Bất ngờ loại quả mọc hoang trên rừng được lùng mua dù giá đắt hơn nho Mỹ
Những quả nho mọc dại trên rừng khắp các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung, Tây Nguyên chỉ bé chỉ bằng đầu ngón tay út, có màu tím sẫm, vị chua được các bà nội trợ lùng mua về ngâm rượu với giá lên đến 180.000 đồng/kg.
Nếu như nho 3 màu nhập khẩu từ Mỹ về được bày bán tại các siêu thị lớn có giá chỉ từ 119.000 đồng/kg thì loại nho rừng này được rao bán với giá lên đến 180.000 đồng/kg, thậm chí một số cửa hàng còn không đủ hàng bán vì quá nhiều người mua.
Vừa lúi húi đóng từng thùng nho nặng gần 80kg gửi cho khách chị Phương Sao (trú tại Buôn Đôn, Đắk, Lắk) vừa cho biết, cây nho rừng là loại cây mọc hoang ở bìa rừng thuộc dạng cây dây leo có sức sống mãnh liệt, mùa khô nó co mình lại, mùa mưa phát triển tốt tươi và đơm bông kết trái, cho thu hoạch quả chín từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch.
Loại nho mọc hoang ở bìa rừng trở thành đặc sản bán với giá cao tại Hà Nội.
“Nho này rất sai quả, mỗi chùm có thể nặng từ 2-3kg, khi xanh ăn chua lắm, thậm chí còn bị ngứa ở cuống họng và có vị chát nhưng rất thơm. Khi chín, từng chùm nho trĩu quả từ màu xanh chuyển sang màu đỏ thẫm và tím đậm, đỡ chua hơn và có vị ngọt lợ lợ được người dân dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu uống”, chị Phương Sao nói.
Theo chị Phương, mấy năm trước rất ít người hỏi mua loại nho này, tuy nhiên mấy năm gần đây các mối buôn hoa quả ở một số tỉnh lân cận và cả ngoài Hà Nội bắt đầu lùng mua và đặt hàng số lượng lớn.
Nho rừng Tây Nguyên rất sai quả, khi chín có màu đỏ đậm, vỏ mỏng.
“Những quả rừng này rất sạch, có người hỏi mua là tôi báo một số người hay đi rừng là đồng bào Ê đê các xã lân cận đi hái. Mỗi người có 1 chiếc gùi, hái đầy gùi là họ mang đến cân, nếu chăm chỉ mỗi người hái được cả triệu đồng. Nho về đến đâu tôi bán hết đến đó, có ngày 5-6 tạ mà khách cũng đặt hết”, chị Phương cho hay.
Mỗi chùm nho rừng Tây Nguyên có thể nặng từ 2-3kg.
Bán nho rừng tại Hà Nội với giá 180.000 đồng/kg, chị Lê Thùy Dương (trú tại Ba Đình) cho biết, khác với nho rừng khu vực Tây Nguyên, nho rừng Tây Bắc có quả nhỏ xíu được gọi là nho tiêu, chùm nho cũng thưa quả và nhỏ hơn, vỏ dày, ăn có vị chua và chát.
Sở dĩ nho rừng có giá đắt như vậy là do khâu vận chuyển và bảo quản khá tốn kém. Đi hái cũng phải chọn những ngày nắng ráo để quả nho không bị ướt, khi vận chuyển xuống Hà Nội cũng phải thật cẩn thận kẻo rất dễ dập nát và hỏng.
Theo chị Dương, nho rừng dù giá cao hơn cả nho Ninh Thuận, thậm chí đắt hơn cả nho Mỹ nhưng có rất nhiều người tìm mua. “Tôi nhập về được có 2 tạ vậy mà khách mua một lúc là hết, sợ không nhập được hàng nữa nên tôi không dám nhận đơn tiếp”, chị Dương chia sẻ.
Nho rừng Tây Bắc thưa quả, chùm nhỏ và màu tím - Ảnh: Lê Thùy Dương.
Khoe bình rượu nho vừa ngâm xong, chị Mai Khôi (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân chị quê ở Quảng Nam rồi ra Hà Nội học Đại học và lấy chồng nên hơn 20 năm nay chị mới lại thấy quả nho rừng.
“Trước đây quê tôi nhiều lắm, nho rừng xanh dùng để nấu canh chua và kho cá, quả chín thì ngâm đường, ngâm rượu uống quanh năm. Nho rừng ngâm có màu tím rất đẹp, vị chua và thơm hơn nho ta, hơn nữa lại là quả mọc tự nhiên nên rất sạch và yên tâm”, chị Khôi phân tích.
Theo chị Khôi, khi chọn mua nho rừng nên chọn quả chín, cuống còn tươi, không bị dập nát rồi mang về rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng trong 1-2 giờ rồi mới cho vào ngâm.
Nho rừng ngâm đường - Ảnh: Lê Thùy Dương.
“Việc ngâm nước muối pha loãng vừa đảm bảo diệt được một số vi khuẩn, vi trùng lại khiến cho quá trình ngâm rượu nho không bị nát. Nếu ngâm đường thì mỗi lớp nho đổ 1 lớp đường, lớp đường trên cùng đổ dày hơn một chút. Nếu ngâm rượu thì cho nho vào hũ, thêm đường phèn rồi đổ ngập rượu, đậy nắp kín, để khoảng 2-3 tháng là dùng được”, chị Khôi cho hay.
Theo nhiều nghiên cứu khi ngâm với rượu quả nho có vị ngọt, chua, tính bình; có tác dụng bổ khí huyết, cường gân cốt, lợi tiểu tiện, nhuận tràng, lợi tiêu hoá. Nho rừng còn chứ hàm lượng cao chất xơ và hàng chục chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách giúp làm tăng số lượng tế bào loại Gama và Delta T trong cơ thể.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ xưa đến nay, bào ngư được coi là loại hải sản “nhà giàu” bởi mỗi kg có giá hàng triệu thậm chí hàng chục triệu...