàng 3-4 ngày mới có, tính cả phí ship là 280.000 đồng, đắt ngang với tôm sú loại 30 con/kg nhưng vẫn rẻ hơn nhiều lần so với đi ăn ở nhà hàng. Hơn nữa, loại “đặc sản” này chỉ có theo mùa, không phải lúc nào cũng mua được.
“Tôi mua về, luộc qua rồi vặt cánh, rút ruột bên trong và cho vào chảo đảo đều với mỡ lợn đến khi châu chấu ngả sang màu vàng cánh gián thì nêm thêm gia vị, ớt, tiêu, xả, hành tăm… Đảo đến khi châu chấu có màu nâu bóng, thơm giòn thì rắc thêm chút lá chanh thái nhỏ, thơm lừng, ngon vô cùng mà giá chỉ bằng 1/3 so với nhà hàng. Vì ở nhà hàng, mỗi đĩa họ bán từ 200-300.000 đồng mà chỉ khoảng 3 lạng thôi”, chị Trang chia sẻ.
Những con châu chấu béo ngậy, thơm lừng trở thành đặc sản có giá khá đắt đỏ phục vụ cho “dân nhậu”.
Theo tìm hiểu của PV, châu chấu lúa còn gọi là trách mãnh, tên khoa học là Acrida cineria thuộc họ châu chấu Arididae, sống khắp nơi trên ruộng lúa, nương ngô, lạc, đậu, trong lùm bụi, đám cỏ, cây ăn quả và cây công nghiệp. Về thành phần hóa học, châu chấu lúa chứa tới 24,3% protid, 3,6% lipid, 210mg% P, 0,4mg% Fe và cung cấp 133 calo/100g thịt.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Bảy, Trưởng Bộ môn Bệnh học - Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM, món ăn được chế biến từ châu chấu không chỉ làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể, mà còn có tác dụng chữa một số bệnh như dị ứng, ngứa hay vàng da.
Nguồn: [Link nguồn]