Bất ngờ xuất hiện loại ốc lạ thơm mùi thuốc Bắc được chị em lùng mua
Những con ốc này có mình dẹp, miệng loe, thức ăn chính của chúng là những loại cây cỏ mọc hoang trên núi, trong đó có cả những cây thuốc quý nên khi ăn có vị thơm đặc biệt.
Nếu như người tiêu dùng khá quen thuộc với các loại ốc sống ở vùng nước ngọt như ốc vặn, ốc nhồi hay các loại ốc biển như ốc hương, ốc móng tay thì những năm gần đây, các bà nội trợ lại tìm mua bằng được loại ốc lạ, sống trên cạn và có vị thuốc Bắc.
Ốc núi có hình dáng khá lạ thu hút chị em nội trợ.
Chỉ xuất hiện vào mùa mưa hàng năm nên dù có giá khá cao, từ 70-100.000 đồng/kg nhưng loại ốc này vẫn thu hút sự quan tâm, đặt mua của đông đảo chị em.
Chị Chu Thị Thủy, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, chị được ăn loại ốc này khi đi du lịch Ninh Bình cách đây 5 năm và không thể quên được mùi vị đặc biệt của nó. Vì vậy, cứ đến mùa ốc núi là chị lại tìm mua bằng được về chế biến.
“Đợt đó tôi đi thăm rừng Cúc Phương, thấy người dân bán nhiều lắm nhưng không biết cách ăn. Khi về khách sạn thì được thưởng thức món ốc núi xào me rất đặc biệt, ăn một lần mà nhớ mãi. Con ốc mình dày, ăn bùi bùi, giòn, ngon lại hơi thoang thoảng mùi thuốc Bắc”, chị Thủy nói.
Mỗi kg ốc núi có giá từ 70-100.000 đồng.
Là loại ốc hiếm lại khá lạ nên muốn mua, chị Thủy phải đặt trước cả tuần với giá từ 70-100.00 đồng/kg tùy đợt. Dù ốc núi có giá cao ngang ngửa với các loại ốc biển và đắt gấp nhiều lần ốc vặn nhưng chị Thủy vẫn tìm mua.
Anh Nguyễn Huy Cường, người chuyên thu mua ốc núi khu vực huyện Tam Điệp (Ninh Bình) cho biết, ốc núi thường có ở các thung ở vùng núi đá vôi vì chúng sống trong hang đá, dưới lớp lá dày và ăn các lá cây rừng, trong đó có các loại thuốc quý.
Loại ốc này chỉ xuất hiện vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Thời gian còn lại, chúng ngủ đông dưới lớp lá khô hoặc khe đá.
“Ốc núi thường chui ra kiếm ăn vào ban đêm, nhất là sau những cơn mưa rào. Muốn bắt được ốc, người dân thường đi theo nhóm từ 2-4 người trong vài ngày, trèo đèo lội suối, tay cầm đèn pin và bao tải, khi nào đủ chuyến họ mới ra khỏi rừng và mang đến điểm thu mua”, anh Cường nói.
Ốc núi hấp xả và lá chanh.
Theo anh Cường, tùy vào thời tiết mà số lượng anh thu mua được ít hay nhiều. Vào những ngày nắng nóng, ốc ẩn sâu dưới lớp lá dày hoặc vào khe đá nên khó bắt, có ngày chỉ được vài cân nhưng sau mỗi trận mưa lớn, có người bắt được cả chục kg sau 1 đêm.
Giá ốc núi cũng cao thấp tùy đợt, như những năm trước, ốc khai thác được chỉ phục vụ khách du lịch và các nhà hàng, khách sạn, homestay. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19 nên ốc được anh thu mua của bà con “đi rừng” về rồi giao buôn cho các đầu mối của các tỉnh với giá từ 60-80.000 đồng/kg để bán lẻ cho người dân.
Loại ốc này có ruột khá to, khi ăn có mùi thơm của thuốc Bắc.
Nói về các món chế biến từ ốc núi, anh Cường cho hay, khi sơ chế, không cần ngâm lâu bằng nước sạch như các loại ốc khác mà chỉ cần rửa sạch lớp vỏ rồi chế biến và ăn cả ruột.
“Ngon nhất và giữ được đúng vị nhất của ốc núi là món ốc núi hấp lá gừng, tiếp đến là xào xả ớt, xào me hoặc nướng. Thịt ốc núi dai, giòn, bùi bùi, ngọt ngọt, thậm chí có con còn hơi nhặng nhặng đắng, tùy thuộc vào loại lá thuốc chúng ăn vào. Vì vậy khi thưởng thức, cần nhai kỹ để cảm nhận đầy đủ hương vị đặc biệt của loại ốc này”, anh Cường nói thêm.
Mỗi quả mít chỉ to bằng nắm tay nhưng sau lớp vỏ đầy gai là chi chít những múi màu vàng ươm, đẹp mắt, thu hút sự quan...
Nguồn: [Link nguồn]