Cáy mật chân đỏ vị ngọt thơm như cua đồng, các bà nội trợ đua nhau mua về nấu canh, làm mắm
Cáy mật càng to, màu đỏ có lông, thịt ngọt lại nhiều gạch, nước thơm, giá đắt ngang cua đồng nhưng vì loài này là hoàn toàn tự nhiên nên khách đã ăn là thích mê.
Nếu với người dân đồng bằng, những con cua đồng là thân thuộc, đặc biệt ngày nóng bức không thể thiếu những bát canh cua mồng tơi, hay riêu cua ăn rau sống với bún thì người dân miền nước ngập mặn ở Nam Định, Thái Bình lại gắn bó với những con cáy chân đỏ, nhìn giống cua nhưng chạy nhanh hơn, hung tợn hơn cua, đặc biệt cũng ngọt nước và thơm ngon không kém cua đồng.
Chị Lan Anh, một đầu mối bán cáy ở Nam Định chia sẻ: "Cáy là đặc sản của quê mình. Loài này sống ở những vùng nước ngập mặn. Từ cuối tháng 3 tới tháng 10 âm là mùa cáy, buổi tối nhà nào cũng kéo nhau đi soi bắt cáy. Người bắt được ít thì chỉ đủ nhu cầu ăn của gia đình. Nếu chịu khó, 1 đêm sẽ bắt được tầm chục cân, sáng mai mang chợ bán rất đắt khách. Hoặc các tiểu thương như mình sẽ tới tận nơi thu mua".
Cáy chân đỏ, nhìn giống cua nhưng chạy nhanh hơn, hung tợn hơn cua, đặc biệt cũng ngọt nước và thơm ngon không kém cua đồng
Theo như chị Lan Anh chia sẻ thì cáy cũng có nhiều loại nhưng ngon nhất là cáy mật, mình nhỏ càng to đỏ, chân nhỏ có nhiều lông nhưng nhiều thịt. Loại nhỏ thì 30 đến 40 con/kg, loại to khoảng 20 đến 25 con/kg. Mật cáy nhiều gạch đặc biệt nấu rất thơm nên cáy mật lúc nào cũng đắt khách.
Tuy nhiên khác với cua, cáy là loài hung dữ, tính tự vệ rất cao. Mỗi khi thấy tiếng động là chúng lập tức đưa càng lên cắp nên để bắt được cáy, thợ bắt phải nhanh tay và đeo bảo hộ là găng tay loại dày. Ban ngày cáy thường ẩn trong hang, thấy tiếng người là lẩn vậy nên mới có câu "nhát như cáy".
"Chế biến cáy cũng dễ như làm cua, khi bắt cáy về chúng ta ngâm trong nước khoảng 1 tiếng cho sạch đất cát rồi bóc bỏ yếm là cáy hết hôi. Sau đó sẽ bóc mang, lấy gạch và mang phần thân, càng cáy giã nhuyễn, cho thêm chút muối vào giã cùng giúp khi lọc thịt cáy sẽ kết lại nhiều, nấu lên canh cáy thơm ngon, đậm vị hơn".
Chị Lan Anh là đầu mối thu mua cáy mật của người dân địa phương rồi chuyển lên Hà Nội: "Một tuần mình sẽ chuyển cáy lên Hà Nội 2 lần, trung bình mỗi lần khoảng 1.5 tạ cáy. Trong đó chủ yếu là cáy mình đã làm sạch cấp đông bán với giá 155.000/kg đến 160.000/kg, tùy từng thời điểm. Mình cũng bán cả cáy sống với giá 170.000/kg vì còn phải trừ phí hao hụt cáy chết khi vận chuyển đường dài.
Cáy được rao bán khá nhiều trên chợ mạng
Thời điểm này là cuối mùa nên cáy sẽ có giá cao hơn. Khách không chỉ mua cáy về nấu canh, nhiều người còn mua cả chục kg cáy sống về làm mắm ăn quanh năm. Mắm cáy chấm rau luộc thay nước mắm thì ngon tuyệt cú mèo", tiểu thương này cho hay.
Không chỉ Nam Định, Thái Bình cũng nổi tiếng với mắm cáy. Chị Ngân ở Tiền Hải, Thái Bình kể: "Biển Tiền Hải quê mình nhiều cáy nên từ nhỏ mình chỉ ăn cáy chứ hầu như không ăn cua đồng. Mùa hè nhà mình hôm nào cũng nấu canh cáy với mồng tơi, rau đay hoặc nấu riêu. Đặc biệt là quê mình có đặc sản mắm cáy chấm rau khoai lang luộc, hương vị hấp dẫn vô cùng".
Mắm cáy chấm rau khoai lang luộc là 1 món đặc sản của vùng quê Thái Bình
Là người sinh ra ở Hà Nội, mới biết tới cáy, chị Hồng ở Ba Đình cho hay: "Thấy người ta rao bán cáy trên chợ mạng nhìn hay mắt, mình mua 2 kg về nấu canh thấy ngọt nước, vị thơm ngon như cua đồng. Thậm chí mình ăn thấy thích hơn cua vì cáy là loài sống tự nhiên, ăn không hề có mùi tanh như cua".
Chị Thanh ở Ngọc Hồi, Hà Nội kể: "Mình biết tới cáy cách đây 2 năm, được người bạn ở Nam Định cho 3 kg. Ăn thấy thích hơn cua nên từ đó cứ tới mùa là mình lại nhờ bạn ấy mua giúp chục cân về để nấu canh mồng tơi và làm mắm cáy chấm thay nước mắm, ăn vừa an toàn lại vừa ngon".
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ cần biết “khai thác” đúng cách, bạn có thể biến những loài có hại này thành cần câu cơm “hái ra tiền”.