Chàng phụ hồ làm cây tí hon nhìn như thật, khách liên hệ mua ầm ầm
Nếu chỉ nhìn qua, nhiều người còn tưởng là cây thật. Khách hàng liên hệ đặt mua nhiều nhưng người làm vẫn từ chối.
Anh Lê Mỹ Dặm (sinh năm 1992, đang sinh sống tại TP.HCM) là một người con xa quê hương đến thành phố làm phụ hồ kiếm sống. Xa quê, anh luôn nhớ về những gì gắn liền với nơi chôn rau cắt rốn. Cả tuổi thơ của anh gắn liều với cây cỏ, hoa lá, cánh đồng… Những thứ liên quan đến thiên nhiên luôn khiến anh nhớ về thời thơ ấu chăn trâu, cắt cỏ…
Cách đây 5 năm, anh vô tình xem được hình ảnh, video của người nước ngoài về cách làm cây khô. “Tôi thấy thú vị và có cảm xúc, muốn làm các cây có nhiều ở nước mình”, anh chia sẻ.
Do thuê trọ ở vùng ngoại ô TP.HCM, cây cỏ, đồng ruộng nhiều, anh bắt đầu lên ý tưởng, ra ngoài tìm các nguyên vật liệu để làm như bẹ chuối khô, gốc cây tranh, xơ dừa… về hiện thực hóa ý tưởng.
Cây đu đủ anh mới làm trong thời gian nghỉ dịch gần đây..
“Vì tôi là dân tay ngang, không qua trường lớp đào tạo nào nên mọi thứ khá khó khăn, từ cách làm đến việc phối màu, tô màu sao cho giống thật nhất”, anh chia sẻ.
Thời gian đầu mới làm, anh phải bỏ rất nhiều tác phẩm của mình vì anh cho rằng chúng không có “hồn”. Sau một thời gian, anh đã học hỏi các anh, chị dân nghệ thuật về cách phối và tô màu và cũng đúc rút kinh nghiệm qua từng sản phẩm. Đến nay, mọi thứ dần trở lên dễ dàng hơn.
Trước, anh cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện một sản phẩm, phần vì bận đi làm phụ hồ, phần khác chưa thành thạo làm. Đến nay, dịch bệnh khiến anh không thể đi làm được, anh có nhiều thời gian rảnh và đã quen tay nên chỉ mất 3-4 ngày để hoàn thiện 1 cây ít lá như đu đủ, dừa…, khoảng 7 ngày để hoàn thiện cây nhiều lá và tán như tre, mít, bơ…
Anh cho biết sản phẩm quan trọng nhất là "hồn" của nó nên có cảm xúc mới làm được.
Mỗi cây này anh thường làm ít nhất mất 3-4 ngày.
Ban đầu, anh chỉ dự định làm sản phẩm này để thỏa mãn niềm đam mê. Tuy nhiên, khi chia sẻ lên mạng xã hội, anh lại nhận được rất nhiều lời khen ngợi và ngỏ ý hỏi mua, có hàng trăm tin nhắn hỏi mua sản phẩm. Tuy nhiên, anh vẫn chưa bán vì anh cho rằng nhiều người vẫn chưa hiểu đúng giá trị của sản phẩm.
“Vì cây làm hoàn toàn thủ công nên mỗi cây tôi làm mất ít nhất 3-4 ngày mới hoàn thiện nên giá bán khá cao. Nhưng không phải ai cũng hiểu đúng giá trị của nó”, anh chia sẻ.
Anh cho biết dù thời điểm này kinh tế có khó khăn thật nhưng anh lại thường nhắn tin từ chối, không nhận làm vì sợ khi nói giá khiến mọi người thất vọng và có suy nghĩ không tốt về anh. Vì vậy, anh mong muốn mọi người nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị tác phẩm mà người làm thủ công tạo ra bởi nó không chỉ là mồ hôi, công sức mà còn là cả tâm huyết, linh hồn của người ấy đặt vào.
Do thời gian làm lâu, mỗi sản phẩm thường bán giá cao.
Có lần anh từ bỏ nghề phụ hồ để theo đuổi đam mê nhưng không thành công.
Thời gian tới anh chưa có dự định gì để phát triển thêm mảng này, anh chủ yếu vẫn muốn làm chỉ để thỏa mãn đam mê.
Theo anh, các sản phẩm này khó nhất là mạch cảm xúc. Anh Dặm cho rằng mạch cảm xúc quyết định rất nhiều vào việc thổi “hồn” vào từng tác phẩm. Vì vậy, lâu lâu anh có cảm xúc mới làm được. “Gần đây, ngồi phòng trọ buồn quá, tôi nhìn ra ngoài thấy cây đu đủ. Tôi có cảm xúc và làm ngay lập tức”, anh cho hay.
Điều đặc biệt của sản phẩm là mỗi cây làm ra sẽ sử dụng những nguyên liệu phù hợp, liên quan đến cây đó. Cụ thể, anh làm cây chuối sẽ lấy bẹ chuối khô để làm thân, cây tre sẽ lấy những gì liên quan đến tre, hay cây café thì cũng tận dụng bột café rang xay, cây dừa thì cũng sử dụng một phần nguyên liệu xơ dừa…
Vào tháng 3/2020, anh từng từ bỏ công việc phụ hồ để theo đuổi đam mê. Anh cùng người bạn mở xưởng làm những sản phẩm này bán ra thị trường, nhưng nhiều lý do khác nhau khiến xưởng này hoạt động được 5 tháng là tan rã. Đến nay, anh chưa từng nghĩ trong tương lai sẽ bỏ việc để theo đuổi đam mê mà sẽ vẫn tiếp tục công việc phụ hồ, kiếm tiền thỏa mãn sở thích của bản thân.
Nguồn: [Link nguồn]
“Giá rau rẻ còn 1.000 – 2.000 đồng/kg thế này, tôi chẳng muốn cắt đi để bán, tiền bán không đủ tiền công cắt”.