Bỏ gần chục triệu để sở hữu củ bình vôi nặng 3 người khiêng
Củ này có kích thước khá lớn, nặng tận 63kg, anh Quý (Huế) đã cất công đi hàng trăm km để mua, vận chuyển về với giá gần chục triệu đồng.
Anh Lê Văn Quý (Huế) là người đang sở hữu củ bình vôi nặng 63kg. Anh cho biết đây là củ bình vôi đỏ, anh mua từ năm ngoái với giá gần chục triệu đồng từ Bình Thuận. Với sở thích sưu tầm những đồ độc lạ, anh quyết định mua và vận chuyển nó về nhà để ngắm cho vui.
Hiện tại, giá củ bình vôi đỏ bán trên thị trường đề chữa bệnh khoảng hơn 200.000 đồng/kg. Qua đó, anh định giá củ bình vôi nặng 63kg của mình phải có giá lên tới 15 triệu đồng. Tuy nhiên, anh không hề có ý định bán nó cho ai.
Củ bình vôi nặng 63 kg đang được anh Quý (Huế) sở hữu.
“Tôi nghĩ cái gì cũng có cái duyên, biết đến và mua được cũng là một cái duyên nên cứ để vậy ngắm chơi. Tôi chưa có ý định bán cho ai cả, dù có trả giá cao tôi cũng không bán”, anh cho hay.
Hiện, củ bình vôi đỏ khổng lồ được anh Quý để trên một chiếc ghế trưng bày ngoài cổng nhà. Vì anh tìm hiểu và biết được loại củ này có đặc điểm sống trên núi đá vôi nên anh mới để nó trên chiếc ghế như vậy để tránh bị thối. “Nếu không biết cách chăm sóc, củ này sẽ hỏng, trở thành thứ vứt đi”, anh nhận định.
Hàng ngày, anh vẫn thường xuyên ra ngắm, chăm sóc củ bình vôi đỏ khổng lồ. Theo anh, loại củ này không cần chăm sóc nhiều, chỉ cần vài ngày tưới nước một lần và thi thoảng dùng phân tan chậm nhập khẩu để bón. Vì vậy, củ mọc những nhánh nhỏ, lên rất xanh tốt.
Anh cho biết củ bình vôi có 2 loại là đỏ và trắng. Loại trắng phổ biến hơn nên việc tìm kiếm cũng không quá khó khăn. Ngược lại, bình vôi đỏ khá hiếm nên việc gặp và mua được củ bình vôi đỏ khổng lồ này thực sự là cái duyên, không phải ai cũng có.
Hiện, củ bình vôi được anh trưng bày ngoài cổng.
Nhìn vẻ bề ngoài, 2 loại này khá giống nhau, đều có thân hình phình to. Cách phân biệt nhanh, đơn giản nhất là nhìn mủ của chúng. Chỉ cần cắt dây của chúng, củ bình vôi trắng sẽ có mủ màu trắng, còn loại kia có mủ màu đỏ như máu.
Anh cho biết thêm củ bình vôi đỏ của anh sở hữu rất tròn, nặng. Việc cân và vận chuyển củ này cũng là điều không hề dễ dàng. Anh phải nhờ tới 3 người trưởng thành khỏe mới khiêng được củ lên, và vận chuyển về Huế cũng là quá trình khá tốn kém.
Sau 1 năm chăm sóc, củ bình vôi đỏ đã mọc các nhánh nhỏ, xanh tốt. Anh cho biết bản thân cũng không có ý định cân thử vì sợ hư cây, tốn công sức mà không giải quyết vấn đề gì. Anh cứ để trước cổng để ngắm những lúc rảnh rỗi.
Cây mọc nhánh xanh, tốt sau một năm chăm sóc.
Theo tìm hiểu, cây bình vôi là dạng cây dây leo, chỉ có một đoạn thân giáp với mặt đất phình to ra. Nhiều người nghĩ đây là củ của cây, nhưng đó lại là thân, nếu gọi đúng tên phải là dây bình vôi. Lá bình vôi hình trái tim, mọc so le. Hoa nhỏ, màu xanh nhạt. Quả hình cầu, chín màu đỏ, hạt hình móng ngựa.
Từ những năm 1940, nhà khoa học Bùi Đình Sang đã tìm ra môt hoạt chất quý trong củ bình vôi và đặt tên cho nó là: Rotundin.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà Khoa học Liên xô, Rotundin có tác dụng an thần, gây ngủ, chống co quắp và hạ huyết áp. Ngoài ra, hoạt chất này có tác dụng bổ tim, trấn kinh, đặc biệt là rất ít độc.
Trong đó, tác dụng rõ rệt nhất của Rotundin là an thần, giúp ngủ ngon. Tuy nhiên, việc dùng với liều lượng cao sẽ gây kích thích thần kinh trung ương dẫn đến co giật. Vì thế, người dùng không nên sử dụng tùy tiện để tránh gây ngộ độc.
Loại ốc đặc biệt này khiến nhiều người lùng sục tìm mua dù giá lên đến hàng triệu đồng một con.