9x Hà Nội cất bằng kỹ sư, lên núi học cách làm giàu sau một lần uống trà
“Dù quá trình khởi nghiệp này đã khiến tôi gặp không ít khó khăn, có những lúc không còn một đồng nào trong người nhưng chưa bao giờ tôi có ý định dừng lại. Vì thế, trời đã không phụ lòng người”.
Đó là chia sẻ của anh Phạm Thế Duyệt (SN 1991), trú tại thôn Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín, Hà Nội) về quá trình khởi nghiệp không mấy suôn sẻ của mình.
Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực hết mình và niềm đam mê đặc biệt với cây trà cổ Shan Tuyết mà anh Duyệt đã gặt hái được những thành công đáng kể, sản phẩm anh làm ra đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Đam mê với sản phẩm trà Shan Tuyết, anh Duyệt đã quyết định cất bằng kỹ sư để khởi nghiệp từ cây trà.
Trước khi khởi nghiệp với trà Shan Tuyết, anh Duyệt từng học chuyên ngành Kỹ sư xây dựng công trình. Thế nhưng, vào năm học thứ 2, trong một lần cùng bạn lên Hà Giang, được thưởng thức ngụm trà Shan Tuyết và nghe bà con người Dao kể về những gốc trà cổ thụ, anh đã đem lòng say mê và yêu thích hương vị trà cổ đặc biệt này.
Cùng bạn lên núi, tận mắt nhìn thấy những gốc chè Shan Tuyết cổ thụ đã khiến anh Duyệt vô cùng thích thú. Về Hà Nội, vừa học, anh vừa đau đáu nghĩ về những cây chè sừng sững giữa bạt ngàn núi non hùng vĩ. Ra trường, anh quyết định lên núi làm chè.
“Mẹ tôi ngăn cản và phản đối kịch liệt lắm nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi, khăn gói lên Hà Giang rồi vào bản cùng bà con dân tộc học cách hái chè, chế biến và bảo quản các loại trà cổ”, anh Duyệt cho hay.
Chàng trai Hà Nội bỏ phố lên rừng để học cách làm trà.
Cả ngày trên núi hái chè cùng bà con dân bản, tối học cách sao, trải nghiệm tất cả các công đoạn làm các loại trà cổ truyền như Trà Lam, Hồng Trà, Trà Xanh, Trà Bánh… rồi rao bán lên các trang thương mại điện tử và giới thiệu cho bạn bè, người quen dùng thử.
“Sau hơn 3 năm vừa học vừa làm, thu nhập của tôi chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Có tiền, tôi lại mua trà về thử nghiệm kết hợp với hương của các loại hoa khác nhau. Thế nhưng, thất bại toàn tập. Có những lúc trong túi tôi không có đồng nào nhưng tôi vẫn làm, không bỏ cuộc”, anh Duyệt kể.
Không nản chí khi gặp thất bại, anh Duyệt ngày đêm mày mò, xem xét lại từng khâu để đúc rút kinh nghiệm và dần thành công.
Trà Shan Tuyết ướp hương sen là loại trà anh Duyệt đam mê và thành công nhất.
Để ướp thành công 1kg trà, anh Duyệt phải sử dụng từ 1.200-1.400 bông sen.
Trải qua quá trình ướp và sấy trong 6 lần với thời gian 20 ngày mới được 1 mẻ trà sen.
Năm 2017, trong một lần về quê, thấy quê mình có rất nhiều đầm sen lớn. Mùa hè, khắp làng toàn sen là sen với hương thơm ngát. Anh Duyệt bèn mang trà Shan Tuyết đi ướp sen và thu về kết quả ngoài mong đợi.
Anh Duyệt cho biết, mùa sen chỉ kéo dài hơn 1 tháng nên thời gian này anh làm việc hầu như không có ngày nghỉ. Thậm chí, anh phải huy động cả vợ, bố mẹ làm ngày đêm, nhiều khi không có thời gian ngủ.
Vào mùa sen, toàn bộ nhân lực của gia đình tập trung vào công việc làm trà.
“Loại sen tôi dùng ướp trà là sen Bách Diệp, được hái vào sáng sớm với mùi hương vừa thanh vừa đậm. Để ướp được 1kg chè thì phải dùng đến 1.200-1.400 bông sen, trải qua 6 lần vừa ướp vừa sấy khắt khe trong thời gian 20 ngày. Vì vậy loại trà này có giá cao nhất, từ 8-10 triệu đồng/kg. Các loại khác chỉ từ 1,5-3,5 triệu đồng/kg”, anh Duyệt chia sẻ.
Từ chỗ phản đối, nay bố mẹ anh lại ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình cho công việc của anh.
Cứ thế, năm nào vào mùa xuân anh cũng lên Hà Giang để làm trà Shan Tuyết, mùa hè làm trà ướp sen; mùa thu làm trà hoa, trà ép bánh, trà lam ống nứa; cuối năm lại tập trung bán hàng phục vụ nhu cầu biếu Tết của khách hàng.
Hiện tại, với 8 năm gắn bó với các sản phẩm trà Shan Tuyết cổ thụ, trà sen và các loại trà khác của anh Duyệt làm ra được khách hàng đặt mua và đánh giá chất lượng ngày càng cao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Anh Duyệt cho biết, điều anh mong muốn nhất là có thật nhiều người được uống trà sạch và sản phẩm trà Shan Tuyết cổ thụ, đồng thời sản phẩm của anh sẽ vươn ra thị trường quốc tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Loại cá này có màu sắc đẹp, rõ nét, kích thước có thể dài hơn 1 mét, nặng hàng chục kg và có giá lên đến hàng chục...