Văn hóa – miếng mồi ngon nhưng không dễ xơi của các nhà mốt
Dolce & Gabbana bị đông đảo người dân Trung Quốc tẩy chay vì cho là xúc phạm văn hóa dùng đũa của người châu Á.
Một mẫu khuyên tai của Dolce & Gabbanna bị cho là hưởng ứng chế độ nô lệ
Thời trang là lĩnh vực luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, từ thiết kế, sân khấu trình diễn cho đến những ý tưởng truyền thông… Càng sáng tạo và chấp nhận đổi mới, các nhà mốt càng dễ gặt hái được nhiều thành công.
Karl Lagerfeld với Chanel là một ví dụ điển hình! Năm nào nhà mốt này cũng cho ra mắt những bộ sưu tập với sắp đặt sân khấu cực kỳ hoành tráng, công phu, không năm nào giống năm nào. Các thiết kế của Chanel có thể chưa đủ mới mẻ, đột phá, nhưng đầu óc “dám nghĩ dám làm” của Karl Lagerfeld trong việc sắp đặt những sàn catwalk mô phỏng tàu vũ trụ hay tháp Eiffel thì dám chắc trong làng thời trang khó ai có thể vượt qua.
Nhưng không phải cứ sáng tạo là sẽ đi đôi với thành công. Rất nhiều nhà mốt đã ăn phải “trái đắng” khi gắn thời trang với những vấn đề văn hóa, tôn giáo, những vấn đề vốn dĩ đã vô cùng nhạy cảm.
Dior và chiến dịch liên quan tới người Mexico
Mới đây, Dior đã cho ra mắt bộ sưu tập Cruise 2019 với chiến dịch quảng cáo lấy cảm hứng từ “Escaramuza của Mexico”, những phụ nữ cưỡi ngựa truyền thống của Mexico. Mục đích chính của nhà mốt nước Pháp là tôn vinh di sản của Mexico thông qua cái nhìn hiện đại. Tuy nhiên, cách thể hiện của Dior lại gây ra sự tranh cãi lớn khi không có bất kỳ người phụ nữ Mexico nào xuất hiện trong chiến dịch truyền thông. Thay vào đó là nữ diễn viên Jennifer Lawrence, gương mặt thương hiệu của hãng trong nhiều năm qua.
“Chuyện gì thế này? Dior và Jennifer Lawrence muốn tôn vinh những phụ nữ cưỡi ngựa truyền thống của Mexico bằng cách đưa một người phụ nữ da trắng, giàu có làm gương mặt đại diện của chiến dịch quảng cáo này?”, Phoebe Robinson, một diễn viên hài nổi tiếng để lại bình luận.
Dolce & Gabbana bị tẩy chay tại Trung Quốc
Để quảng bá cho chương trình The Great Show dự kiến tổ chức ở Thượng Hải, nhà mốt Dolce & Gabbana đã tung ra một đoạn video, trong đó có đoạn cô mẫu dùng đũa để ăn pizza, spaghetti. Thái độ thiếu nghiêm túc của cô mẫu trong đoạn quảng cáo đã lập tức khiến dân Trung Quốc đồng loạt cho rằng Dolce & Gabbana đang cố tình mỉa mai văn hóa dùng đũa của người Á châu.
Khi một người dùng mạng bày tỏ thái độ bằng cách nhắn tin hỏi riêng ông Stefano Gabbana, ông này thậm chí còn buông những lời lăng mạ nặng nề, rồi sau đó biện minh rằng tài khoản bị…hack, càng khiến sự giận dữ của người dân nước này dâng cao. Hậu quả, rất nhiều người đã tuyên bố tẩy chay cũng như loạt sao hủy hợp đồng làm gương mặt đại diện cho Dolce & Gabbana.
Victoria’s Secret và thiết kế liên quan tới người da đỏ
Trong show nội y thường niên năm 2012, Victoria’s Secret đã vấp phải sự phản đối nghiêm trọng của công chúng khi đưa lên sàn diễn hình ảnh siêu mẫu Karlie Kloss trong bộ nội y cách tân từ trang phục của người da đỏ.
Trang phục này lập tức bị quy chụp là xúc phạm bộ tộc người da đỏ tại Mỹ bởi với họ, để một người da trắng đội chiếc mũ của người bản địa là chuyện không thể chấp nhận, khiến cho Victoria’s Secret phải hứa hẹn cắt đi hình ảnh gây tranh cãi ấy khi show phát sóng trên truyền hình.
Adidas và mẫu giày cùm chân
Từng kết hợp với nhà thiết kế Jeremy Scott với mong muốn cho ra đời những sản phẩm sáng tạo nhất, đột phá nhất nhưng sự việc dường như đi ngược lại với sự mong đợi của Adidas. Chuyện là nhà thiết kế tài ba trên đã cho ra đời mẫu giày có tên “shackle shoes” với phần cùm khá khó hiểu ở cổ chân, khiến Adidas bị cáo buộc là cổ súy cho chế độ nô lệ đen tối trong lịch sử. Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, Adidas đã cho ngừng sản xuất mẫu giày này.
Hai đại diện của D&G là Địch Lệ Nhiệt Ba và Vương Tuấn Khải đã tuyên bố ngừng hợp tác với hãng.