Truân chuyên dịch vụ nhận đặt hàng online
Có khá nhiều rắc rối phát sinh từ dịch vụ đặt hàng online ở nước ngoài.
Ngày nay, việc đặt hàng thời trang qua mạng (order hàng online) chưa bao giờ dễ dàng tới vậy. Chỉ cần chọn người làm dịch vụ, có sẵn tiền và một vài cú nhấn chuột, thế là bạn có thể điềm nhiên chờ rước một bộ váy tuyệt đẹp ở bên trời Âu, Mỹ về sau khoảng 3 – 4 tuần. Tuy nhiên, dịch vụ này có thực sự tiện lợi tới vậy?
Dịch vụ mua hàng hộ là gì?
Thông thường những người làm dịch vụ đặt đồ từ nước ngoài thường sử dụng hai cách. Một là sử dụng ngay thẻ thanh toán (Visa, Master) hoặc thanh toán qua Paypal (hệ thống thanh toán trực tuyến) và đăng ký nhận hàng tại một địa chỉ của mình ở nước ngoài, sau đó vận chuyển tiếp về Việt Nam.
Cách thứ hai là nhờ ngay chính người quen, người thân hoặc người “móc nối” với mình ở nước ngoài để làm dịch vụ. Thời gian hàng về phụ thuộc vào khoảng cách địa lý và sự thuận tiện của đường bay. Chẳng hạn như vào tháng 12/2011, Việt Nam mở đường bay thẳng tới Anh. Điều này cũng khiến dịch vụ đặt hàng từ các web Anh cũng phổ biến, dễ dàng và giá cả rẻ hơn.
Khi đặt một món hàng, người mua phải chịu nhiều thứ phí. Công thức tính chung thường là : Giá trị món hàng niêm yết trên trang web + thuế ở nước đó (tính % theo giá trị sản phẩm) + phí vận chuyển nội địa (nếu có, thường được thông báo ngay trên mục thanh toán sản phẩm khi bạn đặt mua trên web và thường cố định, tức là bạn mua một món hay nhiều món cũng có cùng mức phí như thế) + phí ship từ nước ngoài về Việt Nam (tính theo cân nặng).
Giá trị món hàng niêm yết trên website và khoản thuế gần như khó có thể thay đổi. Tuy nhiên có một số trường hợp ở Mỹ, ví dụ như tại nhiều bang, thuế bị tính trên đầu sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như món đồ được đặt hàng tại California tính thuế là 8.75 – 10% thì cũng cùng sản phẩm đó nhưng mức thuế tại Tennesse thì lại khác.
Vì thế các người bán cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá tiền vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, tiền công mua.
Đối với tiền vận chuyển nội địa tức là mức phí chuyển hàng từ kho đồ của hãng tới địa chỉ nhận tại nước ngoài thì nhiều người bán cố gắng hạ tới mức tối đa bằng cách gom đơn hàng, nghĩa là gom thật nhiều người mua hàng cùng một địa chỉ web cùng một thời điểm để họ chia phí vận chuyển nội địa.
Dịch vụ nhờ đặt hàng hộ khá tiện ích (ảnh minh họa)
Người làm dịch vụ cũng lo ngay ngáy
Chị Giang, một người chuyên nhận order hàng hiệu từ nước ngoài về chia sẻ về công việc của mình:“ Nhiều người nghĩ rằng những người làm dịch vụ nhận đặt đồ ở nước ngoài như chúng tôi là nhàn rỗi lắm, chỉ cần có thẻ thanh toán hoặc người nhà ở nước ngoài là có thể ẵm ngon trung bình 200 – 250.000 VND/ món. Thực ra nghề này cũng có lắm rủi ro”.
Vì tin tưởng người vận chuyển làm việc với mình vài năm mà chị Giang từng bị mất trắng vài ngàn đô tiền hàng.
Lần đó, người vận chuyển hàng tại Mỹ gom nhiều mối đặt hàng khác nhau, trong đó có cả hàng của chị Giang về cùng một chuyến. Tuy nhiên, chuyến hàng đó lại “có mùi” khi anh này do không kiểm tra kỹ, lại nhận vận chuyển một thùng hàng có giấu nhiều bộ phận của vũ khí đã tháo nhỏ nằm rải rác lẫn lộn với các món đồ khác.
Hãy cẩn trọng trước khi nhấn nút mua
Hậu quả là toàn bộ hàng hóa bị hải quan Mỹ phát hiện và thu giữ lại, trong đó có cả mấy món quần áo, túi xách đặt cho khách của chị Giang. Số tiền ứng trước vài ngàn đô cũng coi như bị mất.
Bên cạnh đó, chị Giang cũng chia sẻ rằng thời gian hàng của khách đặt về khó có thể đều đều như vắt chanh được mà thường xuyên bị muộn hơn do nhiều yếu tố.
Chẳng hạn như đợt này, nhiệt độ tại nhiều nơi ở Mỹ xuống dưới âm chục độ C, kèm theo đó là bão tuyết khiến cho việc vận chuyển tại đây gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng bị hủy bỏ. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng vẫn chắc như đinh đóng cột rằng nhất nhất, hàng phải về sau 3 – 4 tuần. Rất ít khách thông cảm cho người làm dịch vụ mua hàng hộ. Nếu nhẹ thì họ thúc giục, trách móc. Nặng hơn thì tới rút tiền cọc về.
Trong trường hợp khách tới rút tiền cọc thì chị lại phải tìm cách thanh lý món hàng với giá rẻ và thường xuyên là không bán được.
Thậm chí có lần, chị Giang nhận đặt cho một cô khách quen một chiếc túi hơn 500 USD tương đương với khoàng 11 triệu VND mà không cần tiền cọc. Tuy nhiên cô này sau đó viện lí do không thích túi nữa và “tháo chạy”. Với trường hợp “mắc nạn” vì tin khách thế này, chị cũng phải tìm cách bán tống bán tháo chiếc túi đắt giá.
Chị Thư, một người chuyên nhận mua hàng hộ khác thì lại phàn nàn về việc mình thường xuyên bị các website “chơi xấu”.
Nếu như một số trang bán hàng như Zappos tỏ ra khá nhanh nhạy khi cập nhật tình trạng hàng hết hay còn thì không có vấn đề gì. Sự rắc rối xảy ra ở những trang như Zara hay H&M khi cập nhật tình trạng hàng cực kỳ chậm, đặc biệt là H&m, khốn nỗi đây lại là thương hiệu mà chị em rất ưa chuộng vì giá rẻ và kiểu dáng hợp thời. Hàng trên trang này thường xuyên rơi vào tình trạng lập lòe như đèn hỏng bóng, sáng hết chiều lại còn.
Giao diện một trang web bán hàng online tại Mỹ
Có lần chị Thư nhấn vào mua khá nhiều hàng đang giảm giá trên web và nhấn thanh toán bẳng thẻ. Một lúc sau, web báo hàng hết và hoàn lại tiền nhưng chị Thư vẫn mất phí chuyển đổi ngoại tệ khoảng vài trăm nghìn VND. Nhiều lần như thế khiến chị rất bực mình vì đã không mua được đồ mà còn bị mất oan một khoản tiền không nhỏ.
Ngoài một số vấn đê thường thấy kể trên, những người nhận mua hộ hàng trên các website nước ngoài còn phải đối mặt với mối lo hàng hóa có thể bị hải quan thu giữ bất cứ lúc nào. Nhắc tới điều này chị Thư chỉ thở dài:”Thế thì cũng phải chịu thôi vì mình cũng đang làm một dạng buôn lậu nhỏ lẻ mà!”.
Khách cũng mệt mỏi
Một số người làm dịch vụ khá khôn lỏi khi nắm sát sao tình trạng thị trường hàng “Việt Nam xuất khẩu” (VNXK). Tại sao lại như vậy. Từng có trường hợp nhận đơn hàng của khách và phát hiện thấy có những món “made in Viet Nam”.
Và thay vì đặt hàng cho khách ở website chính hãng thì họ lại mua mặt hàng đó tại các cửa hàng VNXK trong nước nhưng vẫn tính tiền như hàng đặt bình thường và ăn lời một số tiền không hề ít. Tất nhiên là những trường hợp như thế này không quá phổ biến bởi không phải cứ hàng thời trang “made in Viet Nam” đều có mặt tại thị trường VNXK trong nước và để tìm kiếm được các mặt hàng trùng khớp cũng khá kỳ công.
Với các món đồ đặt hàng ở nước ngoài, bạn cũng cần phải chuẩn bị tâm lý là rất có thể chúng chẳng hề long lanh như trên hình và tệ hơn là nhầm kích cỡ. Nhiều khi các trang web đưa ra bảng số đo (size chart) chằng hề đúng sự thật, chúng có thể lệch đi tương đối so với số đo thực tế.
Ví dụ như một chiếc váy BCBG niêm yết size S trên website là có vòng ngực khoảng 82, eo 63 và mông 91 (cm). Tuy nhiên, thực tế là một chiếc váy size S của BCBG có thể bị rộng với người có số đo 82-63-91 (cm) và nó lại vừa khít với số đo 85-65-93 (cm)..
Mua nhầm trang phục là chuyện "thường ngày ở huyện"
Do không được thử nên bạn rất có thể sẽ mua nhầm kích cỡ. Mà thông thường, nếu bạn đi sửa lại đồ thì phom dáng của chúng cũng không còn được chuẩn như nguyên bản. Việc rước về một món hàng nằm ngoài trí tưởng tượng, khiến bạn thất vọng cũng là tình trạng phổ biến khi đặt hàng ở nước ngoài.
Chuyện lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng để trục lợi cũng chẳng hề xa lạ ở lĩnh vực nhận order từ nước ngoài. Gần đây trên các forum mua bán ồn ào chuyện một nick có tên V chuyên nhận đặt đồ từ tây Ban Nha về Việt Nam. Phí đặt hàng của V rất rẻ, thậm chí còn "phá giá" nhiều dịch vụ đặt hàng khác. Tuy nhiên, khi bắt đầu đông khách và có một số lượng khách quen nhất định, V bắt đầu giở chiêu lừa đảo.
Những đơn hàng đầu, V trả hàng rất đúng hẹn và đủ. Bắt đầu tới những đơn sau, V "cò quay" hàng của khách, không chịu trả hàng và cũng khộng trả tiền. Chiêu lừa của V là nói dối khách hàng bị kẹt, người vận chuyển hàng tới nhà không gặp chủ hoặc lần lữa việc hoàn tiền cho khách hết lần này tới lần khác.
Số người bị V lừa cũng lên tới con số hàng trăm. Và trong đó, có những nạn nhân mất cho V gần trăm triệu đồng. Thử làm một phép toán nhỏ, bạn cũng có thể thấy mánh lừa đó giúp V thu lợi một số tiền khổng lồ.
Cũng với mánh lới tương tự, một siêu lừa tên L tại web rao vặt mua... và diễn đàn we... cũng từng bị tố cáo ôm hàng trăm triệu tiền đặt cọc của khách để đặt hàng tại các nước. Điều đáng nói là L đã sử dụng hoàn cảnh bà mẹ một con của mình để "ôn nghèo kể khổ" trên các diễn đàn phụ nữ nhằm mua lòng tin và rủ rê họ đặt hàng từ dịch vụ lừa đảo của mình. Nhiều nạn nhân sập bẫy L vì "thương tình hoàn cảnh và muốn sử dụng dịch vụ để ủng hộ L".
Nhiều vụ lừa đảo xảy ra khi bạn sửu dụng dịch vụ nhờ mua hàng