Chỉ làm thời vụ, các cụ già ở Hải Phòng cũng kiếm gần 10 triệu đồng/tháng nhờ việc này
Công việc vừa sức lại cho thu nhập đến gần 10 triệu đồng không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người cao tuổi mà còn giúp họ có “quỹ hưu” để yên tâm tuổi già.
Năm nay, giá cau tươi cao chưa từng có, lên đến mức từ 70-90 nghìn đồng/kg. Không chỉ người trồng cau đếm cân tính tiền, mỗi tạ cau có giá cả chỉ vàng, những lò sấy cau hoạt động hết công suất mà người cao tuổi tại huyện Thủy Nguyên lại chờ đón việc vặt cau, phân loại cau tại các lò sấy cau quanh nhà.
Công việc vặt cau và phân loại cau tại các lò sấy cau trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên chủ yếu là lao động thời vụ.
Giống như bao miền quê khác, thanh niên trong làng đều thoát ly đi làm tại các thành phố lớn hoặc khu công nghiệp, người cao tuổi thường quanh quẩn ở nhà với vài sào ruộng, mảnh vườn. Thế nhưng, nhờ cau được giá, mỗi lò sấy cau cần một lúc đến vài chục lao động thời vụ để vặt cau, phân loại cau nên các cụ già ở đây lại làm không hết việc.
Mùa cau năm nay, lò sấy cau của chị Đỗ Thị Nhung tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười trò chuyện. Trên khoảng sân rộng gần 100m2, hàng chục người đang vừa vặt cau, phân loại cau vừa vui mồm vài câu chuyện gia đình. Điều đặc biệt là hầu hết người làm ở đây đều đã lớn tuổi.
Mỗi ngày thu nhập của các bà cao tuổi ở lò sấy được từ 100-500 nghìn đồng.
Công việc vặt cau, nhặt cau nhẹ nhàng, vừa sức như được “đo ni đóng giày” cho người cao tuổi nơi đây. Đến mùa, cau được giá, các bà lại háo hức tập trung đến các lò sấy cau để làm.
Lọ mọ nhặt những quả cau còn sót lại giữa đống râu cau, bà Đỗ Thị Toan 74 tuổi, ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên cho biết, mỗi tháng, bà có thu nhập khoảng 5 triệu đồng nhờ vặt cau.
“Ở nhà, ngồi không cũng yếu, tôi sang lò sấy có việc gì nhẹ thì làm. Công không được gần 10 triệu đồng/tháng như những người mới ngoài 60 tuổi nhưng công việc nhẹ nhàng, vừa sức, vừa được làm cùng bà con hàng xóm nên tôi thấy vừa vui vừa khỏe”, bà Toan nói.
Đến mùa cau, các bà lại làm không hết việc, thu nhập có thể được gần 10 triệu đồng/người/tháng.
Ngồi bên đống cau vừa sấy ra lò, tay thoăn thoắt nhặt riêng từng loại cau theo kích cỡ to, nhỏ, tại lò của anh Nguyễn Văn Trung ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, bà Vũ Thị Được (61 tuổi), trú tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên cho biết, mỗi ngày bà có thu nhập khoảng 300 nghìn đồng nhờ vặt cau thuê.
“Thường các lò sấy cau trả công vặt cau khoảng 50 nghìn đồng/tạ. Mỗi ngày mọi người thường nhặt được từ 5-6 tạ cũng cho mức thu nhập đến 300 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, còn được lo hết chi phí ăn uống và cơm trưa nên tiền công mọi người được cầm hết về mà không phải mất chi phí khác.
Mùa cau kéo dài khoảng 2- 3 tháng, tôi cũng có thêm được khoản tiền dưỡng già. Nếu không đi vặt cau thì tôi cũng ở nhà, quanh quẩn là hết ngày”, bà Được nói.
Ngoài vặt cau tươi thì người già còn giúp nhặt và phân loại cau sau khi ra lò.
Cũng đi vặt cau thuê, bà Nguyễn Thị Tình, trú tại xã Kênh Giang cho biết, mỗi sào ruộng cấy, bà chỉ thu được 4 tạ thóc một năm. Bán đi được khoảng hơn 4 triệu đồng. Nếu trừ tất chi phí máy cày, máy gặt, giống, phân bón, thuốc trị bệnh thì một năm bà chỉ để ra được vài trăm nghìn đồng.
Tuy nhiên, với nghề vặt cau hiện tại, mỗi ngày các bà cũng được trả từ 200-300 nghìn đồng. Chưa kể, chủ lò thường có cả những suất ăn thêm như xôi, chè, hoa quả, nước uống đầy đủ nên gần như không mất chi phí. Bà chủ động làm vừa sức nên vừa vui, khỏe lại ấm bụng món tiền giắt lưng.
Mỗi lò sấy cau cần đến hàng chục người nhặt cau, vặt cau và phân loại cau.
Anh Nguyễn Văn Trung, chủ lò cau xã Cao Nhân cho biết, ngoài 2 thợ chính phụ trách việc sấy cau, anh phải thuê thêm gần 40 lao động vặt cau làm khoán theo sản phẩm, chủ yếu là các cụ già cao niên trên địa bàn. Mỗi ngày, các cụ có thể kiếm được từ 100-200 nghìn đồng nhờ vặt cau, ai nhanh tay có thể kiếm được từ 400-500 nghìn đồng.
Theo thông tin từ lãnh đạo UBND xã Cao Nhân, trên địa bàn xã có tới hơn 1000 người tham gia làm nghề cau. Số người trên 60 tuổi tham gia còn nhiều hơn thế với mức thu nhập bình quân là 10 triệu đồng/tháng/người.
Ông Đỗ Khắc Thiện - Chủ tịch Hội nông dân xã Kênh Giang cũng cho biết, nghề vặt cau đã đem lại công việc cho hàng trăm người cao tuổi nơi đây với mức tiền công từ 5-10 triệu đồng/tháng/người.
Trước những lò sấy cau, những xe cont xếp hàng dài, cứ lò nào ra mẻ cau sấy vừa kịp nguội đã được sàng lọc, đóng cont, chuyển đi Trung Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]