Bài học cay đắng của người từng “ôm” 7 tỷ đồng, hùn vốn mua một chậu lan đột biến
“Suốt hơn 2 năm qua, biết bao nhiêu lần tôi bay vào Bình Phước để đòi số tiền 7 tỷ đồng mà mình từng hùn vốn, cổ phần mua một chậu lan nhưng họ không trả. Ngoài ra, số lan còn lại trong vườn nhà tôi vẫn nằm im, không ai mua”.
Đó là chia sẻ của anh Đặng Văn Cường, trú tại Uông Bí (Quảng Ninh) về bài học cay đắng của mình khi “ôm mộng” làm giàu, đổ tiền vào chơi lan đột biến.
Anh Cường cho biết, vào năm 2020, khi thấy thị trường xuất hiện những giao dịch lan đột biến hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng, bản thân anh thừa nhận mình là một “tay mơ”, không hề biết gì về lan nhưng cũng chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư, mong làm giàu.
Từ một người chưa từng chơi lan, anh Cường đổ hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng để mua những chậu lan đột biến.
Từ số tiền vài trăm triệu đồng, anh Cường tiếp tục vay mượn, cầm cố toàn bộ nhà cửa, xe cộ, vay cả lãi ngoài để lấy tiền mua lan đột biến.
“Vì mới chơi nên tôi không biết gì về lan. Sau khi được một số người chơi lan giới thiệu một “tay” chơi lan khét tiếng ở Bình Phước, tôi liền liên hệ và chuyển 1 tỷ đồng để mua 1 mắt ngủ 5 cánh trắng Vô Thường vào ngày 2/7/2020. Tháng 3/2021, tôi lại tiếp tục chuyển 7 tỷ đồng cho họ để chung cổ phần mua cây 5 cánh trắng Đại Cát”, anh Cường kể.
Theo anh Cường, chậu lan Đại Cát khi đó được giới chơi lan định giá khoảng 70 tỷ đồng. Số tiền 7 tỷ đồng anh bỏ ra chỉ là cổ phần của 1/10 chậu hoa này.
Cùng với tiền mua mắt ngủ 5 cánh trắng Vô Thường trước đó, tổng là 8 tỷ đồng anh chuyển cho vườn lan ở Bình Phước là anh cầm cố nhà cửa, xe cộ để vay ngân hàng, đồng thời anh phải vay cả lãi ngoài để có tiền đầu tư vào lan đột biến.
Mầm lan có giá 1 tỷ đồng được anh Cường mua vào năm 2020.
Sau đó chỉ 2 tháng, khi lan đột biến vẫn còn đang sốt giá nhưng do không thể gồng gánh được tiền lãi ngân hàng, anh Cường đã xin rút cổ phần và vườn lan đang giữ cây đồng ý cho rút vốn không có lãi. Đồng thời họ muốn mua lại ki Vô Thường của anh Cường với giá 1,6 tỷ đồng.
“Mắt ngủ Vô Thường tôi mua với giá 1 tỷ đồng khi ấy đã lên ki, giá thị trường khoảng 2 tỷ đồng nhưng tôi đồng ý để lại cho họ với giá 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, 1/10 cây Đại Cát là 7 tỷ đồng lúc đó nếu bán đã có lãi nhưng tôi chỉ nhận đủ gốc, không cần đồng lãi nào. Tổng là 8,6 tỷ đồng. Vợ chồng họ hẹn 1 tuần sau chuyển tiền nhưng lại mất tăm”, anh Cường nói.
Thoả thuận hoàn toàn bằng miệng, chuyển tiền qua tài khoản cá nhân để đầu tư nhưng gần 1 năm sau, vào giữa năm 2022, giá lan đột biến tụt dốc không phanh, từ những chậu lan từng được giao dịch với giá hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng bỗng rẻ như rau, bán không ai mua.
Anh Cường từng bỏ ra số tiền 7 tỷ đồng để góp mua 1/10 cổ phần chậu lan đột biến 5 cánh trắng Đại Cát. (Ảnh minh hoạ).
Số tiền 8,6 tỷ đồng nhà vườn kia hứa trả sau 1 tuần nhưng hơn 2 năm sau anh Cường vẫn không được hoàn lại mặc dù thoả thuận rút vốn từ khi lan còn đang sốt giá.
“Tôi bay ra bay vào, đi lại giữa Quảng Ninh – Bình Phước không biết bao nhiêu lần. Đến tận tháng 4/2023 họ mới chịu trả 2 tỷ đồng cho tôi, số còn lại là 6,6 tỷ đồng thì họ định quỵt luôn”, anh Cường mệt mỏi nói.
Không chỉ vậy, sau khi thị trường lan đột biến lao dốc, số lan trong vườn anh Cường có giá trị hàng chục tỷ đồng cũng không có ai mua. Một vài chậu tiền tỷ anh cũng không buồn chăm sóc nên cho bớt hoặc nằm chết khô trên giá.
Sau thời gian "sốt giá", vườn lan hàng chục tỷ đồng của anh Cường bán không ai mua.
Thời gian gần đây, thấy thị trường lại tiếp tục nóng lên với những giao dịch lan tiền tỷ, anh Cường cho rằng, câu chuyện của anh chỉ là một là bài học cay đắng trong hàng trăm, hàng nghìn người từng mang tiền đầu tư vào lan đột biến nhiều năm trước.
Vì vậy, theo anh Cường, những người không am hiểu về thị trường thì không nên “ôm mộng” làm giàu, xuống tiền đầu tư vào lĩnh vực này, tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, không những không có lãi mà chính số tiền mình đầu tư cũng có nguy cơ mất trắng.
Trao đổi với PV, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật cảnh TP. Hà Nội cho biết, sau một thời gian bị đóng băng, thị trường lan đột biến đã có sự sàng lọc nhất định.
Hiện tại, những nhà vườn lớn và những người sưu tầm lan nhiều năm bắt đầu có những hoạt động giao lưu, trao đổi trở lại trên cơ sở một số địa phương công nhận lan là một loại cây đặc hữu, đưa cây lan vào xây dựng thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, nếu liên tục xuất hiện các giao dịch lan đột biến với giá trị cao đến khó tin thì người tiêu dùng nên cẩn trọng, tránh để bị cuốn vào một “làn sóng" làm giá lan đột biến mới.
“Người tiêu dùng nên nhìn vào bản chất của thị trường, tránh để những “giao dịch ảo” mang tính thổi giá, “lùa gà" dẫn dắt tư duy của mình", ông Vương Xuân Nguyên cảnh báo.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau cơn sốt lan đột biến cách đây 2 năm, đột nhiên một số tài khoản Facebook đăng bán lan đột biến với giá vài chục tới hàng trăm triệu đồng. Theo nhiều người, đây chỉ là “chiêu trò” thổi giá.