8x Hà Nội “nghịch” sáp thành đàn hổ hơn 3.000 con, chốt đơn cả tỷ đồng
Hơn 3.000 sản phẩm đã được bán hết chỉ trong vòng hơn 1 tháng ra mắt, mang về cho anh Thông doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Là người nổi tiếng trong làng nến Việt Nam với dòng nến tâm linh và nến nghệ thuật, năm nay, anh Dương Hoàng Thông (SN 1981 tại Hà Nội) tiếp tục trình làng loại nến tâm linh hình con hổ phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Anh Dương Hoàng Thông - người hơn 20 năm gắn bó với công việc làm nến.
Anh Thông cho biết, anh bắt tay vào làm nến từ năm thứ 2 Đại học. Đến nay, tròn 20 năm gắn bó với công việc làm nến, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng ưa chuộng đồ linh vật nên những năm gần đây, Tết năm nào anh cũng cho ra mắt bộ nến linh vật của năm đó.
“Những năm trước tôi thường làm từ 1-2 vạn sản phẩm nến linh vật phục vụ nhu cầu Tết. Tuy nhiên, năm nay tôi chỉ làm được hơn 3.000 sản phẩm do lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, giá các loại nguyên vật liệu như sáp ong, sáp hữu cơ đều tăng giá vì khan hàng”, anh Thông cho hay.
Linh vật hổ được làm bằng nến có giá từ 500-800 nghìn đồng/bộ.
Theo anh Thông, nến hình con hổ được anh lấy ý tưởng từ dòng tranh dân gian Đông Hồ, thiết kế thêm châu báu, vàng bạc, tượng trưng cho tiền tài và may mắn. Trên cổ mỗi con hổ đều được khắc hoặc đính kèm thêm câu đối Chúc mừng năm mới – Vạn sự như ý.
Để có được sản phẩm nến hình con hổ phục vụ Tết Nguyên đán, anh Thông phải lên ý tưởng, mua nguyên vật liệu về làm khuôn thử nghiệm rồi thuê thợ và hướng dẫn từng người làm.
Mỗi sản phẩm có thể cháy được từ 50-100 giờ, tuỳ điều kiện thời tiết.
“Để hoàn thành 1 con hổ phải cần từ 5-6 tiếng. Đầu tiên là lên ý tưởng, chế tạo khuôn, đổ nến, làm khô và trang trí. Toàn bộ các công đoạn đều được làm thủ công, truyền thống nên mất rất nhiều thời gian”, anh Thông phân tích.
Ngoài ý tưởng linh vật hổ ở tranh Đông Hồ, anh Thông còn thiết kế thêm châu báu, vàng bạc xung quanh.
Với hơn 3.000 sản phẩm nến hình linh vật hổ phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần 2022, chỉ sau khi ra mắt thời gian ngắn đã “cháy hàng”. Nhiều khách liên hệ đặt thêm nhưng anh Thông không còn hàng để bán.
Linh vật hổ bằng nến cùng hoa Sala bằng nến.
“Cận Tết, nến thì hết mà gọi thợ đến sản xuất thì rất khó khăn do nhiều người về quê tránh dịch rồi ở lại quê luôn. Để có hàng trả khách, công nhân phải làm việc tăng ca, thậm chí tôi phải thức xuyên đêm mới kịp”, anh Thông chia sẻ.
Anh Thông với sản phẩm hoa Sala làm bằng nến.
Ngoài sản phẩm nến hình linh vật hổ, anh Thông còn cho ra mắt mẫu nến hình hoa Sala – loại hoa là biểu tượng cho sự thuần khiết, thấu hiểu, không thành kiến, vô ưu có nguồn gốc từ Ấn Độ, gắn liền với cuộc đời đức Phật Thích Ca.
Cận cảnh hoa Sala làm từ nến có thể đốt cháy được từ 50-100 giờ.
Tương truyền, đức phật Thích Ca được sinh ra dưới tán cây Sala trong vườn Lumbini và chết giữa 2 cây Sala ở Kushinagara. Khi người vừa nằm xuống giữa hai cây Sala trong tư thế nằm nghiêng, đầu hướng về phương Bắc thì 2 cây Sala bỗng nở hoa rực rỡ, thơm ngát, mặc dù lúc đó không phải mùa hoa. Từ đó, Sala được trồng nhiều ở đền thờ, chùa chiền lớn.
Hơn 3.000 sản phẩm được bán ra, anh Thông có doanh thu khoảng hơn 1 tỷ đồng từ việc bán nến linh vật hổ.
Nhận thấy ý nghĩa đặc biệt của loại hoa này, anh Thông đã sáng tạo ra loại nến hoa Sala kết hợp với linh vật hổ. Mỗi bộ nến gồm 1 nến Sala, 1 hổ sáp vàng, 1 khánh, 1 đĩa đựng trong hộp cát tường được anh Thông bán ra với giá từ 400-500 nghìn đồng.; Hộp có 2 nến Sala, 2 hổ sáp vàng, 2 khánh, 2 đĩa được anh bán với giá 800 nghìn đồng.
Với 3.000 sản phẩm nến được bán ra trong dịp Tết 2022, anh Thông thu về hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 20%.
Được gọi với cái tên mĩ miều là “vũ nữ chân dài”, loại đặc sản này đang tăng giá hàng ngày vì nhu cầu mua làm quà...
Nguồn: [Link nguồn]