10x nhặt xác động vật về nhuộm, làm tới đâu khách mua hết tới đó
Cô gái trẻ thường đi thu gom các xác động vật chết về nhuộm theo sở thích của mình. Cô cũng kiếm được thu nhập ổn định từ công việc này.
“Dù đang học lớp 12 khá bận, bố mẹ cũng dặn phải tập trung học nhưng em vẫn sắp xếp thời gian vào phòng thí nghiệm để ngâm cái này, tách cái kia. Hôm nào bận quá không được làm, em cảm thấy khó chịu lắm”, Trần Thị Mai Phương (sinh năm 2004, Hải Dương) tâm sự.
Bộ môn mà cô nàng theo đuổi có tên là Diaphonization – làm tiêu bản nhuộm xương. Đó là quá trình sử dụng các hóa chất để làm trong suốt phần thịt của tiêu bản, nhuộm màu cho phần xương và mô/sụn. Những động vật có kích thước nhỏ như bò sát, chim, cá, rắn… mới có thể làm được tiêu bản nhuộm xương.
Phương cho biết trong một lần lướt mạng cô tình cờ bắt gặp hình ảnh những con vật trong suốt, phần xương có nhiều màu sắc sặc sỡ. Thích thú, cô tự tìm hiểu và biết tên gọi cụ thể của chúng cùng cách làm ra chúng như thế nào.
Phương nhặt hoặc mua xác chết động vật về nhuộm xương.
Nhiều năm đọc và tìm hiểu, đến năm lớp 8, cô gái trẻ mới chính thức bắt tay vào làm. Bố của Phương ủng hộ sở thích của con nên đã xây riêng một phòng thí nghiệm, đồ bảo hộ và dụng cụ để cho con gái tự mày mò. Còn mẹ của cô giúp cô đi thu những xác động vật ở xa nơi ở về cho con gái nghiên cứu.
Tất cả nguồn nguyên liệu động vật để làm đều là các con vật đã chết mà cô xin từ người quen, các cửa hàng bán thú cưng, chợ, tiệm hải sản. Bên cạnh đó, nhiều người biết đến Phương gửi những con thú cưng của mình là loại bò sát không may qua đời cũng để cô nhuộm xương, giữ kỷ niệm.
Suốt 5 năm theo đuổi bộ môn này, cô chưa bao giờ giết hại con vật nào để làm tiêu bản. “Vì em là người rất yêu quý động vật”, Mai Phương nói. Hiện, cô sở hữu hơn 3.000 mẫu và có mức thu nhập khá ổn định đến từ các sản phẩm này.
Hiện, cô sở hữu khoảng 3000 mẫu tiêu bản.
Chia sẻ về cách làm các tiêu bản này, cô cho biết khi nhận những xác chết của động vật, cô sẽ sử dụng hóa chất để tẩy đi protein và làm lớp da thịt trở nên trong suốt sau đó mới nhuộm xương. Nói thì đơn giản, khi bắt tay vào làm mới thấy nó là cả một vấn đề vì việc pha chế hóa chất cũng phải đúng liều lượng, chỉ cần sai sót một chút cũng có thể hỏng toàn bộ mẫu vật, không thể sửa chữa.
Sau khi hoàn thành việc nhuộm xương, tiêu bản sẽ thường được bảo quản trong lọ thủy tinh có nắp đậy và chứa dung dịch Glycerol. Mẫu tiêu bản có thể được bảo quản vĩnh viễn nếu không dính bụi, đậy nắp kín và không ảnh hưởng bới nhiệt độ.
Có sản phẩm cô bán giá hàng chục triệu đồng.
Ngoài ra, Mai Phương còn dùng nhựa Resin đổ vào tiêu bản để tạo hình thành các sản phẩm trang sức và móc chìa khóa. Nhưng cô cho rằng cách làm này yêu cầu độ khó và kỹ thuật cao hơn bởi sử dụng không cẩn thận có thể làm hỏng tiêu bản.
Thời gian hoàn thiện một tiêu bản nhuộm xương dao động từ 1 tháng đến vài tháng, cũng có thể là nửa năm hoặc hơn. Giá bán của chúng dao động từ 1-25 triệu đồng/sản phẩm.
Theo Mai Phương, công việc này đỏi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ khi làm việc. “Hơn thế nữa, em còn gặp khá nhiều sự cố khi làm việc như đứt tay, bị bỏng do hóa chất hoặc làm hỏng xác chết động vật vì một chút bất cẩn…”, cô chia sẻ.
Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ khi làm.
Bởi vậy, cô khuyên ai muốn theo đuổi nghề này phải xác định trang bị kiến thức thật chắc, kiên nhẫn và phải chuẩn bị phòng riêng, đồ bảo hộ cẩn thận.
Các sản phẩm Phương làm ra thường bán cho khách nước ngoài là chủ yếu. Phần lớn khách cũng phải đặt hàng trước vì cô ít khi có sẵn, làm đến đâu đều bán hết tới đó. Trong tương lai, nữ sinh cũng dự định sẽ theo đuổi nghề này lâu dài.
Có những sản phẩm độc đáo được bày bán tại đây với giá cả đa dạng từ vài chục đến hàng triệu đồng/sản phẩm.
Nguồn: [Link nguồn]