9x làm thứ mật “lạ” từ quả chuối, mỗi tháng bán 300 lít
Loại mật này được làm từ phương pháp ủ lên men tự nhiên nên bị ảnh hưởng rất lớn từ điều kiện thời tiết và khó bảo quản.
Vốn dĩ ai cũng thích ăn những quả chuối chín cây, nhưng khi chúng chín là sẽ chín hàng loạt, khó ai có thể ăn hết và cũng không thể vận chuyển được vì nó sẽ rất dễ rụng và nát.
“Tiếp nữa, tôi theo con đường nông nghiệp hữu cơ, không bón thúc phân hoá học và chăm sóc đều đặn nên trái chuối có mẫu mã không đẹp nhưng lại rất ngọt và thơm. Mà chuối sạch bán cho thương lái thì không ai biết đến nhiều để lan toả”, anh nói.
Những quả chuối chín tự nhiên được lựa chọn làm mật chuối.
Nhận thấy nhược điểm đó của chuối, anh Phan Huy Hoàng (30 tuổi, quê ở Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã nghĩ đến việc làm mật chuối để việc vận chuyển trở nên dễ dàng hơn mà vẫn đảm bảo nhiều dinh dưỡng cho người sử dụng.
Một lý do nữa khiến anh làm mật chuối đó là sự liên kết với chăn nuôi trong chuỗi cơ sở làm các sản phẩm nông nghiệp từ hữu cơ của anh. Anh cho rằng quả chuối có thể làm các món như ép dẻo, sẩy quả, phơi khô… nhưng làm mật chuối sẽ có mối liên kết và mang lại hiệu quả nhất cho chăn nuôi.
“Mật chuối muốn làm ra phải ủ lên men nên sẽ có bã, bã này cực kỳ tốt cho hệ tiêu hoá của gà, lợn… giúp tạo chất lượng thịt rất thơm, ngon và phân thải của chúng không hôi. Mà tôi nuôi cả gà, lợn nên việc làm mật chuối rất hợp lý. Tôi đã sử dụng phân của chúng để bón lại cho khu vườn chuối mà không sử dụng phân hoá học”, anh nói.
Anh cho biết phần bã chuối sau khi làm mật sẽ cho gà, lợn ăn.
Chia sẻ về cách thức làm mật chuối, anh Huy Hoàng cho biết chuối chín cây được thu hoạch về sẽ được bóc hết lớp vỏ, phần ruột sẽ để lên men tự nhiên. Vì sử dụng chuối chín cây nên đảm bảo được độ ngọt, độ thơm của chuối và mùi của chúng rất dễ chịu.
Sau một thời gian lên men, chúng ta sẽ thu về được loại mật chuối có màu sắc hơi trắng đục và có 1 ít bột chuối, còn phần bã sẽ sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi.
Loại quả này được ủ lên men hoàn toàn tự nhiên nên phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và gặp khó khăn trong khâu bảo quản.
Tuy nhiên, anh cho biết làm mật chuối sẽ gặp những khó khăn nhất dịnh. Vì là sản phẩm lên men nên 90% phụ thuộc vào nguyên liệu. Tuy nhiên, để lên men tự nhiên thì lại cực kì khó khăn trong bảo quản, nói chính xác hơn là với công nghệ thô sơ sẽ hết sức khó khăn. Anh đưa ra một vài khó khăn như sau:
“Thứ nhất, sản phẩm phụ thuộc vào thời tiết. Đắk Nông có sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm nên là nơi lý tưởng để sản phẩm lên men tốt hơn. Tuy nhiên, thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến mùi vị của sản phẩm mật chuối thu được nên sản phẩm không có sự đồng nhất tuyệt đối.
Thứ hai, quá trình vận chuyển, sản phẩm vẫn tiếp tục lên men nên vận chuyển có rung lắc sẽ sinh ga khá mạnh, khách hàng cần bỏ tủ lạnh một ngày để ổn định men và hạn chế ga khi mở. Để tủ lạnh, mật cũng tăng thêm độ ngọt, độ thơm và độ nồng.
Thứ 3, việc đóng gói cần cẩn thận và phù hợp nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng bị xì chai khi vận chuyển”.
Loại mật chuối thu được có màu trắng đục.
Anh nhớ nhất là thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cả một tháng đóng hàng gửi đi đều bị xì chai và bù lỗ rất nhiều. Anh luôn tìm cách khắc phục nên đến nay gần như xử lý được tuyệt đối.
Sản phẩm này rất tốt cho hệ tiêu hoá, xương khớp, cải thiện giấc ngủ và có thể giải được rượu bia mà cách sử dụng rất dễ lại có mùi vị dễ uống. Bên cạnh đó, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng: 130.000 đồng/950ml. Vì vậy, anh bán rất chạy sản phẩm này, trung bình mỗi tháng bán được khoảng 300 lít mật chuối.
Đối với anh, nông nghiệp cần tính liên kết, tính thực tế nên anh vẫn sẽ mở rộng trại nuôi gà, lợn để tận dụng bã chuối làm thức ăn cho chúng, tiết kiệm được chi phí mà đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn: [Link nguồn]
“Dù mới mở bán được 3 ngày, set “hoa” này được rất nhiều người ủng hộ. Mỗi ngày, tôi bán từ 15-20 set hoa”.