Chàng trai trẻ dùng thứ này đan thành các đồ dùng, có sản phẩm bán giá vài triệu
“Tôi luôn quan niệm đâu nhất thiết phải là phụ nữ mới đan được nên tôi bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp đan và cho ra các sản phẩm như mâm cơm, túi xách, túi ủ ấm…”.
Đó là những chia sẻ của anh Nguyễn Văn Phụng (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội). Sinh ra và lớn lên tại làng nghề mây tre đan, anh thấu hiếu những nỗi vất vả của bố mẹ, sớm nắng chiều mưa từng ngày đan hàng chỉ đủ để nuôi mấy người con ăn học.
“Nhưng dần dần, xã hội hiện đại, đồ thủ công của làng nghề dần mai một đi. Người ta dần dần lãng quên đi những nghề truyền thống, những công việc chân tay mà thay vào đó là những công việc dùng máy móc.
Vì vậy, tôi luôn nghĩ mình phải làm cái gì đó để lưu giữ những nghề truyền thống, các đồ thủ công đến gần hơn với mọi người. Nên tôi quyết định học và theo nghề đan của gia đình, làng quê mình”, anh chia sẻ.
Anh Phụng muốn tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.
Anh cũng tự tay làm ra các sản phẩm để bán ra thị trường.
Trước đây, anh cũng từng mơ ước sẽ được làm nghề nọ, chức kia nên đã học và tốt nghiệp một ngành mà anh yêu thích. Ra trường, anh đi làm gần nhà được khoảng 1 năm.
“Nhà vẫn đang làm nghề đan phụ kiện từ mây, tre, guột… nên tôi thử đăng bán online kiếm phụ thêm cho gia đình. Từ việc bán hàng, tôi bắt đầu học cách đan để phụ bố mẹ lúc rảnh rỗi”, anh chia sẻ.
Thời gian đầu, anh cho biết bán chủ yếu online, tiếp cận khách hàng trong nước. Được một thời gian, anh mở rộng thị trường, bán cho khách sỉ và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Do mặt hàng này thủ công, giá khá cao nên cũng kén khách. Giá mỗi sản phẩm từ vài chục đến hàng triệu đồng/sản phẩm. Lượng hàng bán ra cũng bấp bênh, không ổn định, mỗi tháng anh bán từ vài trăm đến vài nghìn sản phẩm ra thị trường.
Anh cho biết các sản phẩm này khá kén khách.
Sở dĩ các sản phẩm thủ công này giá cao bởi làm rất mất thời gian, có sản phẩm mấy ngày, thậm chí mất cả tháng mới đan xong, giá nguyên liệu thì thay đổi từng ngày. Nếu tính ra trừ các chi phí, công người làm cũng không cao.
Chưa kể, nghề này cũng không hề dễ dàng. Ngoài tình yêu nghề, người làm cần chịu được đau tay, kiên trì và rất tỉ mỉ. Nguyên liệu làm các sản phẩm này là sợi mây, sợi guột nên rất dễ làm đứt tay nếu người làm không cẩn thận. Và không phải ai cũng làm nghề này được, có những sản phẩm phải là nghệ nhân lâu năm mới có thể làm được.
Anh giờ bán ra thị trường cho khách lẻ, khách sỉ và xuất sang Trung Quốc.
Mỗi tháng anh bán từ vài trăm đến vài nghìn sản phẩm.
Để làm ra sản phẩm, anh cho biết cần trải qua một số công đoạn như chọn nguyện liệu, kích thước phù hợp với mẫu hàng mình đang định làm, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để đan, khi làm xong sẽ sử dụng keo hàng cho cứng lại. Khi sản phẩm đã hoàn thiện, người làm cần lấy khúc gỗ rọt để hàng đc thằng và phẳng đẹp, xong đem đi xử lý chống mốc, mọt. Sau đó, phải đem hun cho lên màu và phơi nắng để khô keo, cuối cùng là cắt tỉa các đầu sợi thừa và đóng gói gửi đi.
Theo anh, đó là những mẫu đại trà, còn có những mẫu yêu cầu kỹ thuật cao cần phải trải qua nhiều khâu khác nữa.
Thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng xưởng nếu như các sản phẩm của anh tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Những bức tranh được làm hoàn toàn từ cây rêu xanh đã qua xử lý khiến nhiều người không khỏi tò mò, giá bán lên đến 50 triệu đồng/bức.