Uniqlo: Từ cửa hàng ở thành phố hẻo lánh Nhật Bản đến nhãn thời trang toàn cầu
Uniqlo ngày càng vươn mình mạnh mẽ cho thấy thế mạnh của một "con hổ" thương hiệu thời trang mới.
Uniqlo dự kiến mở thêm cửa hàng tại Hà Nội vào năm 2020.
Sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh và đầu tháng 12, Uniqlo dự kiến mở cửa hàng tiếp theo tại Hà Nội vào mùa xuân năm 2020. Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết vô cùng mong đợi việc đưa thương hiệu thời trang này ra Hà Nội. Trước khi có hơn 2200 cửa hàng tại 25 quốc gia, "chen chân" vào thị trường thời trang khó tính và độc tôn như Pháp, Anh, Mỹ,... Uniqlo chỉ là 1 của hàng quần áo nam nhỏ được mở ở thành phố Ube, Yamaguchi, Nhật Bản.
Bước khởi đầu khiêm tốn
Khi ghé thăm Nhật Bản, bạn sẽ thấy những cửa hàng quần áo mang tên Uniqlo ở mọi góc ngách của thành phố và hiện tại thương hiệu này đang cho thấy sự phát triển ngoạn mục khi xâm chiếm thị trường thời trang thế giới. Người tạo dựng bước đi đầu tiên của Uniqlo là Tadashi Yanai. Bắt đầu từ cửa hàng quần áo cũ của gia đình, Tadashi Yanai muốn xây dựng một "đế chế" của riêng mình. Ông học được rằng trước hết phải nghĩ xem khách hàng của mình muốn gì, không phải thứ công ty muốn bán. Bởi vậy, ông bổ sung thêm quần áo cho nữ giới vào cửa hàng đồ nam và bắt đầu phát triển thương hiệu Unique Clothing Warehouse vào năm 1984 (viết tắt là Uniqlo).
Uniqlo là từ viết tắt của Unique Clothing Warehouse.
Đầu những năm 1990, trong bối cảnh suy thoái ở Nhật, Uniqlo lại phát triển mạnh mẽ. Tadashi Yanai đã thực hiện kế hoạch chưa từng có với một công ty Nhật Bản là chuyển việc sản xuất sang nước ngoài như Trung Quốc, Campuchia,... cho phép cắt giảm chi phí sản xuất và tăng thêm lợi nhuận do ở các nước này có nguồn lao động rẻ. Phương châm của Uniqlo là hướng đến tầng lớp bình dân thay vì thượng lưu. Chất lượng tốt nhưng đi cùng giá thành rẻ mặc dù ở thời điểm đó họ cũng phải chiến đấu, bám lấy từng xu.
Việc chuyển sản xuất sang nơi có nguồn lao động rẻ giúp Uniqlo tiết kiệm chi phí.
Tiến tới thương hiệu toàn cầu
Năm 1994, công ty của Tadashi Yanai được đổi tên từ Ogiri Shoji thành Fast Retailing và mở rộng ra 100 cửa hàng tại Nhật Bản. Theo bước các nhà bán lẻ nước ngoài khác, Uniqlo bắt đầu sản xuất các mặt hàng riêng và bán độc quyền tại của hàng của mình. Tadashi Yanai cũng đã làm việc với công ty tư vấn thương hiệu để tạo ra logo mới, cũng như thay đổi cách bố trí cửa hàng.
Tadashi Yanai là người kinh doanh có tham vọng.
Giai đoạn đầu những năm 2000, Uniqlo đã sẵn sàng mở các cửa hàng tại châu Âu và Mỹ tuy nhiên không mấy thành công. Một phần nguyên nhân là do việc định liệu kích cỡ sai của Uniqlo vì đàn ông và phụ nữ Nhật Bản nhỏ bé hơn so với người Âu Mỹ. Trong vòng 18 tháng, Uniqlo đã đóng cửa 16/22 cửa hàng ở London và tại 3 trung tâm thương mại ở New Jersey. Năm 2012, Uniqlo từng đặt mục tiêu mở 1000 cửa hàng tại Mỹ nhưng theo tạp chí Forbes, tính đến tháng 3/2017 sau khi đóng cửa 6 địa điểm, Uniqlo chỉ còn 47 cửa hàng ở đây.
Uniqlo đã từng thất bại ở thị trường quốc tế.
Tadashi Yanai 1 lần nữa nghiên cứu sự thành công của các thương hiệu khác để thay đổi chiến lược của mình. Ông quyết tâm sản xuất những sản phẩm tốt nhất với giá mà khách hàng mong muốn. Không giống như các đối thủ như Zara hay H&M thường theo đuổi xu hướng, thay đổi sản phẩm liên tục thì Uniqlo chú trọng vào mặt hàng chủ lực là quần jean, áo len, áo khoác, họ bán trang phục phù hợp với tủ quần áo của tất cả mọi người, luôn luôn cần thiết và bền vững.
Tháng 6/2019, Tadashi Yanai được tạp chí Forbes xếp hạng 31 trong số những người giàu nhất thế giới và là người giàu nhất Nhật Bản với giá trị tài sản ròng ước tính 29,4 tỷ đô la. Uniqlo hiện có mặt ở khắp các đường phố mua sắm từ New York đến Paris, Seoul, Bắc Kinh,... với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới vào năm 2020 với doanh thu ước tính là 28 tỷ đô la.
Từ một cửa hàng nhỏ lẻ, Uniqlo đã thiết lập một "đế chế" thời trang mới.
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù đã ra mắt được một thời gian những mẫu giày kết hợp giữa G Dragon và Nike vẫn chưa hết “hot“.